Văn Lãng phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa
Cũng như nhiều hộ dân trong thôn 6, để có được mô hình kinh tế quy mô như hiện nay, anh Nguyễn Mạnh Tuấn cũng đã xoay xở rất nhiều công việc từ trồng chè đến trồng cây ăn quả. Khi có vốn, anh Tuấn mới bắt tay vào chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa. Lúc đầu, do nguồn vốn hạn hẹp, thiếu kinh nghiệm cộng với thiếu vốn sản xuất nên gia đình anh chỉ nuôi mỗi lứa một vài con lợn, manh mún, mang tính tự cung, tự cấp. Năm 2012, gia đình anh được hỗ trợ kinh phí 30 triệu đồng từ nguồn ngân sách hỗ trợ của tỉnh đầu tư chăn nuôi theo mô hình trang trại. Anh mạnh dạn mở rộng chuồng trại đầu tư chăn nuôi lợn thịt và lợn nái theo hướng hàng hóa.
Để có thêm kiến thức trong phát triển chăn nuôi, anh Tuấn đã tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn. Nắm chắc các quy trình kỹ thuật chăn nuôi, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất của gia đình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Do chăn nuôi theo một chu trình khép kín, từ chủ động sản xuất con giống đến khi xuất bán lợn thịt lại làm tốt các yêu cầu về công tác phòng, chống dịch bệnh nên đàn lợn của anh phát triển khỏe mạnh. Hiện tại, trong chuồng nhà anh có hơn 90 con lợn thịt và 10 con lợn nái. Bình quân mỗi năm, gia đình anh xuất bán ra thị trường gần 200 con lợn thịt, trừ chi phí thu lãi gần 140 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, năm 2014, anh tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi bằng việc xây dựng thêm hệ thống chuồng trại để nuôi gà và lợn nái. Hiện tại, mô hình chăn nuôi của gia đình anh có 1.000 con gà, gần 100 con lợn thịt và trên 10 lợn nái.
Gia đình ông Nguyễn Duy Nghĩa, thôn 6, xã Văn Lãng lại lựa chọn chăn nuôi gà thả vườn đồi theo hướng hàng hóa. Năm 1989, khi mới lập gia đình, cuộc sống vô cùng vất vả, khó khăn. “Có đất rộng, có sức lao động không nhẽ cứ mãi nghèo đói” - ông nghĩ thế.
Qua vài lần về Hà Tây (cũ) tham quan mô hình nuôi gà thịt đã thôi thúc quyết tâm thoát nghèo trong ông. Dồn vốn liếng từ những đồng tiền tích góp cộng với vay mượn thêm anh em trong gia đình, ông Nghĩa đã đầu tư chăn nuôi gà thả vườn với quy mô hơn 500 con/lứa. Được chương trình hỗ trợ chăn nuôi của tỉnh hỗ trợ cho 20 triệu đồng, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô nuôi trên 1.000 con gà/lứa. Nhờ kinh nghiệm chăn nuôi lâu năm và sự hướng dẫn tận tình của cán bộ thú y xã, ông luôn chủ động phòng dịch nên đàn gia cầm phát triển khá ổn định. Hiện tại, mô hình nuôi gà hàng hóa của gia đình ông Nghĩa đã có trên 1.700 con.
Nhận thấy chăn nuôi gà có lãi, dự định trong năm 2015 này, gia đình ông Nghĩa tiếp tục mở rộng quy mô nuôi khoảng 2.000 con, trong đó có 500 con gà đẻ trứng. Ông Nghĩa chia sẻ: “So với chăn nuôi truyền thống thì nuôi gà theo mô hình bán công nghiệp đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu về kỹ thuật từ vệ sinh, cho ăn, uống nước đến tiêm phòng. Nói nuôi con gà so với các loại con khác không khó nếu mình có đủ kiến thức và kinh nghiệm. Nếu trước đây, theo cách chăn nuôi cũ thì gà của gia đình tôi phải 6 tháng mới xuất chuồng nhưng giờ chỉ cần 4 tháng là gà xuất chuồng được”. Như vậy, bình quân mỗi năm có thể nuôi được 3 lứa gà và trừ chi phí, gia đình ông Nghĩa cũng thu lãi 100 triệu đồng.
Hiện nay, xã Văn Lãng có trên 28.000 con gia súc, gia cầm; trong đó, trâu 231 con, bò 92 con, lợn 2.106 con, gia cầm 25.136 con. Địa phương có 500 hộ chăn nuôi gia cầm, trong đó, 10 hộ chăn nuôi với quy mô 500 con trở lên. Để đàn gia súc, gia cầm của xã phát triển ổn định, bền vững, cùng với việc vận động người dân duy trì, mở rộng quy mô chăn nuôi, công tác tiêm phòng, phòng, chống dịch bệnh cũng được xã quan tâm chú trọng, tăng cường công tác tuyên truyền thông qua các lớp tập huấn để nâng cao nhận thức của người dân.
Ông Chu Văn Luân - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Để thúc đẩy phong trào phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, địa phương đang khuyến khích, vận động nhân dân tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau đồng thời thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kiến thức về phát triển chăn nuôi để phòng bệnh cho vật nuôi.
Bên cạnh đó, ngoài việc chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, địa phương cũng vận động các hộ chăn nuôi với quy mô lớn luôn làm tốt công tác vệ sinh môi trường. Những thành công bước đầu của một số hộ phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa sẽ tạo ra hướng đi mới, giúp bà con nông dân ở xã Văn Lãng từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng”.
Có thể bạn quan tâm
Với quyết tâm chinh phục “đất nghèo”, ông Nguyễn Văn Hùng, ở thôn Tân Lập 1, xã Lương Sơn (Ninh Sơn - Ninh Thuận) đã dày công cải tạo những thửa ruộng cằn cỗi thành trang trại sản xuất, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Thực hiện công tác dập dịch chổi rồng trên nhãn, tính đến nay, người dân các địa phương trong huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) tiếp tục cắt tỉa, phun thuốc đặc trị nhãn bệnh chổi rồng và đã có 330ha/550ha nhãn bị bệnh chổi rồng phục hồi.
Vừa qua, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã ký văn bản chỉ đạo thực hiện một số giải pháp phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ để hạn chế dịch bệnh và triển khai có hiệu quả vụ nuôi tôm năm 2013.
Theo thống kê của Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 28 trận mưa to, kèm theo giông lốc, sấm sét gây thiệt hại về người và tài sản, làm chết 7 người.
Sau một thời gian triển khai, mô hình nuôi vịt sinh sản an toàn sinh học với giống vịt thuần chủng Khaki Campell do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Phú Yên thực hiện đã bước đầu mang lại một số kết quả khả quan.