Giao Rừng Trồng Thảo Quả Bài Học Ở Xã Nấm Dẩn
Dừng chân bất kỳ chỗ nào trên Tỉnh lộ 178 chạy qua lưng Đèo Gió, ai cũng có chung cảm nhận: Mát mẻ, thiên nhiên hùng vĩ. Chỉ cần bước chân vào rừng vài trăm mét sẽ thấy bạt ngàn rừng, bạt ngàn thảo quả xanh tốt, quả non đắp đầy gốc cây trải rộng trong đại ngàn rừng xanh.
Chương trình phát triển cây thảo quả từ năm 2002 do xã Nấm Dẩn (Xín Mần) đề xuất. Huyện Xín Mần đã dựa vào nguồn vốn tài trợ của Dự án DPPR, giai đoạn I đưa vào hỗ trợ đồng bào cây giống. Giải pháp được đưa ra: Phải giữ cho được diện tích rừng Đèo Gió với 1.750 ha thuộc vùng lõi rừng đầu nguồn. Biện pháp giao đất, giao rừng được áp dụng cấp thôn.
Có nghĩa, cả thôn có bao nhiêu hộ, thì cùng nhau tham gia nhận rừng, nhận đất để bảo vệ và cùng trồng cây thảo quả ngay dưới tán rừng. Biện pháp này đưa ra đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều cho rằng: Giao đất, giao rừng cho cả làng liệu có rơi vào tình trạng... “cha chung...”? Điều suy nghĩ “ trái chiều” ấy rồi cũng được giải tỏa bằng ý thức cộng đồng đã in sâu thành nét văn hóa trong đời sống làng bản khi nó được khơi dậy tình đoàn kết.
Anh Ly Chỉn Dùng, Phó Chủ tịch UBND xã Nấm Dẩn cho biết: Ngày xưa, khi săn bắt được con thú rừng dù to, dù nhỏ đều mổ chia cả bản cùng ăn. Việc làm nhà ai đó, cả bản xúm lại... đó là tính cộng đồng. Khi trồng cây thảo quả, giao đất, giao rừng cho cấp thôn, tổ, nhóm hộ gia đình, Đảng ủy, chính quyền, đã chụm lại bàn và làm theo tinh thần đó.
Phải làm cho chặt, cho công bằng, mới lấy được lòng dân đồng thuận. Công việc giao đất, giao rừng được tiến hành bằng các cam kết chính quyền và nhân dân. Thực hiện khoanh từng vùng rừng, đếm từng gốc cây, lập biên bản cam kết trước khi giao đất, giao rừng.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra chéo để nhân dân tự giám sát nhau thực hiện cho tốt. Thực hiện gieo ươm giống tại chỗ ngay trong rừng cho thuận tiện và tranh thủ được thời gian nhàn dỗi, đồng bào tự trồng, tự cắt công trông coi, chăm sóc cây, bảo vệ rừng.
Trải qua quá trình vừa trồng thảo quả, vừa bảo vệ rừng, hiệu quả kinh tế từ việc lồng ghép trên đã mang lại giá trị bất ngờ: Không hề mất đi một cây rừng nào bị chặt, hoặc bị đốn ngã do tác động của con người gây ra trong hàng chục năm nay; giá trị thu nhập của người trồng thảo quả được nâng lên.
Đến năm 2013, xã Nấm Dẩn đã thu được gần 22 tấn quả thảo quả. Giá bán bình quân năm 2013 là 40.000 đ/kg quả tươi. Đồng bào trong xã thu về gần 900 triệu đồng. Năm nay, dù ảnh hưởng sương muối, nhưng phần lớn diện tích thảo quả vẫn ra hoa, kết trái.
Theo đánh giá của bà con, ước thu từ thảo quả năm 2014 khoảng 24 tấn. Ngay hiện tại, đã có rất nhiều khách hàng tìm đến muốn đặt tiền trước để mua thảo quả, nhưng đồng bào chưa ai đồng ý. Thật là một tín hiệu vui.
“Mục sở thị” cùng lãnh đạo xã lên Đèo Gió để thấy trong đại ngàn xanh tươi ẩm ướt ấy, rất nhiều “tiền” đang nằm đầy gốc thảo quả trải dài theo màu xanh bất tận của rừng Đèo Gió.
Chủ tịch UBND xã Nấm Dẩn, Đào Xuân Hòa vừa đưa tôi đi xem “Tiền rải trong rừng Đèo Gió” vừa cho biết: Xã hiện có 11/12 thôn, với 54 nhóm hộ, bằng 427 hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng, trồng thảo quả. Hiện tại, đã có 662,4/800 ha thảo quả được trồng qua các năm theo quy hoạch đến hết năm 2015. Diện tích thảo quả đang cho thu hoạch trên 270 ha.
Mục tiêu đến hết năm 2015, toàn xã sẽ trồng đạt khoảng 900 đến 1.000/1.750 ha, chiếm gần nửa diện tích rừng cần bảo vệ ở Đèo Gió bằng cây thảo quả dưới tán rừng. Thực tế, càng đi sâu vào rừng, càng thấy diện tích cây thảo quả rộng mãi ra.
Bên cạnh dọc, ngang cây cho quả, còn rất nhiều vạt thảo quả mới trồng đang bám đất vươn theo ngàn cây. Những vườn ươm giống thảo quả tại chỗ, các lớp cây non, đua chen nhau mọc. Phía trên cao là các loài cây cổ thụ, cây thân thảo, thân mộc đua nhau sinh sôi và cùng chung sống hài hòa.
Dưới tán cây rừng là thảo quả, là các loại côn trùng sống cộng sinh dựa vào nhau cùng tồn tại. Dưới nữa là nước, là những lớp mùn dày, tạo thành các lớp thực bì giàu có giúp cho các loài cây, con trong rừng phát triển. Các nhà khoa học lâm sinh khẳng định: Rừng nguyên sinh là rừng giàu có nhất bởi nó mang trong đó sự đa dạng sinh học về các nguồn gen động, thực vật.
Điều đó đã tạo cho rừng tự cân bằng sinh thái và phát triển bền vững. Anh Đào Xuân Hòa cho biết thêm: Gắn bó 16 năm tại Nấm Dẩn, vài năm nay mới tìm ra lối đi vững chắc từ rừng. Trong đó là giao đất, giao rừng cho đồng bào giữ rừng, trồng thảo quả. Lợi ích “kép” đó đến nay đã rõ.
Điểm thứ hai, anh tâm huyết đó là giao đất, giao rừng và tận dụng đất ven rừng, ven đồi, để trồng cỏ, phát triển chăn nuôi đại gia súc: Trâu, bò, dê... Cả 2 hướng, 2 cách làm trên sẽ được đánh giá tổng kết, đưa ra bài học thực tiễn cho Nấm Dẩn nói riêng, cho các xã khác nói chung, để phát triển sản xuất trong thời gian tới.
Khẳng định: Đi theo 2 cách đó, sẽ là bài học để phát triển sản xuất bền vững. Đồng thời, phải xem đây là một trong các giải pháp thích ứng chống biến đổi khí hậu khắc nghiệt hiện nay để thay đổi cách làm nông nghiệp, tạo ra giá trị kinh tế cao.
Hãy đến Nấm Dẩn, hãy vào rừng Đèo Gió một lần. Bài học từ thực tiễn sẽ cho chúng ta lời giải thỏa đáng.
Có thể bạn quan tâm
Là một trong những địa phương có nhiều sáng tạo trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đồng Tháp đang được kỳ vọng sẽ tạo ra những kỳ tích khi đã và đang thu hút được nhiều nhà đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) như Ngân hàng Thế giới, các doanh nghiệp của Hà Lan, Tập đoàn Phát triển nông thôn Hàn Quốc (KRC), tỉnh Ibaraki (Nhật Bản),…
Hội ND và Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh vừa tiến hành giải ngân 1,45 tỷ đồng từ nguồn Quỹ HTND tỉnh cho 58 hội viên ND nghèo, khó khăn thuộc 3 xã Phước Long Thọ, Long Mỹ và Phước Hội (huyện Đất Đỏ) thực hiện Dự án “Chăn nuôi bò thịt”.
Ông Trần Xuân Việt - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, thành phố sẽ chi 500 tỷ đồng để chi trả, phân bổ cho các địa phương, cố gắng hoàn thành DĐĐT trong năm 2014.
“Đất sản xuất đang ngày càng bị thu hẹp trong khi yêu cầu thu nhập của người dân ngày một tăng cao, đòi hỏi địa phương phải cấp bách tìm được những nguồn thu cao và ổn định” - ông Nguyễn Hoài Thu - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai chia sẻ.
Dân Việt trân trọng giới thiệu bài viết “Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp và tăng thu nhập bền vững cho người nông dân: Cần đột phá ở khâu trước và sau nông dân” của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân.