Tỷ Phú Hồi Đất Đồng Văn (Quảng Ninh)
Đồng Văn là xã trồng nhiều hồi nhất ở huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) với khoảng 2.000ha. Những năm qua, ý thức được việc phải khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhiều hộ gia đình đã tích cực chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để trồng hồi, quế.
Nhiều hộ gia đình đã làm giàu từ cây hồi, trở thành tỷ phú. Gia đình anh Loan Văn Kim, xóm Co Hón, thôn Đồng Thắng là một trong những gia đình như vậy.
Trên đường đến nhà anh Loan Văn Kim, đồng chí Giáp Ngọc Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Văn cho biết: Đồng Văn chỉ có khoảng 210ha đất trồng lúa, trong khi xã có hơn 500 hộ dân. Các thửa ruộng lại manh mún, việc trồng cấy hầu như phụ thuộc vào thiên nhiên, nên nếu chỉ trông vào cây lúa thì người dân khó thoát nghèo. Cây hồi thực sự đã đưa nhiều hộ nghèo trở thành hộ khá.
Vào mùa hồi tầm này hàng năm, mọi con đường ở đây đều tấp nập. Ngoài người dân trong xã kéo đến những điểm thu mua hồi để bán, lại thêm khách mua hồi đến từ các tỉnh lân cận như Lạng Sơn, Hà Giang hay xa như Hà Nội và thương lái Trung Quốc.
Năm nay, hồi ở Đồng Văn không được mùa như năm trước, nhưng giá vẫn dao động trên dưới 12.000 đồng/kg hồi tươi. Theo bà con trồng hồi thì giá như thế này cũng “tạm ổn”.
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là ngỡ ngàng trước cơ ngơi to đẹp của gia đình anh Kim giữa núi rừng Đồng Văn đang thơm ngát mùi hồi vừa phơi được 1 đến 2 nắng. Gia đình anh là một trong những đầu mối bao tiêu hồi, quế lớn nhất Đồng Văn. Vào vụ, mỗi ngày anh thu mua từ người dân trên địa bàn khoảng 10 tấn hồi. Mỗi mùa thu mua khoảng 600 tấn hồi tươi, trừ chi phí, gia đình anh thu về chừng nửa tỷ đồng.
Sinh năm 1969 tại chính quê hương Đồng Văn, là người dân tộc Tày, Loan Văn Kim đã sớm ý thức được lợi thế người dân đang có trong tay với bạt ngạt rừng hồi, rừng quế. Vì vậy từ khi bắt đầu làm ăn, anh đã trồng khoảng 8ha hồi, quế. Khi có chút vốn trong tay, anh Kim mạnh dạn vay mượn thêm để thu mua lại lâm sản của bà con, trở thành đầu mối bao tiêu sản phẩm ngay tại địa bàn.
Anh Kim chia sẻ: Hồi là cây thế mạnh của xã Đồng Văn và cả huyện Bình Liêu. Trước đây vào mùa hồi, chủ yếu chỉ có các thương lái Trung Quốc sang thu mua hồi tươi tận nơi. Vì người dân chưa hiểu biết nên thường bị thương lái chèn ép giá, giá hồi tươi có năm chỉ khoảng 2.000 đồng/kg.
Khi ấy, bà con chán nản không muốn thu hoạch bỏ hồi rụng đầy gốc. Anh Kim sau nhiều vụ hồi cũng lâm vào tình cảnh chung đó, may sao lại có một doanh nghiệp trên Hà Nội tìm về thu mua hồi với số lượng không hạn chế và đặc biệt là giá cả tương đối ổn định, không chèn ép, tạo điều kiện cho bà con vay cả vốn để trồng và thu hoạch...
Thế là anh quyết định dốc vốn liếng để thu mua lại hồi của bà con trong xã với giá ổn định, tự tay phơi, sàng lọc hồi để xuất cho doanh nghiệp này. Điều này vừa đảm bảo giá hồi tươi ổn định cho bà con, vừa tạo nguồn thu cao hơn, ổn định hơn cho gia đình.
Nghe thì tưởng chừng dễ, nhưng hàng năm, vào mỗi vụ hồi anh Kim đều phải chi hàng tỷ đồng để thu mua hồi. Đó là chưa kể đến chi phí xây sân phơi, nhà kho, xe thu mua… Anh chia sẻ: Chúng tôi rất mong muốn địa phương thành lập một HTX để quản lý về cây hồi ở Bình Liêu nói chung và Đồng Văn nói riêng. Mặc dù tôi là người bao tiêu lớn, nhưng đồng vốn phần lớn là đi vay, nếu giá hồi thu mua vào cao, nhưng khi bán ra lại hạ thì chúng tôi rất có nguy cơ trắng tay.
Không giống như dong riềng có thể tiêu thụ được nhiều ở trong nước, hồi chủ yếu tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc, do vậy ngay cả các đầu mối bao tiêu lớn cũng không chủ động được về giá cả đầu ra. Vì vậy, người dân ở vùng miến Húc Động hay vùng hồi Đồng Văn đều có chung nguyện vọng có một HTX để đảm bảo về giá cả và đầu ra cho sản phẩm. Có như vậy, người dân mới yên tâm phát triển sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Trị đã có gần 20 ha/950 ha nuôi tôm bị nhiễm bệnh Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính và có chiều hướng gia tăng, gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm...
Những năm gần đây, tỉnh Tuyên Quang có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản. Những kết quả đạt được về nuôi trồng thủy sản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
“Từ nay đến cuối năm, sẽ hoàn thiện việc nâng cấp Trung tâm chiếu xạ Hà Nội, để sang năm có thể áp dụng công nghệ chiếu xạ trong bảo quản vải thiều phục vụ nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Mỹ”.
Sau gần 3 năm triển khai, đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm một số cây trồng trên đất sau trồng cam, quýt và cải tạo vườn quả kém chất lượng tại xã Quang Thuận (Bạch Thông - Bắc Kạn)" đã đạt kết quả khả quan. Đề tài đã giúp người dân nhận thức rõ hơn về các biện pháp kỹ thuật để thâm canh tăng năng suất cây trồng.
Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác và tránh tình trạng "được mùa mất giá", Hội Nông dân xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) đã xây dựng mô hình trồng chuối già cấy mô. Sau hơn 1 năm thí điểm, mô hình đã đem lại nguồn thu nhập ổn định và cao gấp 3 đến 4 lần so với trồng lúa.