Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mô Hình Cánh Đồng Năng Suất Chất Lượng Cao: Hiệu Quả, Nhưng Vẫn Băn Khoăn

Mô Hình Cánh Đồng Năng Suất Chất Lượng Cao: Hiệu Quả, Nhưng Vẫn Băn Khoăn
Ngày đăng: 24/07/2014

Mô hình cánh đồng năng suất - chất lượng cao đã được nhiều nơi tại Đồng Nai nhân rộng nhờ những lợi thế, như: tiết kiệm chi phí sản xuất; kiểm soát, quản lý tốt dịch bệnh; tăng năng suất, chất lượng…

Tuy nhiên, mô hình này vẫn thiếu tính bền vững do chưa tính được bài toán đầu ra cho sản phẩm.

* Tăng hiệu quả sản xuất

Vụ đông - xuân 2011- 2012, xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) là địa phương đầu tiên của Đồng Nai được chọn thử nghiệm mô hình cánh đồng lúa chất lượng cao với diện tích 10 hécta và nhanh chóng được nhân rộng ra gần 57 hécta với 30 hộ tham gia sau 1 năm thí điểm.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện, đến nay toàn huyện có trên 600 hécta thực hiện mô hình cánh đồng năng suất - chất lượng cao.

Các cánh đồng này đạt năng suất bình quân từ 7-7,5 tấn/hécta, tăng thêm gần 2 tấn/hécta và giảm chi phí sản xuất gần 1 triệu đồng/hécta. Mô hình này đã được triển khai ra các huyện: Tân Phú, Long Thành, Xuân Lộc, Định Quán.

Ông Nguyễn Minh Châu, nông dân xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu), vui vẻ cho biết: “Chưa năm nào tôi đạt năng suất cao như vụ đông - xuân 2013-2014 nhờ thực hiện theo mô hình cánh đồng năng suất cao.

Không ít nông dân ở cánh đồng này cũng đạt trên 8 tấn/hécta nhờ có kỹ sư, cán bộ nông nghiệp xuống tận ruộng, theo sát hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân suốt vụ lúa. Năng suất tăng nên vụ rồi giá lúa giảm, nông dân vẫn có lời”.

Th.S Trần Thị Phương Chi, cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, phụ trách chương trình sản xuất gạo sạch tại xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu), nhận xét: ”Xây dựng cánh đồng với diện tích lớn có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng máy móc, kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng.

Tuy nhiên, khi triển khai cần phải sát với thực tế từng địa phương. Ở đây rất cần sự linh hoạt ở khâu đầu vào, như: đa dạng giống căn cứ trên nhu cầu thị trường; điều chỉnh thời điểm thu hoạch có độ “chênh” nhất định so với các địa phương khác để giảm rủi ro vì rộ mùa rớt giá. Nhưng quan trọng nhất vẫn là giải được bài toán đầu ra cho sản phẩm”.

* Yếu đầu ra

Ông Lê Văn Hởi, Phó trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Vĩnh Cửu, nhận xét: “Xây dựng cánh đồng năng suất - chất lượng cao là mô hình hay, góp phần tăng hiệu quả sản xuất.

Khó khăn hiện nay là vẫn chưa tính được đầu ra cho sản phẩm khiến những lợi thế về sản xuất, thu hoạch tập trung với sản lượng lớn lại thành nguyên nhân khiến nông dân lao đao vì lý do muôn thuở “được mùa rớt giá”. Một nghịch lý đáng buồn là sản xuất lúa của Đồng Nai chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, nhưng do thiếu liên kết nên đầu ra vẫn bấp bênh”.

Ông Lý Phát Sinh, Chủ nhiệm Liên hiệp Câu lạc bộ năng suất cao Lang Minh (huyện Xuân Lộc), chia sẻ với diện tích cánh đồng rộng khoảng 350 hécta, câu lạc bộ đang hướng đến sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, nông dân liên kết với nhau để giảm chi phí sản xuất. Nhưng khi thu hoạch đồng loạt với sản lượng lớn mà chưa tính được đầu ra sẽ mang lại nhiều rủi ro cho nông dân.

Ông Sinh phân tích: “Khi trúng mùa, giá lúa thường giảm sâu và khó bán. Đa số nông dân vẫn quen bán lúa tươi cho thương lái chở về miền Tây để sấy khô, vì tại địa phương chỉ mới có một số lò sấy lúa với quy mô nhỏ lẻ. Vì thế, nông dân càng rơi vào thế bị động nếu sản xuất và thu hoạch theo hướng tập trung khi chưa tính được đầu ra”.

Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, mô hình cánh đồng năng suất - chất lượng cao sẽ được mở rộng ra nhiều loại cây trồng khác, như: bắp, mía, cây ăn trái... nhằm chuyển giao cho nông dân các quy trình kỹ thuật sản xuất mới để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Đây là tiền đề cho việc xây dựng liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ. Vừa qua, Công ty cổ phần khai thác khoáng sản và xây dựng miền Nam, chi nhánh Kiên Giang đã ký kết bao tiêu sản phẩm với một số hộ nông dân trồng lúa tại xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu), thí điểm ban đầu trên diện tích gần 5 hécta.

Trong chuỗi liên kết này, nông dân được doanh nghiệp đầu tư không tính lãi toàn bộ giống, vật tư, phân bón, tư vấn kỹ thuật và bao tiêu với giá cao hơn 15% so với thị trường.


Có thể bạn quan tâm

Giá Thực Phẩm Thế Giới Giảm Tháng Thứ 6 Liên Tiếp, Xuống Thấp Nhất 4 Năm Giá Thực Phẩm Thế Giới Giảm Tháng Thứ 6 Liên Tiếp, Xuống Thấp Nhất 4 Năm

Trên sàn giao dịch CBOT ở Chicago, đậu tương và ngô giao dịch ở mức thấp nhất trong 4 năm qua do triển vọng vụ mùa ở Mỹ bội thu. Trong 2 năm trở lại đây, tất cả các nông sản được theo dõi trong chỉ số hàng hóa của Bloomberg, ngoại trừ gia súc, thịt và cà phê, đều giảm giá, trong đó dẫn đầu là đà lao dốc của ngô, lúa mì và đậu tương.

10/10/2014
Kết Nối Nhà Cung Cấp Và Phân Phối Nông Sản, Thực Phẩm Kết Nối Nhà Cung Cấp Và Phân Phối Nông Sản, Thực Phẩm

Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.Hồ Chí Minh (ITPC) đang giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ nông dân của nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có TP.Hồ Chí Minh kết nối với các nhà mua hàng, nhà phân phối lớn như Aeon, Metro, Big C, CoopMart, chuỗi các cửa hàng tiện lợi và 3 chợ đầu mối nông sản, thực phẩm trên địa bàn.

10/10/2014
Việt Nam Dẫn Đầu Về Xuất Khẩu Cá Philê Đông Lạnh Sang Braxin Việt Nam Dẫn Đầu Về Xuất Khẩu Cá Philê Đông Lạnh Sang Braxin

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 8 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc, đứng đầu về xuất khẩu (XK) sản phẩm cá phile đông lạnh cho thị trường Brazil với khoảng 44.000 tấn cá tra, trong khi Trung Quốc xuất sang 33.000 tấn, chủ yếu là cá biển như cá minh thái, cá hồi, cá tuyết…

10/10/2014
Hướng Dẫn Hộ Nuôi Tôm Càng Xanh Ghi Chép Sổ Tay Theo Hướng VietGAP Hướng Dẫn Hộ Nuôi Tôm Càng Xanh Ghi Chép Sổ Tay Theo Hướng VietGAP

Sau 10 năm phát triển dự án nuôi tôm càng xanh mùa lũ, mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng tôm càng xanh đã và đang là đối tượng nuôi có giá trị quan trọng bậc nhất trong ngành thủy sản của huyện Tam Nông. Tuy là một đối tượng nuôi khó, nhưng nghề nuôi tôm trong thời gian qua đã góp phần đáng kể cho tăng trưởng kinh tế của huyện và khai thác tối đa tiềm năng lợi thế vùng lũ.

10/10/2014
Hỗ Trợ Để Nông Sản Vào Siêu Thị Hỗ Trợ Để Nông Sản Vào Siêu Thị

Theo Sở Công Thương, thời gian qua, việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ đã đạt được những kết quả tích cực, nhất là đưa hàng nông sản, thực phẩm chế biến vào siêu thị. Riêng mặt hàng rau củ chưa qua chế biến có mặt tại siêu thị còn hạn chế.

10/10/2014