Ứng Dụng Công Nghệ Biofloc Trong Nuôi Thâm Canh Cá Rô Phi Thương Phẩm
Việc ứng dụng công nghệ biofloc (viết tắt tiếng Anh là BFT) trong nuôi thâm canh cá rô phi thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của cá nuôi, năng suất nuôi đạt cao, hiệu quả sử dụng thức ăn được cải thiện, góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường ao nuôi.
Ứng dụng BFT trong nuôi trồng thủy sản được coi là một hướng đi mới của công nghệ sinh học, dựa trên nguyên lý bổ sung nguồn cacbon theo một tỷ lệ phù hợp với lượng nitơ sẵn có trong nước ao để làm thức ăn cho vi sinh vật dị dưỡng có trong ao, tạo điều kiện cho nhóm này phát triển chiếm ưu thế trong ao. Vi sinh vật dị dưỡng sẽ chuyển hóa các hợp chất chứa nitơ trong nước ao thành protein trong sinh khối, nhờ đó tái sử dụng được nguồn nitơ từ chất thải hòa tan trong nước ao và chuyển hóa thành sinh khối thức ăn tự nhiên cho cá nuôi, làm tăng hiệu quả sử dụng thức ăn nuôi cá.
Khái niệm biofloc trong BFT dùng để chỉ tập hợp vật chất hữu cơ lơ lửng trong nước bao gồm tảo, động vật nguyên sinh và vi sinh vật - trong đó chiếm ưu thế là vi sinh vật dị dưỡng - được gắn kết với nhau bằng chất keo sinh học polyhydroxy alkanoat (PHA). Tập hợp các biofloc là nguồn thức ăn tự nhiên giàu dinh dưỡng đối với cá rô phi nuôi trong ao. Do đó, việc ứng dụng BFT sẽ làm giảm chi phí thức ăn nuôi cá và được coi là giải pháp phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản ở quy mô công nghiệp.
BFT đã được sử dụng phổ biến trong nuôi tôm chân trắng tại các trại nuôi tôm ở nhiều nước Đông Nam Á. Ở nước ta, trong những năm qua Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đã triển khai ứng dụng thử nghiệm BFT trong nuôi tôm chân trắng và cá rô phi. Năm 2012, một nhóm cán bộ của Viện đã nghiên cứu ứng dụng BFT trong nuôi thâm canh cá rô phi thương phẩm nhằm đánh giá khả năng áp dụng công nghệ này tại Việt Nam.
Mô hình ứng dụng BFT trong nuôi thâm canh cá rô phi thương phẩm gồm 2 mô đun, mỗi mô đun có 3 ao với diện tích trung bình mỗi ao trong một mô đun là 2.000 m2 và 1.000 m2. Ao nuôi có bờ bê tông, đáy ao lót bạt HDPE, độ sâu mức nước ao >1,5 m. Trong quá trình nuôi không thay nước, chỉ bổ sung lượng nước thất thoát do bốc hơi hoặc bị thấm.
Cá giống thả nuôi là cá rô phi đơn tính đực dòng NOVIT 4, có cỡ trung bình 7,1 g/con, được nuôi với mật độ 5 con/m2 ao. Cho cá ăn thức ăn công nghiệp dạng viên nổi mỗi ngày 2 lần với lượng cho ăn bằng nhau vào lúc 8 giờ sáng và 3 giờ chiều, khẩu phần ăn đáp ứng 90% mức độ thỏa mãn trung bình. Mỗi tuần ngừng cho cá ăn 1 ngày để kích thích cá sử dụng sinh khối biofloc trong ao.
Nguồn cacbon bổ sung vào ao nuôi (1 lần/tuần) là rỉ đường có hàm lượng cacbon chiếm 37,5%, được dùng để điều chỉnh tỷ lệ cacbon/nitơ trong ao nhằm tạo môi trường thuận lợi cho biofloc phát triển và hạn chế ô nhiễm môi trường ao nuôi. Lượng biofloc mồi bổ sung trong tháng đầu là 3 - 5 ppm/ngày; trong những tháng tiếp theo dùng chế phẩm sinh học thương mại trong thành phần vi sinh hữu ích có nhóm Bacillus để duy trì ổn định các biofloc trong ao.
Trong quá trình nuôi, vận hành hệ thống sục khí đáy suốt ngày đêm kết hợp với máy quạt nước để trộn đều nước ao từ tầng đáy lên tầng mặt và tạo dòng nước chảy trong ao. Trong 2 tháng đầu chỉ chạy máy quạt nước khi bón bổ sung rỉ đường và biofloc mồi. Sau đó sử dụng cả sục khí đáy và quạt nước liên tục cho đến khi thu hoạch để duy trì dưỡng khí và đảm bảo biofloc lơ lửng trong nước.
Sau 177 ngày nuôi thâm canh cá rô phi thương phẩm có ứng dụng BFT, mô hình đã thu được kết quả như sau: Khối lượng trung bình của cá nuôi đạt 624,2 g/con, tốc độ tăng trưởng trung bình 3,53 g/con/ngày, thời gian cá đạt đến cỡ trung bình 500 g/con sớm hơn 18 ngày so với nuôi không ứng dụng BFT; Hệ số chuyển đổi thức ăn trung bình 1,35 - giảm 20,6% so với nuôi không ứng dụng BFT; Tỷ lệ sống của cá nuôi đạt 81,6 - 85,7%; Năng suất đạt 23,6 tấn/ha/vụ nuôi 6 tháng; Hiệu quả sử dụng prôtêin là 2,65 g; Tỷ lệ prôtêin thức ăn chuyển hóa thành sinh khối là 50,48% - tăng 10,41% so với nuôi không ứng dụng BFT. Môi trường ao nuôi được duy trì sạch sẽ do công nghệ này có thể chuyển hóa tới 51% lượng nitơ đầu vào hệ thống nuôi thành sinh khối.
Về hiệu quả kinh tế của mô hình, các số liệu cho thấy: Tổng đầu tư cho 1ha nuôi thâm canh cá rô phi thương phẩm có ứng dụng BFT là 526,662 triệu đồng; Tổng doanh thu 627,600 triệu đồng; Lãi ròng 100,938 triệu đồng; Tỷ lệ lợi nhuận/vốn đạt 19,17% cho một chu kỳ nuôi 6 tháng; Giá thành 1 kg cá thương phẩm là 23.316 đồng, giá bán trung bình 26.500 đồng/kg, người nuôi lãi 3.184 đồng/kg.
Tóm lại, việc ứng dụng BFT trong nuôi thâm canh cá rô phi thương phẩm đã đạt kết quả rõ rệt, thể hiện qua việc thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của cá nuôi, năng suất nuôi đạt cao, hiệu quả sử dụng thức ăn được cải thiện, góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường ao nuôi. Tuy nhiên, theo nhận xét của nhóm nghiên cứu, mô hình này phù hợp với những cơ sở nuôi có khả năng đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2015, Trạm Khuyến nông huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) triển khai mô hình chăn nuôi dê sinh sản tại 2 xã Bình Sơn và Phước Sơn, gồm 10 hộ nông dân tham gia.
Sau 3 năm thành lập, Tổ liên kết nuôi gà thả vườn Ninh Sim (Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã giúp đỡ thành viên sản xuất có hiệu quả. Nhưng nỗi lo lớn nhất của tổ hiện nay là đầu ra cho sản phẩm.
Sau một số năm phát triển ồ ạt, hiện nay, phần lớn các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã đi vào thoái trào, nhiều hộ bỏ trống chuồng. Tuy nhiên việc làm này vẫn cần quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng.
Với phương thức nuôi nhốt kết hợp chăn thả trong vườn nhà, ông Nguyễn Văn Tiền ở xóm 7, thôn Thượng Giang 1, xã vùng cao Tây Giang (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) có thể tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp có sẵn tại gia đình như bèo lục bình, lúa, rau muống, cám, bột mì, thân cây mì xay nhỏ… để làm thức ăn cho vịt xiêm.
Các loài săn mồi tự nhiên, lạm thác cùng với biến đổi khí hậu, axit hóa đại dương và sự tàn phá hệ sinh thái biển sẽ là các yếu tố tác động đến tương lai ngành thủy sản.