Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lúa ma huyền thoại - Vì sao gọi lúa ma

Lúa ma huyền thoại - Vì sao gọi lúa ma
Ngày đăng: 27/11/2015

GS.TS Nguyễn Thị Lang (Viện Lúa ĐBSCL) nói phát hiện của cácnhà khoa học Nhật Bản là vĩ đại, có thể tạo ra một sự đột phá trong lĩnh vực di truyền và chọn giống lúa.

Những thông tin độc đáo này đã thuyết phục chúng tôi vác balô lên đường tìm hiểu kỹ hơn về loài lúa mahuyền thoại.

Vợ chồng GS.TS Bùi Chí Bửu (viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam) và GS.TS Nguyễn Thị Lang (bộ môn di truyền và chọn giống Viện Lúa ĐBSCL) là chuyên gia đầu ngành về lúa ma tại Việt Nam và thế giới hiện nay.

Nghe chúng tôi ngỏ ý muốn “thọ giáo” để tìm hiểu về lúa ma, GS.TS Nguyễn Thị Lang gật đầu liền.

Lúa vàng rụng trước bình minh

Theo ông Trần Văn Lương (Sáu Lương, ở Đồng Tháp, một người từng phải ăn lúa ma suốt 10 năm), sở dĩ dân gian gọi lúa hoang là lúa ma vì hạt lúa có đuôi rất dài, chim, chuột rất sợ ăn phải những hạt này vì nếu lỡ ăn thì chắc chắn sẽ chết vì không thể nuốt được.

Ngoài ra, hạt lúa vừa chín sẽ tự rụng khi có ánh nắng mặt trời. Ngày xưa nông dân phải thức khuya chống xuồng ba lá vào ruộng thu hoạch lúa ma và trở về nhà trước khi mặt trời mọc.

Hạt lúa ma sống rất lâu trong đất, đến mùa hạt sẽ nảy mầm rồi vươn cao. Nước lũ dâng cao tới đâu thì cây lúa cũng ngoi theo tới đó.

“Nói chung loại lúa này có nhiều điểm kỳ lạ, bất thường như là ma vậy” - ông Sáu Lương cười nói.

Do lúa ma thường mọc hoang dại ven sông, rạch, ao nhỏ trong vườn cây ăn trái nên người không có chuyên môn không thể phân biệt được lúa ma với lúa cỏ và cỏ vì hạt lúa nhỏ như bông cỏ.

Hễ thấy cây này mọc thì người ta sẽ đốt, nhổ hoặc tìm cách làm cho nó chết đi.

Trong khi đó các nhà khoa học Nhật Bản hằng năm phải bỏ ra rất nhiều tiền để bay sang Việt Nam, ít nhất hai lần/năm, tìm từng bụi lúa ma và lấy mẫu ADN mang về nước phân tích.

Và cũng nhờ vất vả đi “săn” mà họ đã tìm thấy được một loài có gen độc nhất vô nhị trong bụi lúa ma mọc ven sông Bảo Định, gần chợ Mỹ Tho (Tiền Giang) và cây lúa trong vườn dâu Phong Điền, TP Cần Thơ.

Vì là gen quý hiếm nên họ vẫn tiếp tục kiểm chứng một cách thận trọng thêm trước khi công bố.

Tổ tiên của lúa trồng

GS.TS Nguyễn Thị Lang cho biết lúa ma có tên khoa học là Oryza, là tổ tiên của giống lúa trồng hiện nay. Hiện nay trên thế giới có 26 loài lúa ma hoang dại.

Riêng ở Việt Nam có bốn quần thể gồm: Oryza officinalis, Oryza rufipogon, Oryza nivara và Oryza granulata.

Tuy nhiên loài lúa ma Oryza granulata, vốn chỉ có ở Mường Tè (Lai Châu), thì hiện không còn tìm thấy trong tự nhiên nữa. Nhưng gen của loài này vẫn đang được bảo quản tại Viện Lúa ĐBSCL.

Thời điểm đầu tháng 11-2015 lúa ma bắt đầu chín - chỉ một lần duy nhất trong năm.

Nơi có thể tìm thấy nhiều lúa ma nhất là Vườn quốc gia Tràm Chim ở Đồng Tháp.

Theo bà Lang, lúa ma ở đây có tên khoa học là Oryza rufipogon.

Loài này có nhiều ở các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam bộ. Kết quả nghiên cứu chuyên sâu loài Oryza rufipogon cho biết đây là giống lúa có nguồn gen kháng rầy nâu và rầy lưng trắng khá tốt.

Tuy nhiên lúa ma ở đây ngày càng ít đi mà không rõ tại sao.

TS Dương Văn Ni (chuyên gia về đa dạng sinh học Trường ĐH Cần Thơ) là một người lăn lộn ở cánh đồng lúa ma được bảo tồn đặc biệt ở Tràm Chim nhiều năm qua.

Năm nào ông cũng đến đây để thăm những đứa con tinh thần của mình.

Ông kể khi các cơn mưa đầu mùa đến, nước mưa hòa tan phèn nên lớp nước mặt rất chua (pH < 3).

Trong điều kiện chua này, hạt của các loài thực vật khác không thể nảy mầm, nhưng hạt lúa ma vẫn nảy mầm và rễ phát triển sâu vào trong đất.

Rễ lúa ma có khả năng khử các chất gây chua và hút lấy dinh dưỡng và nước trong đất để tăng trưởng. Vì vậy khi nước lũ tràn về, nhờ rễ đã bám chặt trong đất nên cây lúa không bị nổi và có thể vượt rất nhanh theo nước, thân cây lúa tăng trưởng hơn 10 cm/ngày.

Nước lên cao đến đâu thì cây lúa ma vươn theo đến đó.

Đến tháng 10 thì lúa ma trổ và hạt lúa lần lượt chín sau đó khoảng 10 ngày, sau đó tự động rụng vào đất và chờ đến mùa mưa năm sau lại nảy mầm và tiếp tục một vòng đời mới.

Có thể thấy là các đặc tính như chịu phèn, chịu hạn, vượt nước, chín nhanh và hạt giữ được sức nảy mầm lâu đều không có ở các giống lúa cao sản đang canh tác hiện nay.

Một số giống lúa cao sản gọi là “chịu phèn” hiện nay là do chúng đã được thừa hưởng gen chịu phèn của lúa ma, thông qua kỹ thuật cấy - ghép gen từ công nghệ sinh học.

Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, lúa ma Oryza officinalis phân bố rộng từ bờ biển phía Tây Ấn Độ kéo dài đến Philippines và Borneo. Nhóm này được tìm thấy ở miền Đông Nam bộ Việt Nam, trong bóng mát của rừng cao su, rừng tự nhiên.

Còn tại ĐBSCL thì tìm thấy trong các vườn cây ăn quả Tiền Giang, Cần Thơ, trong bóng mát của rừng ngập mặn Đầm Dơi (Cà Mau)...

Cây lúa ma này cao khoảng 2m, bông lúa dài khoảng 30cm, xòe. Hạt lúa rất nhỏ (4 - 5mm), râu hạt ngắn, mềm.

Thời gian trổ bông quanh năm, nhưng chủ yếu từ tháng 8 - 9. Do loài này có gen kháng rầy nâu tốt nên rất có triển vọng lai tạo ra lúa kháng rầy nâu, rầy lưng trắng năng suất, chất lượng cao.

Còn lúa ma Oryza rufipogon được tìm thấy từ miền Bắc đến miền Nam Việt Nam, kể cả vùng duyên hải Trung bộ với nhiều quần thể đa dạng về di truyền.

Ở ĐBSCL thì Vườn quốc gia Tràm Chim là vùng bảo tồn in-situ các loài động thực vật quý hiếm, trong đó có lúa ma Oryza rufipogon.

Ngoài ra còn tìm thấy ở ven sông, kênh, rạch sông Cửu Long, Vàm Cỏ và các vùng nước lợ tại Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang.

Đây là loài có liên hệ rất gần với các giống lúa nổi ở Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên như tàu binh, nàng tri, nàng tây đùm, nàng lên...

“Lúa ma” (giới khoa học gọi là lúa hoang, nông dân Việt Nam gọi là lúa trời) là một từ nghe quen quen mà cũng... lạ hoắc. Quen ở chỗ thi thoảng người ta có nghe nhắc đến hay vô tình đọc được trên mạng Internet.

Còn lạ là vì ít có ai nhìn thấy lúa ma trong thực tế. Các nhà khoa học hàng đầu về lúa ma trên thế giới vẫn đang miệt mài giải mã bí ẩn của 26 loài lúa ma bởi nó liên quan đến sự sống của hàng tỉ người trong tương lai.

Đặc điểm quan trọng nhất, quý nhất và cũng là bí ẩn nhất của lúa ma chính là ở chỗ nó có sức sống kỳ diệu, đã tồn tại hàng triệu năm qua và sẽ không bao giờ chết, bất kể ở trong môi trường khô hạn, ngập lụt, phèn mặn và sâu bệnh.


Có thể bạn quan tâm

ASC đã có tiêu chuẩn cho Tôm! ASC đã có tiêu chuẩn cho Tôm!

Tiêu chuẩn ASC Tôm được chuyển giao tới Hội đồng quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC)

10/07/2015
Thúc đẩy nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm Thúc đẩy nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm

Chiều qua (22/6), Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) và Hội đồng Nuôi trồng thủy sản Stewardship (ASC) đã ký Biên bản ghi nhớ cam kết sẽ phối hợp để thúc đẩy nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm ở Việt Nam thông qua một phương pháp tiếp cận từng bước từ VietGAP sang chứng nhận ASC.

10/07/2015
Việt Nam thúc đẩy nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm Việt Nam thúc đẩy nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm

Chiều ngày 22/6, Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Hội đồng Nuôi trồng thủy sản Stewardship (ASC) đã ký Biên bản ghi nhớ cam kết sẽ phối hợp để thúc đẩy nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm ở Việt Nam thông qua một phương pháp tiếp cận từng bước từ VietGAP sang chứng nhận ASC.

10/07/2015
Tiêu chuẩn ASC đối với ngành cá tra Việt Nam Tiêu chuẩn ASC đối với ngành cá tra Việt Nam

Qua hai thập niên, ngành cá tra Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này đã đặt ra nhiều thách thức. Để giải quyết điều này cần phải có những tiêu chuẩn thiết thực và đáng tin cậy.

10/07/2015
Lợi ích khi áp dụng tiêu chuẩn ASC Lợi ích khi áp dụng tiêu chuẩn ASC

Tiêu chuẩn ASC là tiêu chuẩn tự nguyện được ban hành bởi Hội đồng Quản lý Nuôi trồng Thủy sản ASC. Việc chứng nhận theo tiêu chuẩn ASC là sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản nuôi có trách nhiệm. Hiện nay ASC đã xây dựng tiêu chuẩn áp dụng đối với cá tra/basa, cá rô phi.

10/07/2015