Ưu Tiên Dùng Nông Sản Việt

Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được khởi xướng cách đây 5 năm. Cuộc vận động đã đạt được nhiều kết quả, song dường như vẫn chỉ tập trung cho hàng của các doanh nghiệp, còn hàng nông sản của nông dân vẫn bị bỏ ngỏ trong cuộc vận động lớn và nhiều ý nghĩa này.
Thay đổi tâm lý tiêu dùng
Kể từ khi triển khai cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đến nay, kết quả rõ nét nhất là thay đổi rõ rệt tâm lý “sính” ngoại của một bộ phận người tiêu dùng. Người tiêu dùng khi mua sắm cũng không còn nặng về hàng ngoại như trước đây.
Đặc biệt các mặt hàng may mặc, giày da đã thực sự chiếm lĩnh được niềm tin yêu của người tiêu dùng, thể hiện ở sản phẩm bán ra ngày càng gia tăng. Các thương hiệu mạnh trong lĩnh vực này không ngừng mở thêm đại lý, đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng phục vụ.
Chưa có thống kê cụ thể về thị phần của sản phẩm Việt Nam trên thị trường nhưng trao đổi với các siêu thị lớn của tỉnh, các cửa hàng, đại lý cung ứng sản phẩm uy tín tại nội ô thành phố Quảng Ngãi, các chủ siêu thị, chủ cửa hàng đều cho biết hàng Việt Nam chiếm tới hơn 90% sản phẩm bày bán tại đây.
Ông Lê Hồng Ca – Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Sài Gòn – Quảng Ngãi cho biết: “Hàng hóa Việt Nam chiếm đến 95% các mặt hàng bày bán trong siêu thị. Trong đó nhiều sản phẩm có thương hiệu của Quảng Ngãi như bia Dung Quất, bánh kẹo Biscafun, nước khoáng Thạch Bích bán khá chạy”.
Lãnh đạo Sở Công thương nhận định: Trước đây, hàng Việt chỉ chiếm một phần khá khiêm tốn trong hệ thống các siêu thị, các cửa hàng, thì đến thời điểm này, trên các hệ thống phân phối hàng hóa ở hầu hết các tỉnh thành, hàng Việt đã chiếm đến 80 – 90%.
Điều này khẳng định rằng, cuộc vận động đã có tác động lớn đến thị trường, lên tâm lý người tiêu dùng, góp sức cùng cả nước nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường.
Nông sản vẫn chưa “vào” cuộc vận động!
Tuy nhiên, 5 năm qua cuộc vận động này dường như vẫn chỉ dồn lực cho sản phẩm của các doanh nghiệp. Nông sản của người nông dân vẫn chưa được quan tâm tiêu thụ, góp phần giảm bớt một phần khó khăn cho nông dân.
Bằng những con đường nhập khẩu chính ngạch hay tiểu ngạch, thời gian qua, nông sản ngoại, nhất là nông sản của Trung Quốc không ngừng tràn vào thị trường Việt Nam. Trong đó không ít sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
Mặc dù đã được cảnh báo thường xuyên, nhưng vì lợi nhuận, không ít tiểu thương vẫn tìm cách đưa các mặt hàng nông sản ngoại không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vào thị trường Việt Nam. Khi hàng vào chợ trà trộn, cộng với chiêu trò câu khách của người bán, người tiêu dùng khó có thể phân biệt được hàng nội – hàng ngoại.
Hiện tại nông sản Việt Nam, trong đó có nông sản của nông dân Quảng Ngãi đang đứng trước nhiều khó khăn khi tìm thị trường tiêu thụ. Trong khi đó nông sản ngoại không rõ nguồn gốc vẫn không ngừng tràn vào thị trường Việt Nam, “chia sẻ” một phần thị phần vốn đã khá khiêm tốn của mặt hàng nông sản Việt.
Quy luật của thị trường nông sản là khi làm ra sản phẩm bắt buộc phải thông qua các thương lái để tiêu thụ với số lượng lớn, chứ không trực tiếp đem nông sản ra chợ để bán đến người tiêu dùng. Vì thế, để người Việt Nam ưu tiên tiêu thụ nông sản Việt, điều quan trọng là làm thay đổi nhận thức của thương lái, tiểu thương về “thu mua, cung ứng nông sản Việt Nam”.
Có thể xây dựng và áp dụng chính sách hỗ trợ giúp tiểu thương tiêu thụ nông sản cho nông dân; tăng cường xúc tiến thương mại, đưa nông sản là đặc sản của Việt Nam vươn ra thị trường thế giới. Và dĩ nhiên chính sách ấy phải đi trước khi mùa vụ đến, chứ không thể để khi thu hoạch rộ, ứ đọng hàng hóa mới kêu gọi “người Việt Nam ưu tiên dùng nông sản Việt Nam” như mùa vải thiều vừa qua.
Có thể bạn quan tâm

Trước nhu cầu rau sạch của người tiêu dùng đang ngày càng tăng cao, người trồng rau đã dần nâng cao ý thức canh tác và trình độ thâm canh để sản xuất rau sạch, đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường. Việc trồng rau sạch đã được nông dân trồng quanh năm tạo ra nguồn thu khá ổn định, góp phần nâng cao thu nhập và tạo việc làm thường xuyên, đặc biệt rút ngắn đáng kể thời gian nông nhàn.

Bước đầu cho thấy việc xây dựng mô hình chăn nuôi bò sinh sản ở bản Poọng đã nâng cao kỹ thuật chăn nuôi bò, tạo thêm việc làm và nguồn thu nhập cho người dân.

Đây là địa phương có truyền thống sản xuất rau, củ, quả quanh năm với diện tích và quy mô lớn. Với kinh nghiệm trồng rau hàng hóa, nông dân Hoằng Hợp đã đạt hệ số quay vòng đất bình quân 3,5 lứa/năm, nhiều gia đình đã gieo trồng tới 4 đến 6 lứa rau/năm. Theo tính toán, một năm, mỗi ha đất vùng chuyên canh rau cho tổng thu nhập bình quân từ 150 đến 160 triệu đồng.

Dự án có quy mô 450 m3 bể nuôi với 2.000 con giống, thả làm 2 đợt. Tổng kinh phí thực hiện hơn 1,2 tỷ đồng (gồm mua con giống, thức ăn, thiết bị máy móc, hỗ trợ công nghệ). Dự kiến sau thời gian 1 đến 2 năm nuôi sẽ bắt đầu cho thu hoạch, trọng lượng bình quân đạt từ 1,5 đến 2 kg/con.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung ngành điện tử - tin học thuộc nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển thay vì trước đây chỉ có 5 ngành là dệt may; da giày; sản xuất lắp ráp ôtô; cơ khí chế tạo; các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.