Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vào Vụ Cá Bắc

Vào Vụ Cá Bắc
Publish date: Monday. October 28th, 2013

Vượt qua áp lực về chi phí tăng cao cũng như biến động của thời tiết, những ngày này ngư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đồng loạt bám biển với vụ cá bắc. Ngành chức năng cũng đang triển khai các phương án trợ giúp ngư dân sản xuất an toàn, hiệu quả trong mỗi chuyến biển.

Vào vụ

Vào những ngày này, khi những đợt gió mùa tràn về kéo theo những cơn bão và áp thấp nhiệt đới, các tàu cá hoạt động ở các vùng biển xa không thể ra khơi. Đây cũng là lúc tranh thủ thời tiết ổn định, ngư dân Quảng Nam ra khơi bằng các tàu thuyền công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ.

Tại bến cá Duy Hải (Duy Xuyên) vào những ngày qua, không khí ra biển của ngư dân rất nhộn nhịp. Chiều đến, từng tốp xe bò được ngư dân kéo ra bến mang theo ngư lưới cụ, xăng dầu, lương thực, nước uống... Ngư dân Nguyễn Văn Ba (thôn An Lương, xã Duy Hải, Duy Xuyên, chủ phương tiện QNa-02104 TS có công suất 20CV), cho biết: “Sau bão số 11, mặc dù phí tổn tăng cao nhưng thời tiết dần ổn định, chúng tôi tranh thủ ra khơi.

Không xa lắm, chừng vài mươi hải lý, chủ yếu là quanh biển Cù Lao Chàm, nguồn hải sản phong phú tại đây đã đem lại cho chúng tôi nguồn thu nhập tương đối”. Theo ông Ba, với mỗi chuyến biển từ đêm đến sáng, gia đình đánh bắt được chừng 50kg cá sòng, cá trích, cá ngân, cá má… bán được khoảng 500 – 700 nghìn đồng, trừ chi phí thu nhập khoảng 500 nghìn đồng.

Khoảng 9 giờ sáng, cảng cá Cửa Đại (TP.Hội An) sôi động hẳn lên với các cuộc mặc cả mua bán cá. Chỉ trong chừng 15 – 20 phút, các cuộc “thương lượng” đã ngã ngũ. Đếm đi đếm lại rồi cất 5 triệu đồng vào túi, ông Ngô Qua (thôn Thanh Tam Đông, xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) như vẫn chưa tin vào thành quả chỉ sau một đêm đánh bắt. Cứ vào vụ cá bắc là ông Qua cùng con trai tất bật bám biển gần bờ bằng nghề lưới rê trên phương tiện QNa-0304 TS có công suất chỉ 15CV.

Chuyến biển vừa rồi, gia đình ông khai thác được 5 tạ cá trích, thu được 5 triệu đồng. Mặc dù chi phí bám biển tăng cao hơn mọi năm nhưng chỉ sản xuất vỏn vẹn trong một đêm, chi phí ít nên gia đình có được nguồn thu nhập tương đối. Những ngày qua, tại cảng cá Cửa Đại nhiều phương tiện khai thác được mùa bằng nghề lưới cản.

Ngư dân Nguyễn Văn Thọ (khối Phước Hòa, phường Cửa Đại, TP.Hội An) cho biết: “Những ngày đầu vụ cá bắc, nguồn hải sản nhiều. Mỗi chuyến biển từ đêm tối đến tảng sáng, gia đình chúng tôi thu được trên dưới 4 tạ cá, bán được khoảng 4 triệu đồng. Đây là “món quà” đầu vụ mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho ngư dân chúng tôi”.

Hiệu quả, an toàn

Ông Nguyễn Văn Giỏi - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cho biết, vào vụ cá bắc này, đơn vị đang triển khai các phương án giúp ngư dân sản xuất an toàn, hiệu quả. Theo đó, ngành thủy sản tổ chức, giúp ngư dân tăng cường bám biển bằng các nghề phù hợp, nhất là lưới rê, lưới cản, lưới quét.

“Quá trình khai thác hải sản của ngư dân phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn lợi trên biển. Bởi vậy, để tiếp sức ngư dân, chúng tôi tiếp tục cập nhật các diễn biến của ngư trường, nguồn lợi trên các vùng biển của tỉnh để phổ biến kịp thời, giúp ngư dân sản xuất hiệu quả” - ông Giỏi nói.

Cũng theo ông Giỏi, hiện Trung ương đã phê duyệt đề án Dự báo ngư trường khai thác thủy sản. Theo đó, trong giai đoạn 2013 - 2015 sẽ xây dựng được dự báo ngư trường khai thác hải sản hạn vừa (1 tháng) và hạn dài (6 tháng) cho các nghề khai thác và cho một số loài, nhóm loài hải sản quan trọng.

Từ năm 2016 - 2020 sẽ xây dựng dự báo ngư trường ngắn hạn (1 tuần - 10 ngày), hạn vừa và hạn dài có độ tin cậy cao, phục vụ khai thác hải sản của ngư dân. Các thông tin dự báo này sẽ được ngành chức năng tiếp cận thường xuyên, kịp thời và cung cấp rộng rãi tới ngư dân trên địa bàn tỉnh. Việc hướng dẫn khai thác và đánh giá hiệu quả ngư trường khai thác sẽ tiếp sức ngư dân sản xuất đạt hiệu quả cao, trước mắt là trong vụ cá bắc này.

Theo Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam, cùng với việc tăng cường hoạt động của các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển; rà soát số lượng tàu thuyền của ngư dân tham gia vào từng loại nghề trong vụ cá bắc, đơn vị đang tăng cường công tác kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá.

Cùng với đó là tăng cường trực ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; đảm bảo thông tin kịp thời giữa tàu thuyền đang hoạt động trên biển và đất liền. Một nhiệm vụ quan trọng nữa là kiểm soát các khu neo đậu tàu cá trên địa bàn tỉnh, thực hiện các phương án neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão cho ngư dân phù hợp theo từng địa phương.

Ông Giỏi cho biết thêm, trong vụ cá bắc này đơn vị sẽ tổ chức 5 lớp tập huấn nâng cao nhận thức của ngư dân về chủ quyền biển, đảo; bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản cũng như phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền khi hoạt động trên biển.

Theo kế hoạch, sản lượng khai thác trong vụ cá bắc trên địa bàn tỉnh (từ tháng 10.2013 đến hết tháng 3.2014) đạt 14.000 tấn. Đến thời điểm này, sản lượng khai thác đã đạt được hơn 5.200 tấn. Trong tháng 10, Quảng Nam chịu bão hoành hành mà sản lượng khai thác vẫn đạt mức cao (hơn 1/3 kế hoạch của cả vụ) cho thấy tín hiệu khả quan cho ngư dân trên địa bàn tỉnh trong vụ cá bắc này. Điều này có được, ngoài nỗ lực bám biển của ngư dân, có sự trợ giúp đắc lực của công tác dự báo ngư trường khai thác hải sản.


Related news

Cá Ngựa Tiếp Tục Được Nghiên Cứu Để Cho Ra Dòng Cá F2 Cá Ngựa Tiếp Tục Được Nghiên Cứu Để Cho Ra Dòng Cá F2

Thông tin mới trong quá trình nghiên cứu cá ngựa của nhóm các nhà khoa học phòng Công nghệ nuôi trồng - Viện Hải dương học tại Nha Trang. Cá ngựa đang được tiếp tục nghiên cứu thay đổi màu sắc và lấy thế hệ cá F1 cho ra dòng cá F2. Điều này sẽ hạn chế tối đa việc khai thác cá ngoài tự nhiên.

Monday. June 2nd, 2014
Huyện Cái Nước Có Hơn 850 Ha Tôm Nuôi Bị Thiệt Hại Huyện Cái Nước Có Hơn 850 Ha Tôm Nuôi Bị Thiệt Hại

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Cái Nước có hơn 850 ha tôm nuôi bị thiệt hại; trong đó tôm nuôi quảng canh truyền thống 420 ha, quảng canh cải tiến 335 ha và tôm công nghiệp trên 120 ha.

Tuesday. May 13th, 2014
Đồng Tháp Hội Thảo Mô Hình Nuôi Vịt Thịt An Toàn Sinh Học Đồng Tháp Hội Thảo Mô Hình Nuôi Vịt Thịt An Toàn Sinh Học

Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Đồng Tháp thực hiện mô hình chăn nuôi vịt thịt an toàn sinh học gắn với tiêu thụ. Mô hình nuôi 14.000 con vịt thịt với tổng kinh phí thực hiện trên 385 triệu đồng tại các huyện Cao Lãnh, Tam Nông và Tháp Mười do 19 hộ dân thực hiện.

Monday. June 2nd, 2014
Hiệu Quả Của Mô Hình Nuôi Hà Treo Dây Ở Hoàng Tân Hiệu Quả Của Mô Hình Nuôi Hà Treo Dây Ở Hoàng Tân

Trong thời gian qua, nuôi hà treo dây đã trở thành một trong những thế mạnh đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Hoàng Tân (TX Quảng Yên - Quảng Ninh).

Wednesday. May 14th, 2014
Lai Vung (Đồng Tháp) Được Bao Tiêu Sản Phẩm Nhưng Dưa Lê, Đậu Bắp Nhật Giảm Diện Tích Lai Vung (Đồng Tháp) Được Bao Tiêu Sản Phẩm Nhưng Dưa Lê, Đậu Bắp Nhật Giảm Diện Tích

Dưa lê, đậu bắp Nhật ở xã Tân Hoà, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đang tiếp tục được các công ty bao tiêu sản phẩm, giá cả ổn định. Tuy nhiên, vụ hè thu 2014, diện tích 2 loại hoa màu này đã giảm so trước đây. Cụ thể dưa lê chỉ có 12ha, giảm 20ha so vụ dưa lê Tết 2014; đậu bắp từ đầu năm đến nay xuống giống 22ha, giảm 50% so cùng kỳ năm 2013.

Monday. June 2nd, 2014