Chư Jút Ứng Dụng Hiệu Quả Khoa Học Kỹ Thuật Vào Sản Xuất Nông Nghiệp
Theo Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Chư Jút thì trong những năm qua, đơn vị đã tiến hành xây dựng nhiều mô hình trình diễn nông nghiệp với các loại con, cây giống mới và chuyển giao thành công cho các hộ nông dân trên địa bàn.
Theo đó, nhiều hộ nông dân đã hưởng ứng và áp dụng các quy trình sản xuất do đơn vị chuyển giao đạt kết quả cao tại các trang trại, gia trại của gia đình.
Trong vụ đông xuân vừa qua, Trạm đã triển khai cho hàng chục hộ dân ở 2 xã Chư K’nia và Đắk D'rông thực hiện trồng giống lúa thuần RTV.
Các cán bộ khuyến nông huyện thường xuyên xuống đồng cùng với nông dân theo dõi tình hình sinh trưởng, dịch bệnh trên cây lúa
Ông Vừ A Sáng ở thôn 3, xã Chư K’nia, một trong những hộ tham gia trồng lúa thuần RVT cho biết: “Trong các vụ lúa trước đây, trên diện tích 5 sào này, tôi cũng đã trồng lúa nhưng năng suất chỉ đạt tối đa 2,5 tấn. Vụ đông xuân năm nay, tôi tham gia mô hình trồng thí điểm giống lúa thuần RVT do Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện triển khai.
Trong quá trình trồng, chăm sóc, tôi thấy giống lúa thuần RVT có nhiều ưu điểm như tỷ lệ nảy mầm cao trên 90%; khả năng đẻ nhánh khỏe, sinh trưởng, phát triển tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh khá, bông lúa dài, hạt xếp sít…Thời gian sinh trưởng là trung bình 115 ngày, rất phù hợp với điều kiện thời tiết ở vùng đất này”.
Cũng với 5 sào ruộng như mọi năm, nhưng năm nay, năng suất lúa của ông Sáng đạt trên 4,5 tấn. Theo ông Sáng ngoài việc áp dụng giống mới thì trong quá trình sản xuất, các cán bộ nông nghiệp của huyện còn về trực tiếp hướng dẫn bà con cách ủ giống, phương pháp và gieo sạ đúng mật độ, xử lý cỏ dại, bón phân theo nhu cầu của cây, giữ nước trong ruộng hợp lý, sử dụng chế phẩm sinh học phòng trừ sâu hại…
Còn gia đình ông Nguyễn Văn Thắng ở thôn 6, xã Nam Dong đã nâng cao được hiệu quả sản xuất nhờ sử dụng giống đậu nành cao sản.
Ông Thắng cho hay: “Trước đây, gia đình tôi thường có thói quen trồng các giống đậu nành của địa phương nên năng suất thường giảm dần qua mỗi vụ, đồng thời, khả năng chống chịu sâu bệnh và chịu hạn không cao. Vài vụ mùa gần đây, được Trạm khuyến nông-Khuyến ngư triển khai, gia đình tôi đã trồng bằng giống đậu nành DT26 trên cánh đồng của mình. Qua quá trình sản xuất, tôi thấy đây là loại giống không chỉ mang lại năng suất cao mà còn có sức kháng bệnh cao hơn những loại cây trồng khác”.
Tương tự, mô hình trồng dưa leo, rau xanh bằng phương pháp an toàn cũng đã triển khai hiệu quả trong thời gian qua. Gia đình bà Lê Thị Thanh ở thôn 1, xã Nam Dong, trồng trên 1 sào rau xanh chỉ sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc dẫn diệt sâu bọ sinh học theo phương pháp mới.
Bà Thanh cho biết: “Trung bình 500 m2 dưa leo Thái thu hoạch từ 1,5 - 3 tấn trái/vụ, tùy theo công chăm sóc. Với giá dao động 5.000-8.000 đồng/kg như hiện nay, một vụ dưa leo thu được 12-20 triệu đồng”.
Theo Trạm Bảo vệ thực vật huyện Chư Jút thì việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để xây dựng mô hình trồng dưa leo, rau ăn lá các loại theo hướng an toàn đang là hướng đi mà Trạm hướng tới để nhân rộng trên địa bàn huyện.
Cũng theo Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Chư Jút thì hoạt động khuyến nông luôn bám sát vào tình hình sản xuất của địa phương cũng như giúp bà con giảm thiểu chi phí sản xuất lúa, hạ giá thành và tăng lợi nhuận so với tập quán canh tác cổ truyền trước đây.
Chỉ tính từ 2010 đến nay, Trạm phối hợp với các địa phương trong huyện và các công ty giống cây trồng tổ chức trên 100 lớp tập huấn, hướng dẫn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, cách làm ăn cho 2.200 lượt người, trong đó có khoảng 60% là hộ nghèo.
Đồng thời, đơn vị cũng xây dựng hàng chục mô hình trình diễn, hội thảo đầu bờ cho trên 2.000 lượt hộ nghèo tham gia. Các mô hình phát triển kinh tế này đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện hàng năm giảm khoảng 3%.
Có thể bạn quan tâm
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương, sản lượng vải quả của tỉnh vụ năm nay ước tính khoảng 50.000 tấn, giá vải cao hơn năm trước khoảng 20% nên lợi nhuận của người dân tăng đáng kể.
Tại Hội nghị sơ kết hoạt động XTTM các tỉnh, thành phố phía Nam 6 tháng đầu năm 2015, nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động XTTM thời gian tới muốn hiệu quả hơn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở Công Thương với Cục XTTM.
Huyện Chư Pah-tỉnh Gia Lai có diện tích gần 1.000 km2 , trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 37.430 ha. Sau 5 năm, nền kinh tế nông nghiệp của huyện đã có nhiều thay đổi, đời sống nông dân có nhiều khởi sắc, một phần nhờ vào việc chuyển đổi đúng hướng cơ cấu cây trồng trên địa bàn.
Một thời gian ngắn nữa chính sách mới về tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn sẽ có hiệu lực thi hành. Đây là tín hiệu mừng cho doanh nghiệp và nông dân, góp phần vào việc khơi thông nguồn vốn tín dụng phục vụ lĩnh vực này…
Nhằm trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật giúp cho nông dân, hàng năm, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật và mở các lớp dạy nghề bám sát nhu cầu thực tế của hội viên.