Vàng trắng tới hồi lao đao
Giá xuất khẩu giảm gần 28%
Tiếp nối điệp khúc giảm giá trị XK suốt vài năm trở lại đây, 5 tháng đầu năm, giá trị XK cao su giảm gần 3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 475 triệu USD, trong khi đó với 330 nghìn tấn, lượng cao su XK lại tăng tới hơn 30%.
Theo Bộ NN&PTNT, điều đáng đề cập là, “bức tranh” XK cao su ngày một ảm đạm khi tính bình quân 4 tháng đầu năm giá XK chỉ đạt 1.248 USD/tấn, giảm gần 28% so với cùng kỳ năm 2014. Cao su Việt Nam vẫn chủ yếu XK sang Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ.
Trên thực tế, trong vài năm gần đây, giá cao su đã liên tục sụt giảm mạnh, từ mức khoảng 5.000 USD/tấn năm 2011 xuống mức hơn 1.200 USD/tấn như hiện nay. Giá mủ hiện đang ở mức rất thấp khiến người trồng muốn chặt bỏ cây cao su để trồng cây khác có lợi nhuận cao hơn. Tại huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước, mủ cao su dạng nước chất lượng 35 độ/kg hiện được thu mua với giá chỉ 6.400 đ/kg, trong khi cùng thời điểm này năm ngoái giá mủ ở mức khoảng 9.500 đ/kg.
Bà Trần Thị Thúy Hoa, Chánh văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam đánh giá: Nhiều năm trước, giá cao su ở mức ngất ngưởng chỉ là mức giá “bong bóng” do nhu cầu lớn, giá bán được đẩy lên. Tuy nhiên, sau đó nhiều quốc gia đã đẩy mạnh trồng cao su, nguồn cung tăng vọt nên giá sụt giảm nhanh chóng. Theo bà Hoa, DN không nên chỉ nhìn nhận, so sánh với thời điểm mức giá cao dẫn đến quá “hụt hẫng”, chán nản mà phải nhìn vào giá trị thực tế của hàng hóa, duy trì sản xuất, tiêu thụ ở mức giá có lãi, chấp nhận được.
Tuy nhiên, bà Hoa cũng thừa nhận, hiện nay do thị trường thế giới cung vượt cầu quá lớn nên tính ra giá bán đang ngang bằng, thậm chí có thời điểm thấp hơn một chút dưới giá thành sản xuất khiến cả DN và người dân đều chật vật. Dự kiến, hết năm nay và thậm chí cả trong năm 2016, tình hình vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực.
Trong bối cảnh khó khăn chung, Hiệp hội Cao su Việt Nam khuyến cáo DN và người dân cần nỗ lực, cố gắng đưa ra các tính toán hợp lý, “lấy ngắn nuôi dài” nhằm đợi chờ giá cao su ổn định. Đặc biệt, các hộ nông dân không nên vì giá cao su sụt giảm mà nhanh chóng phá cao su chuyển đổi sang các loại cây trồng khác.
Đổi cơ cấu sản phẩm xuất khẩu
Liên quan tới vấn đề làm thế nào gỡ khó cho ngành cao su nói chung, trong văn bản trả lời câu hỏi của các đoàn đại biểu Quốc hội đã được gửi tới từng đoàn trong phiên chất vất trước Quốc hội sáng ngày 11-6, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết: Bộ NN&PTNT cùng các địa phương đã và đang đẩy mạnh kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào, nâng cao chất lượng cao su sơ chế, đáp ứng các thị trường yêu cầu chất lượng cao; đồng thời chuyển đổi cơ cấu sản phẩm XK theo hướng nâng dần tỷ trọng chủng loại SVR 10, SVR 20 (cao su thiên nhiên chất lượng thấp, nhu cầu lớn), bởi hiện nay Việt Nam chủ yếu sản xuất, XK loại cao su SVR 3L chất lượng cao nhưng nhu cầu hạn chế hơn; tăng cường xúc tiến thương mại mở rộng và tìm kiếm các thị trường tiềm năng có nhu cầu lớn, giảm dần sự phụ thuộc vào một thị trường.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PNTT cũng đang thúc đẩy liên kết với các nước sản xuất và XK cao su thiên nhiên lớn để phối hợp hành động nhằm tác động thị trường; có chính sách khuyến khích thu hút đầu tư phát triển ngành chế biến cao su trong nước, tăng tiêu thụ cao su nội địa, giảm NK các sản phẩm chế biến từ cao su.
Giá cả là bài toán “đau đầu” hơn cả với ngành cao su trong thời điểm hiện tại, do đó theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, một trong những giải pháp quan trọng để gỡ khó cho ngành cao su mà Bộ hướng đến còn là tìm mọi cách giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành. Bộ chủ trương, đối với cao su kiến thiết cơ bản, có thể giảm đầu tư phân bón, diện tích nằm ngoài quy hoạch không phù hợp, cây sinh trưởng kém có thể chuyển đổi sang trồng cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đối với những vườn cao su ở thời kỳ đang kinh doanh, bên cạnh giảm đầu tư phân bón là thay đổi chế độ cạo để giảm chi phí nhân công. Riêng với diện tích cao su kinh doanh tuổi lớn, khi giá gỗ phù hợp và giống cao su cho năng suất không cao có thể thanh lý để chuẩn bị cho trồng tái canh. Bộ NN&PTNT cũng khuyến khích các mô hình trồng xen nông lâm kết hợp đối với cây cao su để tăng thu nhập.
“Tăng cường tổ chức tuyên truyền, thông tin tình hình sản xuất, tiêu thụ, giá cả cao su về trung hạn và dài hạn, nâng cao nhận thức cho người trồng cao su nắm vững các giải pháp kỹ thuật, thực hiện tiết giảm chi phí, yên tâm tiếp tục duy trì và chăm sóc vườn cao su, đồng thời tổ chức liên kết người sản xuất (cao su tiểu điền) và các DN chế biến mủ cao su trên địa bàn để hỗ trợ trong sản xuất và thị trường tiêu thụ cũng là giải pháp quan trọng mà Bộ NN&PNTT đã và đang triển khai”, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Với gần 4.000ha rừng phòng hộ nằm trải dài ven bờ biển của tỉnh Bạc Liêu, rất thích hợp cho việc nuôi trồng các loài thủy sản dưới tán rừng. Nhiều hộ dân nhận khoán đất rừng áp dụng mô hình nuôi tôm kết hợp trồng rừng đã có cuộc sống sung túc.
Hiện toàn thành phố có 40 bể nuôi, mỗi bể từ 20 - 40m2, nhiều hộ đã đạt lợi nhuận cao từ mô hình này.
Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung được thành lập năm 2004 từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản. Hơn 10 năm qua, trung tâm đã đẩy mạnh việc nghiên cứu các đề tài khoa học, chuyển giao tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu giống thủy sản cho thị trường…
Nuôi cá vồ đém có đầu ra luôn ổn định, giá cao. Thời gian nuôi dài hơn cá tra nhưng vốn đầu tư thấp.
Các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giải đáp những thắc mắc về kỹ thuật… cho bà con nông dân.