Vai trò vốn tín dụng
Đến tháng 7/2015, huyện Tân Phú (Đồng Nai) đã có 2 xã đạt chuẩn NTM là Phú Thịnh và Nam Cát Tiên. Tân Phú đang đề ra mục tiêu có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM trước khi kết thúc năm nay và huyện đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2018.
Là một huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, nên Tân Phú có nhiều cái khó so với các huyện khác trong việc thực hiện các tiêu chí NTM, nhất là các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng, thu nhập... Bởi vậy, vốn tín dụng đã đóng góp một phần không nhỏ trong công tác xây dựng NTM ở huyện này.
Theo UBND huyện Tân Phú, đến đầu tháng 7/2015, tổng vốn đầu tư cho chương trình NTM trên địa bàn huyện đã đạt 4.523 tỷ đồng, thì trong đó, tín dụng nông thôn đã chiếm tới 3.806 tỷ đồng.
Ông Phạm Thành Dũng, PGĐ Agribank chi nhánh Tân Phú, cho biết, người dân trong huyện vay vốn xây dựng NTM chủ yếu là đóng góp cho việc làm đường. Phần lớn các hộ vay khoảng 7-8 hoặc 10 triệu đồng, hộ vay cao nhất lên tới 20 triệu đồng, để đóng góp vào việc xây dựng giao thông nông thôn.
Để thuận tiện cho nông dân và cho cả phía ngân hàng, ở các xã thuộc huyện Tân Phú đã hình thành nhiều tổ vay vốn theo từng ấp để xây dựng NTM, mà trưởng ấp cũng đồng thời là tổ trưởng tổ vay vốn. Nhờ vậy, phong trào vay vốn đóng góp xây dựng giao thông nông thôn, làm hệ thống điện... đã lan rộng trên địa bàn nhiều ấp, xã của huyện Tân Phú. Qua đó, giúp cho bộ mặt nông thôn có sự đổi thay rõ rệt.
Ở huyện Định Quán, phong trào vay vốn đóng góp xây dựng NTM cũng đang thu hút được sự tham gia của nhiều hộ nông thôn. Vay vốn theo tổ để đóng góp xây dựng NTM cũng đang là một mô hình hay ở huyện này.
Bởi theo ông Phạm Văn Sơn, GĐ Agribank chi nhánh Định Quán, tổ vay vốn giúp cho cán bộ tín dụng rút ngắn đáng kể thời gian thẩm định. Nếu như các hộ vay vốn riêng lẻ, mỗi ngày một cán bộ tín dụng giỏi lắm thẩm định được 3-4 hộ. Còn vay vốn theo tổ, mỗi ngày một cán bộ tín dụng có thể thẩm định được 30-40 hộ.
Bà Thi Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Vinh (huyện Định Quán), cho biết, khi nông dân vay vốn xây dựng NTM theo tổ liên đới, tổ trưởng tổ vay vốn sẽ có trách nhiệm nhắc nhở, đôn đốc các hộ sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ đúng hạn. Chính nhờ vậy, ngân hàng yên tâm hơn khi cho nông dân vay vốn đóng góp xây dựng NTM, còn nông dân hầu như không có chuyện nợ quá hạn.
Vốn tín dụng cũng đang góp phần không nhỏ trong việc thực hiện các tiêu chí thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, hình thức tổ chức SX... ở các huyện Tân Phú và Định Quán, bởi đã và đang ngày càng có nhiều hộ nông dân mạnh dạn vay vốn để đầu tư vào các loại cây, con có giá trị cao, phát triển SX theo quy mô trang trại.
Ông Hứa Văn Chung ở ấp 4, xã Núi Tượng (huyện Tân Phú) là một trong những điển hình như vậy. Trước đây, ông Chung sinh sống bằng nghề trồng cà phê. Đến năm 2010, do vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp, giá cà phê lại bấp bênh, ông quyết định chuyển sang trồng quýt. Lúc đầu, ông sử dụng nguồn vốn tích lũy được sau nhiều năm trồng cà phê.
Sau vài năm, thấy quýt mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, ông Chung đã mạnh dạn "gõ cửa" Agribank và được cho vay 350 triệu đồng.
Nhờ nguồn vốn này, ông đã mở rộng quy mô vườn quýt lên tới trên 2 ha. Với diện tích như trên, cứ 2 tháng, ông Chung lại thu được chừng 3 tấn quýt, bán được khoảng 100 triệu đồng, trừ chi phí còn lời tới 70 triệu đồng.
Nhờ đó, gia đình ông trở nên khá giả. Không những thế, nhờ có sản lượng tương đối khá, quýt của ông không chỉ được tiêu thụ ở gần, mà còn được đưa đi xa ra Huế, Hà Nội với giá bán cũng cao hơn.
Theo ông Bùi Huy Đệ, GĐ Agribank chi nhánh Tân Phú, hiện có khá nhiều hộ nông dân trên địa bàn đang vay vốn đầu tư trồng cây ăn trái, với mức vay khoảng 400-500 triệu đồng. Đặc biệt, có 1 hộ đã vay tới 15 tỷ đồng để đầu tư trồng cây ăn trái quy mô lớn. Hộ này không chỉ trồng cây ăn trái trên địa bàn huyện mà còn đầu tư ở các huyện khác trong tỉnh và sang cả Lâm Đồng để trồng cây ăn trái.
Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Núi Tượng, cho biết, trên địa bàn xã, đang xuất hiện nhiều mô hình trồng cây ăn trái, chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao, mà trong đó, có sự hỗ trợ từ nguồn vốn tín dụng. Nguồn vốn tín dụng cũng đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện các tiêu chí thu nhập, hộ nghèo..., tại nhiều xã thuộc huyện Định Quán.
Đặc biệt, trên địa bàn huyện, đã hình thành mô hình SX ca cao theo chuỗi giá trị do Cty Trọng Đức thực hiện, mà trong đó có phần đóng góp quan trọng của vốn tín dụng. Hiện nay, chuỗi giá trị ca cao có diện tích 326 ha. Nhằm đảm bảo cho nông dân trồng ca cao có lãi và yên tâm gắn bó với loại cây này, ngoài việc hỗ trợ cây giống, quy trình SX...
Cty Trọng Đức đã đề ra chính sách thu mua với giá sàn là 4.000 đ/kg. Để có vốn thu mua ca cao trên toàn bộ vùng nguyên liệu, đồng thời đầu tư các dây chuyền SX những sản phẩm giá trị gia tăng từ hạt ca cao, Cty Trọng Đức đã vay của Agribank khoản vốn tới 10 tỷ đồng.
Đến nay, các sản phẩm chế biến sâu như bột ca cao, rượu ca cao, chocolate..., đã có thị trường tiêu thụ. Ông Đặng Tường Khanh, GĐ Cty Trọng Đức, cho biết, các sản phẩm chế biến sâu của Cty đã làm gia tăng lợi nhuận từ hạt ca cao lên thêm tới 60%.
Có thể bạn quan tâm
“Trồng dưa hấu chẳng khác gì đánh bạc, may rủi lắm. Trời thương thì được mùa, được giá, còn không đặng thì phải chịu thua lỗ. Vụ này, ai cũng héo mặt vì giá thấp, còn dưa non thì rụng trái, chết nhiều”- ông Nguyễn Văn Luần (xã Xuân An, thị xã An Khê, Gia Lai) nói trong than thở.
Gần đây, một số trang mạng điện tử phản ánh về người chăn nuôi gà Đông Tảo phát sốt vì lo, phải mang gà đi ký gửi ở các địa phương khác để tránh dịch. Để tìm hiểu thực hư về những thông tin trên, chúng tôi đã về địa phương tìm hiểu.
Với nghề nuôi ếch thịt và sản xuất ếch giống, ông Đinh Như Trực (thôn Di Tây, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) đã có thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng.
Câu chuyện nông dân ồ ạt trồng một loại cây nào đó đang được giá không mới đối với vùng Tây Nguyên, mà điều đáng nói là dẫu hệ lụy đã được báo trước nhưng nhiều nông dân vẫn bất chấp rủi ro.
Chúng tôi thật ấn tượng khi đến thăm trại nuôi bồ câu Pháp của nữ cử nhân Trương Thị Thùy Nhung (32 tuổi), trú tại thôn 2A, xã Điện Nam Bắc, huyện Điện Bàn (Quảng Nam).