Vào Vụ Cá Bắc
Vượt qua áp lực về chi phí tăng cao cũng như biến động của thời tiết, những ngày này ngư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đồng loạt bám biển với vụ cá bắc. Ngành chức năng cũng đang triển khai các phương án trợ giúp ngư dân sản xuất an toàn, hiệu quả trong mỗi chuyến biển.
Vào vụ
Vào những ngày này, khi những đợt gió mùa tràn về kéo theo những cơn bão và áp thấp nhiệt đới, các tàu cá hoạt động ở các vùng biển xa không thể ra khơi. Đây cũng là lúc tranh thủ thời tiết ổn định, ngư dân Quảng Nam ra khơi bằng các tàu thuyền công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ.
Tại bến cá Duy Hải (Duy Xuyên) vào những ngày qua, không khí ra biển của ngư dân rất nhộn nhịp. Chiều đến, từng tốp xe bò được ngư dân kéo ra bến mang theo ngư lưới cụ, xăng dầu, lương thực, nước uống... Ngư dân Nguyễn Văn Ba (thôn An Lương, xã Duy Hải, Duy Xuyên, chủ phương tiện QNa-02104 TS có công suất 20CV), cho biết: “Sau bão số 11, mặc dù phí tổn tăng cao nhưng thời tiết dần ổn định, chúng tôi tranh thủ ra khơi.
Không xa lắm, chừng vài mươi hải lý, chủ yếu là quanh biển Cù Lao Chàm, nguồn hải sản phong phú tại đây đã đem lại cho chúng tôi nguồn thu nhập tương đối”. Theo ông Ba, với mỗi chuyến biển từ đêm đến sáng, gia đình đánh bắt được chừng 50kg cá sòng, cá trích, cá ngân, cá má… bán được khoảng 500 – 700 nghìn đồng, trừ chi phí thu nhập khoảng 500 nghìn đồng.
Khoảng 9 giờ sáng, cảng cá Cửa Đại (TP.Hội An) sôi động hẳn lên với các cuộc mặc cả mua bán cá. Chỉ trong chừng 15 – 20 phút, các cuộc “thương lượng” đã ngã ngũ. Đếm đi đếm lại rồi cất 5 triệu đồng vào túi, ông Ngô Qua (thôn Thanh Tam Đông, xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) như vẫn chưa tin vào thành quả chỉ sau một đêm đánh bắt. Cứ vào vụ cá bắc là ông Qua cùng con trai tất bật bám biển gần bờ bằng nghề lưới rê trên phương tiện QNa-0304 TS có công suất chỉ 15CV.
Chuyến biển vừa rồi, gia đình ông khai thác được 5 tạ cá trích, thu được 5 triệu đồng. Mặc dù chi phí bám biển tăng cao hơn mọi năm nhưng chỉ sản xuất vỏn vẹn trong một đêm, chi phí ít nên gia đình có được nguồn thu nhập tương đối. Những ngày qua, tại cảng cá Cửa Đại nhiều phương tiện khai thác được mùa bằng nghề lưới cản.
Ngư dân Nguyễn Văn Thọ (khối Phước Hòa, phường Cửa Đại, TP.Hội An) cho biết: “Những ngày đầu vụ cá bắc, nguồn hải sản nhiều. Mỗi chuyến biển từ đêm tối đến tảng sáng, gia đình chúng tôi thu được trên dưới 4 tạ cá, bán được khoảng 4 triệu đồng. Đây là “món quà” đầu vụ mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho ngư dân chúng tôi”.
Hiệu quả, an toàn
Ông Nguyễn Văn Giỏi - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cho biết, vào vụ cá bắc này, đơn vị đang triển khai các phương án giúp ngư dân sản xuất an toàn, hiệu quả. Theo đó, ngành thủy sản tổ chức, giúp ngư dân tăng cường bám biển bằng các nghề phù hợp, nhất là lưới rê, lưới cản, lưới quét.
“Quá trình khai thác hải sản của ngư dân phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn lợi trên biển. Bởi vậy, để tiếp sức ngư dân, chúng tôi tiếp tục cập nhật các diễn biến của ngư trường, nguồn lợi trên các vùng biển của tỉnh để phổ biến kịp thời, giúp ngư dân sản xuất hiệu quả” - ông Giỏi nói.
Cũng theo ông Giỏi, hiện Trung ương đã phê duyệt đề án Dự báo ngư trường khai thác thủy sản. Theo đó, trong giai đoạn 2013 - 2015 sẽ xây dựng được dự báo ngư trường khai thác hải sản hạn vừa (1 tháng) và hạn dài (6 tháng) cho các nghề khai thác và cho một số loài, nhóm loài hải sản quan trọng.
Từ năm 2016 - 2020 sẽ xây dựng dự báo ngư trường ngắn hạn (1 tuần - 10 ngày), hạn vừa và hạn dài có độ tin cậy cao, phục vụ khai thác hải sản của ngư dân. Các thông tin dự báo này sẽ được ngành chức năng tiếp cận thường xuyên, kịp thời và cung cấp rộng rãi tới ngư dân trên địa bàn tỉnh. Việc hướng dẫn khai thác và đánh giá hiệu quả ngư trường khai thác sẽ tiếp sức ngư dân sản xuất đạt hiệu quả cao, trước mắt là trong vụ cá bắc này.
Theo Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam, cùng với việc tăng cường hoạt động của các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển; rà soát số lượng tàu thuyền của ngư dân tham gia vào từng loại nghề trong vụ cá bắc, đơn vị đang tăng cường công tác kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá.
Cùng với đó là tăng cường trực ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; đảm bảo thông tin kịp thời giữa tàu thuyền đang hoạt động trên biển và đất liền. Một nhiệm vụ quan trọng nữa là kiểm soát các khu neo đậu tàu cá trên địa bàn tỉnh, thực hiện các phương án neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão cho ngư dân phù hợp theo từng địa phương.
Ông Giỏi cho biết thêm, trong vụ cá bắc này đơn vị sẽ tổ chức 5 lớp tập huấn nâng cao nhận thức của ngư dân về chủ quyền biển, đảo; bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản cũng như phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền khi hoạt động trên biển.
Theo kế hoạch, sản lượng khai thác trong vụ cá bắc trên địa bàn tỉnh (từ tháng 10.2013 đến hết tháng 3.2014) đạt 14.000 tấn. Đến thời điểm này, sản lượng khai thác đã đạt được hơn 5.200 tấn. Trong tháng 10, Quảng Nam chịu bão hoành hành mà sản lượng khai thác vẫn đạt mức cao (hơn 1/3 kế hoạch của cả vụ) cho thấy tín hiệu khả quan cho ngư dân trên địa bàn tỉnh trong vụ cá bắc này. Điều này có được, ngoài nỗ lực bám biển của ngư dân, có sự trợ giúp đắc lực của công tác dự báo ngư trường khai thác hải sản.
Có thể bạn quan tâm
Sau một thời gian dài giảm xuống ở mức thấp, giá heo hơi có xu hướng tăng lên trong hơn 3 tháng trở lại đây. Với giá bán heo hơi hiện tại, nhiều người chăn nuôi có thể kiếm lời. Tuy nhiên, do lo ngại giá cả đầu ra bất ổn nên người chăn nuôi heo vẫn rất thận trọng trong tái phát triển đàn…
Khoảng 1 tháng nay, trong khi giá trứng gà bán ra từ các trang trại liên tục giảm mạnh thì trên thị trường mặt hàng này vẫn giữ giá ở mức cao. Sự bất hợp lý trong phân phối, tiêu thụ sản phẩm đang làm nản lòng người dân trong đầu tư tái đàn gia cầm.
UBND tỉnh An Giang vừa phê duyệt kinh phí hỗ trợ dự án “Xây dựng mô hình lai tạo và nuôi dưỡng bò lai hướng thịt tại An Giang”, do Thạc sĩ Phí Như Liễu, Trung tâm Nghiên cứu và Huấn luyện chăn nuôi gia súc lớn (Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) làm chủ nhiệm; phối hợp Trung tâm Công nghệ sinh học (Sở Khoa học và Công nghệ An Giang) thực hiện. Tổng kinh phí gần 847 triệu đồng, trong đó ngân sách sự nghiệp khoa học công nghệ hỗ trợ gần 664,8 triệu đồng, còn lại do hộ nông dân tham gia đối ứng.
Nhờ chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh nên từ đầu năm đến nay chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp được duy trì ổn định, các loại dịch bệnh mặc dù có xuất hiện nhưng đã được ngăn chặn và khống chế kịp thời, không để bùng phát trên diện rộng.
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn – Trường đại học An Giang phối hợp UBND xã Vĩnh Phước (Tri Tôn - An Giang) tổ chức hội thảo “kết nối nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa mùa nổi và khảo sát tiềm năng phát triển du lịch”. Qua đó, các doanh nghiệp thống nhất kế hoạch hợp tác với nông dân tiêu thụ sản phẩm lúa mùa nổi, các sản phẩm rau màu sản xuất trên nền diện tích lúa mùa nổi với giá ổn định; hình thành điểm du lịch lúa mùa nổi gắn với khung cảnh đồng quê xưa. Đồng thời, tiến tới xây dựng nhãn hiệu hàng hóa gạo lúa mùa nổi…