Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu quả mô hình Hợp tác xã nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp (Nam Định)

Hiệu quả mô hình Hợp tác xã nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp (Nam Định)
Ngày đăng: 15/04/2015

Trao đổi với chúng tôi, anh Vũ Tuấn Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho biết, quê anh là xã thuần nông, thời gian nông nhàn nhiều người lại khăn gói lên các thành phố lớn làm thuê. Năm 1997, anh cũng theo bạn bè vào miền Nam làm ở một cơ sở chuyên sản xuất nấm ở Thị xã Long Khánh (Đồng Nai).

Với bản tính cần cù, chịu khó, anh vừa làm, vừa tranh thủ nắm bắt kỹ thuật, công nghệ. Sau 9 năm làm việc tại Cty, anh đã tích lũy được một số kinh nghiệm về quy trình và kỹ thuật trồng nấm, mộc nhĩ, cộng với quá trình tự nghiên cứu các tài liệu và tìm hiểu qua sách báo, các phương tiện truyền thông. Năm 2005, anh đã quyết định về quê lập nghiệp và mở xưởng trồng nấm tại nhà. Anh đã thuyết phục mọi người trong gia đình chuyển diện tích vườn tạp thành những lán trồng nấm, mộc nhĩ.

Sau một năm, nhận thấy việc trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao so với trồng các loại cây khác, anh đã bàn bạc với gia đình và quyết định xây dựng mô hình sản xuất nuôi trồng nấm theo quy mô trang trại. Thời điểm những năm 2005 - 2010, nhiều mô hình sản xuất nấm cũng ra đời nhưng chỉ hoạt động được một thời gian rồi “chìm hẳn” do không tìm được thị trường tiêu thụ song do tập trung vào sản xuất nấm, mộc nhĩ và có mối liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, mô hình của anh vẫn làm ăn hiệu quả.

Đến năm 2010, anh đã mở rộng diện tích trồng nấm, mộc nhĩ và đầu tư thêm trang thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất: xây dựng phòng lạnh bảo quản giống và nấm tươi, đầu tư mua được 1 lò hơi để sấy nấm, mộc nhĩ, hệ thống hầm hấp để nấm có thể phát triển một cách tốt nhất. Bình quân mỗi năm, cơ sở của anh sản xuất 5 - 7 vạn bịch nấm, mộc nhĩ với sản lượng 3 - 4 tấn/năm, xuất bán đi các thị trường trong cả nước.

Tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn ở địa phương như mùn cưa và nguồn phế phẩm nông nghiệp (rơm, rạ) đảm bảo là thực phẩm sạch nên rất được thị trường ưa chuộng, sản phẩm do cơ sở sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó, vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán không đủ hàng để bán.

Ngoài việc sản xuất nấm, anh còn làm đại lý thu mua nấm, mộc nhĩ cho bà con nông dân các xã lân cận như Giao Thiện, Giao Lạc… Chính sự làm ăn hiệu quả của mô hình đã tạo được sự tin tưởng của những người tham gia góp vốn, xây dựng mô hình. Năm 2014, HTX nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp ra đời với 16 thành viên do anh Hiệp làm Giám đốc.

HTX nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp đã thực hiện mô hình mở rộng việc trồng nấm cho người dân ở các xã lân cận bằng hình thức “bán công nghệ” và bao tiêu sản phẩm. Sau khi nấm nguyên liệu đóng thành bịch để bán hoặc thuê người dân chăm sóc, sản phẩm làm ra được HTX mua lại.

Với số vốn đầu tư ban đầu gần 500 triệu đồng diện tích gần 2.500m2, HTX giải quyết việc làm cho 10 lao động thường xuyên với mức lương 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Nói về hướng phát triển tương lai, anh Hiệp chia sẻ, để giúp những nông dân trong xã yên tâm về mô hình trồng nấm, HTX đang xin mở rộng diện tích và tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm không chỉ ở trong xã mà mở rộng ra cả các xã lân cận. Ngoài ra, HTX sẽ tập trung tìm thêm thị trường tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Để mở rộng quy mô, sản phẩm, HTX đang liên kết với một số đơn vị để sản xuất nấm Linh chi.

Đến nay, HTX nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp bình quân sản xuất 9 vạn bịch phôi nấm/vụ. Bên cạnh đó, HTX còn giúp nhiều hội viên nông dân mở cơ sở sản xuất trồng nấm và mộc nhĩ; tổ chức hướng dẫn bà con có thể tận dụng các khoảng trống ở ruộng vườn để trồng nhằm tăng thêm thu nhập.

Hiện nay, nghề trồng nấm ở xã Hồng Thuận đang được mở rộng, đặc biệt số gia đình hội viên nông dân trồng nấm, mộc nhĩ trên địa bàn ngày một tăng. Việc trồng nấm giúp nhiều gia đình hội viên nông dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu. So với cấy lúa và chăn nuôi thì trồng nấm, mộc nhĩ không cần nhiều vốn, hiệu quả kinh tế cao lại tận dụng được nguyên liệu sẵn có ở địa phương.

Mô hình trồng nấm không những đem lại hiệu quả về kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, nâng cao thu nhập cho thành viên HTX, còn góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng ổn định, bền vững.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Cá Vụ Ba Mang Lại Thu Nhập Cao Nuôi Cá Vụ Ba Mang Lại Thu Nhập Cao

Hàng năm, sau khi thu hoạch xong vụ hè-thu, trong thời gian nông nhàn mùa mưa lũ, bà con nông dân xã Tân Thủy (Lệ Thủy - Quảng Bình) đã tận dụng nguồn nước dồi dào từ hồ Bàu Sen để thả cá vụ ba mang lại thu nhập cao, cải tạo ruộng lúa cho mùa vụ mới.

21/11/2013
Quảng Nam Tăng Cường Xử Lý Nuôi Tôm Lót Bạt Trên Vùng Cát Ven Biển Quảng Nam Tăng Cường Xử Lý Nuôi Tôm Lót Bạt Trên Vùng Cát Ven Biển

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố ven biển tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong nuôi tôm lót bạt trên vùng cát ven biển tỉnh Quảng Nam.

21/11/2013
Mùa Cá Ra Mùa Cá Ra

Hàng năm, từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, nước từ thượng nguồn sông Cửu Long đổ về mang theo lượng phù sa màu mỡ và lượng thủy sản rất lớn ban tặng cho người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

21/11/2013
Thành Phố Trên Sông Thành Phố Trên Sông

Đài đưa tin áp thấp nhiệt đới ngoài khơi biển Đông cũng là lúc cuộc hẹn về làng nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và (Bà Rịa - Vũng Tàu) làm phóng sự đến giờ xuất phát. Gió thổi ù cả tai. Cái mùi tanh tanh của rong, của đất bùn và không gian im ắng khu vực cửa sông cho tôi biết mình đã bỏ lại sau lưng thành phố biển đang rất nhộn nhịp vào thời điểm 3 giờ chiều.

21/11/2013
Hiệu Quả Của Việc Nuôi Tôm Công Nghiệp, Đầu Tư Bài Bản, Đảm Bảo Yếu Tố Môi Trường Hiệu Quả Của Việc Nuôi Tôm Công Nghiệp, Đầu Tư Bài Bản, Đảm Bảo Yếu Tố Môi Trường

Trong khi phần lớn các ao nuôi truyền thống đang bị bỏ hoang, nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp theo hình thức lót bạt ở huyện Vạn Ninh lại cho thu nhập rất cao. Thời điểm này, địa phương đang thu hoạch rộ tôm chân trắng được nuôi theo hình thức này. Nhiều hộ nuôi cũng có thu nhập cao nhờ đầu tư bài bản, chú trọng đến yếu tố môi trường .

21/11/2013