Vàng Nổi Vải Thiều Muộn Tân Sơn (Bắc Giang)
Khi hầu hết các vườn vải thiều ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã thu hoạch xong, thì những vườn vải thiều ở hai thôn Hóa và Hả, xã vùng cao Tân Sơn của huyện lại bắt đầu chín đỏ. Nhờ thế mà giá bán cũng cao gấp hai, gấp ba lần so với vải thiều chính vụ, giúp bà con kiếm được bội tiền từ quả vải thiều…
Những ngày đầu tháng 7, khi vụ thu hoạch vải thiều ở khu vực các xã vùng thấp của huyện Lục Ngạn cơ bản đã kết thúc thì tại xã vùng cao Tân Sơn, hoạt động thu hoạch và tiêu thụ vải thiều của nhân dân mới bắt đầu trở nên nhộn nhịp. Người dân kìn kìn chở vải thiều ra khu vực phố chợ - trung tâm xã tiêu thụ làm cho không khí thu mua vải thiều diễn ra sôi động.
Hàng chục “đại lý” thu mua vải thiều chủ yếu của thương nhân Trung Quốc mới rời vùng thấp lên đây để “ăn hàng” vải thiều đẹp Tân Sơn với giá cao từ 25 - 30 nghìn đồng/kg, cảnh mua bán vải thiều tấp nập nhiều khi tắc cả Quốc lộ 279 đoạn qua khu vực này.
Trong ba năm gần đây, nhờ người dân xã vùng cao Tân Sơn chịu khó học hỏi kinh nghiệm và kiến thức khoa học kỹ thuật nhằm áp dụng vào chăm sóc cây vải thiều, nhất là những kiến thức trong sản xuất vải thiều chín muộn hiệu quả nên giá trị thu về từ quả vải thiều nơi đây đã tăng cao gấp nhiều lần so với trước.
Gia đình ông Nguyễn Văn Đạo, ở thôn Hả có vườn vải thiều rộng 2 ha với 500 cây cho thu hoạch. Cách đây 4 năm, do chưa biết cách chăm sóc cây vải thiều hiệu quả nên năng suất, chất lượng quả vải thiều nhà ông đạt thấp, theo đó số tiền thu về từ bán vải thiều cũng chẳng được là bao.
Có khi ông Đạo chở 1 tạ vải thiều từ nhà xuống tận trung tâm xã Biên Sơn (cách xa khoảng 30 km) tiêu thụ nhưng tiền bán vải thiều xong chỉ đủ đổ xăng xe và mua được 2 cân thịt lợn(!) Nhưng vụ vải thiều 2013 thì mọi chuyện đã khác. Vườn vải thiều nhà ông Đạo ước cho sản lượng khoảng 15 tấn quả, đến nay gia đình ông mới thu hoạch được hơn 10 tấn. Với giá bán bình quân 25 nghìn đồng/kg, đã thu về cho gia đình ông được trên 250 triệu đồng.
Gần đó, gia đình anh Nguyễn Văn Dưỡng vụ này cũng dự kiến thu hoạch trên 10 tấn vải thiều tươi. Thời điểm này, trung bình mỗi ngày nhà anh Dưỡng thu hái được khoảng 5 tạ quả và bán được giá từ 28 - 30 nghìn đồng/kg. Anh Dưỡng phấn khởi cho biết, có chuyến vải thồ nặng 1,7 tạ, anh bán được giá cao và thu về gần 5 triệu đồng.
Ông Nông Minh Đúng, Trưởng thôn Hả, xã Tân Sơn cho biết, thôn Hả rộng vào bậc nhất của xã, với 202 hộ dân sinh sống. Vụ vải thiều năm nay, thôn có gần 70 ha vải thiều cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 350 tấn, giảm 50 tấn so với vụ trước. Kéo lại, vải thiều năm nay tiêu thụ thuận lợi và được giá cao.
Nếu tính với giá bình quân 25 nghìn đồng/kg, thì người dân trong thôn sẽ thu về hơn 8,7 tỉ đồng từ cây vải thiều. Trong đó, tiêu biểu những hộ có thu nhập cao từ 200 triệu đồng trở lên như gia đình các ông: Nguyễn Xuân Vạt, Đoàn Văn Sắc, Nông Văn Mau, Nông Văn Mùa, Nguyễn Văn Hiến …
Không chỉ có làng Hả sản xuất vải thiều chín muộn hiệu quả, mà hiện nay bà con ở thôn Hoá, xã Tân Sơn cũng vậy. Đơn cử như gia đình ông Lường Văn May, có vườn vải thiều rộng gần 2 mẫu với 200 cây vải thiều cho thu hoạch. Trong ba năm gân đây, chưa khi nào vườn vải nhà ông May bị mất mùa, sản lượng luôn đạt từ 8 - 12 tấn quả/năm.
Không những vậy, do ông May đã biết cách chăm sóc quả vải thiều chín muộn cho mẫu mã đẹp, chất lượng quả cao nên gia đình ông luôn bán được giá cao. Điển hình vụ vải năm 2012, gia đình ông thu hoạch được 12 tấn quả, bán được giá bình quân 26 nghìn đồng/kg, thu về trên 300 triệu đồng.
Còn vụ vải năm nay, vườn nhà ông May cũng cho thu hơn 10 tấn quả và đang bán được giá cao từ 28- 30 nghìn đồng/kg. Ông May phấn khởi cho biết, trung bình mỗi cây vải cho thu hoạch được từ 1,2- 1,5 tạ quả, trị giá gần 4 triệu đồng/cây. "Đúng là “vàng nổi” rồi chứ làm gì có cây nào trồng trên đất này cho giá trị cao hơn được nữa", ông May tâm đắc nói.
Ông Chu Văn Then, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn cho biết, tổng diện tích vải thiều của xã hiện có hơn 660 ha. Năm nay, do vải bị mất mùa nên sản lượng ước chỉ đạt 1.500 tấn quả tươi (giảm 500 tấn so với vụ trước), trong đó sản lượng vải tâp trung chủ yếu ở hai thôn Hoá và Hả. Tuy bị mất mùa nhưng bù lại việc tiêu thụ vải thiều rất thuận lợi. Người dân chỉ việc chở vải thiều ra ngay trung tâm xã bán cho thương nhân Trung Quốc mà vẫn được giá cao, không phải vận chuyển đi xa hơn 30 km mới tiêu thụ được như những năm trước.
Thời gian tới, Đảng uỷ, UBND xã Tân Sơn sẽ thành lập Hội làm vườn trong xã, đồng thời tổ chức hội nghị mời những hộ có kinh nghiệm sản xuất vải thiều muộn hiệu quả lên truyền đạt kỹ thuật cho những hộ chưa biết làm. Từ đó nhân rộng mô hình sản xuất vải thiều chất lượng cao ra toàn xã.
Có thể bạn quan tâm
Do lo sợ dịch cúm gia cầm A/H5N1, người tiêu dùng ngại mua gà, vịt, trứng… khiến sức mua và giá của các sản phẩm này giảm mạnh. Theo Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), tình hình này nếu không được giải quyết sớm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới cân đối cung cầu và khiến ngành này điêu đứng.
Nhiều nông dân “tố” Công ty cổ phần mía đường La Ngà và Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An (Đồng Nai) không thu hoạch kịp thời nên hàng ngàn hécta mía bị chết khô. Điều này dẫn đến năng suất, chữ đường của mía giảm, gây thiệt hại kép cho nông dân.
Cùng với việc chủ động khắc phục hậu quả sau đợt rét đậm, rét hại, với khí thế khẩn trương, nhiều địa phương trên địa bàn TP Hà Nội đã hoàn thành gieo cấy vụ xuân…
Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã có chủ trương chuyển đổi 1 ngàn hecta đất trồng mía kém hiệu quả sang các loại cây ăn quả và rau màu khác nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, hiện nay có khá nhiều nông dân đang đứng trước nguy cơ thua lỗ khi chuyển từ cây mía sang trồng sương sáo (còn gọi là thạch đen hoặc thủy cẩm Trung Quốc).
Cây sắn dây là loại cây quen thuộc lâu đời và là vị thuốc quý. Trong phong trào cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả, người dân các vùng quê nông thôn Gia Bình (Bắc Ninh) quan tâm mở rộng diện tích trồng cây sắn dây theo kỹ thuật mới đem lại hiệu quả cao.