Tác hại nghề Lờ dây đối với nguồn lợi thủy sản ven bờ

Nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác hủy diệt trên, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Sóc Trăng đã đẩy mạnh công tác quản lý và tuyên truyền vận động người dân về tác hại của nghề này.
Nguồn lợi thủy sản góp phần phát triển đời sống ngư dân Sóc Trăng.
Theo Nghị định số 59/2005/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về điều kiện sản xuất kinh doanh một số ngành nghề thủy sản, thì Lờ dây là nghề không thuộc danh mục nghề bị cấm hoạt động, nhưng sự phát triển mạnh về số lượng, kích thước mắt lưới ngư cụ nhỏ, vùng hoạt động gần bờ, trong vùng đầm, vịnh, đối tượng khai thác chủ yếu là các loại cá đáy, cá nhỏ, dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi thủy sản tại các đầm, vịnh và vùng biển ven bờ.
Sản lượng các loài thủy sản có kích thước nhỏ, chưa trưởng thành chiếm khoảng 50% trên tổng sản lượng khai thác của chuyến biển.
Do đó trước mắt để hoạt động của nghề Lờ dây không ảnh hưởng xấu đến nguồn lợi thủy sản và cản trở giao thông, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đề nghị các Chi cục không cấp phép và không cho phát triển thêm số lượng tàu cá làm nghề này, vùng cho phép hoạt động là từ 15m nước trở lên, kích thước mắt lưới từ 20mm trở lên.
Hiện tại Sóc Trăng số lượng tàu cá có đăng ký ngư cụ là Lờ dây rất hạn chế, còn số lượng đánh bắt thực tế thì rất khó kiểm soát.
Vì việc hạn chế nghề Lờ dây còn liên quan trực tiếp đến thu nhập và cuộc sống của ngư dân, nên trước mắt Chi cục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đến các hộ dân nhận thấy được những tác hại của nghề này và khuyến khích bà con chuyển đổi nghề, nếu sử dụng Lờ dây đánh bắt cá thì cần tuân thủ theo đúng quy định của ngành chức năng.
Ông Trần Hoàng Dũng – Phó Chi cục Trưởng – Chi cục Khai thác và bảo vệ NLTS tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Đối với khai thác nguồn lợi thủy sản bằng Lờ dây, thời gian qua chi cục đã không xét cấp phép cho tàu khai thác nguồn lợi thủy sản theo cách này và đã tăng cường quản lý chặt chẽ, xử phạt nghiêm các tàu sử dụng Lờ dây trái phép.
Song song đó, chúng tôi cũng tăng cường tuyên truyền để ngư dân hiểu không sử dụng các phương tiện khai thác đã bị nghiêm cấm”.
Qua các đợt kiểm tra tuyên truyền, đa số bà con đều ý thức được việc đánh bắt thủy hải sản tràn lan sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn tôm cá tự nhiên, cũng tức là ảnh hưởng đến nghề khai thác thủy hải sản của chính người dân về lâu dài.
Theo ông Đặng Văn Mỳ ở ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề,ông đánh bắt cá ven bờ đã hơn 10 năm nay, nhưng hiện lượng thủy sản bắt được ngày càng ít đi, mùa khai thác cũng thu hẹp lại, trong khi lượng tàu và ngư cụ đánh bắt ngày càng nhiều.
Trong năm mùa khai thác cao điểm từ tháng 2 đến tháng 6, mỗi chuyến đi biển từ 3 – 5 ngày, với hơn 300 chiếc Lờ dây, tàu của ông Mỳ chỉ bắt được nhiều nhất khoảng 300kg, có khi chưa tới 100kg.
Doanh thu mỗi chuyến biển từ 2 – 4 triệu đồng, chưa tính các khoản chi phí.
Trong khi đó, tàu đánh bắt cá của các tỉnh Bến Tre, Kiên Giang, Trà Vinh… cũng thường xuyên có mặt tại ngư trường Sóc Trăng, đánh bắt liên tục với số lượng Lờ dây lên đến hàng ngàn chiếc, gây cạnh tranh không nhỏ đến các tàu cá trong tỉnh.
Việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lợi thủy sản của tỉnh, nếu các tàu này không tuân thủ quy định về việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản tự nhiên.
Ông Đặng Văn Khởi – Trưởng Ban Nhân dân ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, cho biết: “Vùng biển Mỏ Ó có trên 170 phương tiện đánh bắt thủy hải sản gần bờ, các phương tiện đánh bắt bằng Lờ dây cũng dần được ngư dân thay bằng các phương tiện đánh bắt khác.
Tuy nhiên hiện nay, ngư trường đánh bắt gần bờ của ngư dân vùng Mỏ Ó đang bị phương tiện từ các địa phương khác tới cạnh tranh nên cũng gây nhiều khó khăn cho bà con trong vùng.
Theo tôi, vấn đề này các ngành chức năng cũng nên vào cuộc để bảo vệ quyền lợi cho ngư dân địa phương”.
Ngành chức năng kiểm tra phương tiện và ngư lưới cụ của các tàu đánh bắt hải sản
Thời gian qua, để ngăn chặn các tàu cá sử dụng Lờ dây có mắc lưới nhỏ hơn quy định và ngăn chặn các tàu không có đăng ký mà sử dụng Lờ dây, ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng đã tăng cường tuần tra kiểm soát trên biển, vận động ngư dân không khai thác bằng nghề Lờ dây và các nghề khác mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản.
Đối với tàu các tỉnh khác thì tiến hành kiểm tra thủ tục giấy tờ, ngư lưới cụ khi các tàu này đánh bắt trong khu vực của tỉnh.
Ông Trần Hoàng Dũng – Phó Chi cục Trưởng – Chi cục Khai thác và bảo vệ NLTS tỉnh Sóc Trăng, cho biết thêm: “Đối với các phương tiện khai thác bằng Lờ dây ở khu vực dưới 15m nước, nếu ngư dân vi phạm chúng tôi sẽ tiến hành xử lý theo Nghị định 103 Chính phủ.
Còn với các tàu của tỉnh bạn thì Chi cục đã kết hợp với Sở NN & PTNT tiến hành tuần tra, kiểm tra giấy đăng kiểm, nếu phát hiện có vi phạm sẽ xử lý theo Nghị định 103 của Chính phủ”.
Để hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản phát triển bền vững, các ngành chức năng đã có những định hướng và giải pháp cụ thể, gắn với quản lý hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản, nhằm phát triển ngành khai thác thủy sản bền vững, đồng thời giữ gìn tính đa dạng sinh học của tài nguyên sinh vật biển.
Bên cạnh sự nỗ lực của ngành chức năng, rất cần sự hợp tác của ngư dân.
Khai thác hợp lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cũng chính là bảo vệ nguồn sống của ngư dân một cách lâu dài.
Có thể bạn quan tâm

Cao su liên tục rớt giá mạnh khiến từ nông dân cho tới doanh nghiệp điêu đứng, thậm chí phải chặt bỏ hoặc rao bán.

Dù chỉ chăn nuôi heo ở quy mô nhỏ lẻ, nhưng nhiều hộ nông dân tại xã Quảng Trị (huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) đã biết liên kết với nhau để cùng mua cám với số lượng lớn. Sự liên kết này đã giúp họ mua được cám với giá rẻ của đại lý, nên chi phí chăn nuôi giảm và lợi nhuận tăng đáng kể.

Mùa khô hạn, chuồng trại nuôi dê phải khô ráo, sạch sẽ, thông thoáng, tránh được nóng và ẩm ướt. Sàn chuồng phải cách mặt đất từ 50 – 80cm. Chuồng nuôi cần đảm bảo diện tích: Dê đực giống: 1,5 - 2m2, dê thịt 0,6m2. Cần tăng cường vệ sinh chuồng trại, vệ sinh sạch sẽ máng ăn, máng uống hàng ngày, định kỳ phun thuốc sát trùng 2 tuần/lần.

Vịt trời vốn bị coi là loài không có tác dụng. Nhưng vài năm trở lại đây, một số hộ nông dân miền xuôi đã thuần chủng, nuôi loài vật này, thu nhập cao. Cách làm này đã được ông Cầm Văn Luân, bản Chiến, xã Chiềng San (Mường La, Sơn La) học tập, áp dụng xây dựng mô hình nuôi vịt trời hiệu quả.

Năm 2012, Công ty TNHH Trung Đồng (TP.Biên Hòa) nhập lô bò Úc nguyên con đầu tiên về Việt Nam. Tiếp theo đó, không thiếu các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) trong ngành thực phẩm và không trong ngành thực phẩm tham gia nhập và phân phối bò Úc, như: Vissan, Hoàng Anh Gia Lai... “Cơn sốt” nhập bò Úc hiện vẫn lan nhanh.