Chuối Già Hương Thuần Việt Xuất Ngoại
Mô hình trồng chuối già hương tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (KNNUDCNC) An Thái, huyện Phú Giáo (Bình Dương) do Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) làm chủ đầu tư đã phát huy hiệu quả.
Đến nay, mô hình trồng chuối đã phát triển được 40 ha với năng suất bình quân 40 tấn/ha, doanh thu 1 ha khoảng 300 triệu đồng/năm, lãi bình quân 150 triệu đồng/ha. Điểm đáng chú ý là loại chuối già hương giống thuần Việt này do Unifarm gầy dựng đã xuất khẩu đi các nước, mở ra nhiều tiềm năng mới cho nông dân tỉnh nhà.
Thành công với chuối già hương
4 năm trước, KNNUDCNC An Thái được hình thành. Với cách đầu tư khoa học, hợp lý của Unifarm, KNNUDCNC An Thái đã phát huy hiệu quả; trong đó, mô hình trồng chuối già hương công nghệ cao đang có tiềm năng lớn để nhân rộng tại các vùng nông thôn trong tỉnh.
Ông Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc Unifarm cho biết, ban đầu khi công ty đưa ra mô hình trồng chuối già hương thuần Việt ứng dụng công nghệ cao nhiều người vẫn còn hoài nghi về hiệu quả của nó.
Nhưng sau hơn 3 năm nghiên cứu, hình thành và phát triển, mô hình này đã có kết quả ban đầu rất khả quan với vùng trồng khoảng 40 ha. Giống chuối này cho hiệu quả cao với năng suất bình quân 40 tấn/ha, doanh thu 1 ha khoảng 300 triệu đồng/năm, lãi bình quân 150 triệu đồng/ha.
Xuất phát từ nhu cầu của thị trường, Unifarm đã mạnh dạn đầu tư mô hình này để nâng cao năng suất, mẫu mã, chất lượng của chuối.
“Để làm được điều đó Unifarm đã quy hoạch lộ trình rõ ràng. Theo đó, trong giai đoạn đầu, công ty đầu tư về kỹ thuật trồng trọt để xây dựng vùng trồng tập trung có năng suất, chất lượng đạt tiêu chuẩn VietGAP theo nhu cầu thị trường trong nước.
Bước tiếp theo, công ty đầu tư vào công nghệ sơ chế và bảo quản sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Sau đó, công ty sẽ chuyển giao công nghệ trồng trọt cho người dân quan tâm trong khu vực để hợp tác cùng phát triển vùng trồng và chế biến hiện đại, từng bước chinh phục thị trường trong và ngoài nước”, ông Liêm nói.
Trên thực tế, bên cạnh cung cấp chuối cho thị trường trong nước và doanh nghiệp chế biến, Unifarm đã xuất khẩu sang các nước. Cụ thể, trong năm 2013, Unifarm đã xuất khẩu hơn 10 container chuối sang thị trường Hàn Quốc và hiện đang đàm phán để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Để đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu, Unifarm đã không ngừng nghiên cứu, tìm tòi và nỗ lực tìm hướng đi cho mình trong trồng chuối; theo đó từ khâu chọn giống cho đến khâu trồng, chăm sóc, sơ chế… công ty đều áp dụng quy trình nghiêm ngặt.
Cụ thể, Unifarm đã mời các chuyên gia người Phillipines đến đào tạo kỹ thuật trồng, cử cán bộ học tập kỹ thuật trồng và xử lý sau thu hoạch tại Phillipines và Thái Lan…
Cái hay của mô hình trồng chuối do Unifarm gầy dựng là chọn cây chuối giống cấy mô để bảo đảm tính đồng nhất về giống và thời gian trồng; đồng thời đầu tư ứng dụng công nghệ tưới tiêu tự động của Israel, Đài Loan vào quá trình trồng chuối để tăng năng suất và giảm chi phí lao động.
Mặt khác, Unifarm áp dụng quy trình quản lý các khâu rất chặt chẽ do chuyên gia người nước ngoài phụ trách, trực tiếp theo dõi.
Sau thu hoạch, Unifarm đã xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống nhà sơ chế, đóng gói chuối và kho lạnh bảo quản chuối theo kỹ thuật tiên tiến. Nhờ đó, sản phẩm chuối già hương thuần Việt của Unifarm đã chinh phục được thị trường trong và ngoài nước.
Sẵn sàng chia sẻ với nông dân
Ông Phạm Quốc Liêm cho biết, hiện nay trồng chuối theo dây chuyền tại công ty đều được tự động hóa, chi phí khoảng 120 triệu/ha. Với phương châm phát huy lợi thế về thổ nhưỡng và chuối ngon của Việt Nam, đồng thời loại bỏ yếu tố nhỏ lẻ trong trồng trọt, công ty đã đầu tư trồng chuối bài bản, đồng bộ và luôn hướng đến sự phát triển ổn định, bền vững.
Đây là yếu tố mà ngành nông nghiệp của nước ta nói chung và của tỉnh đang cần, nhất là trong bối cảnh giá cả một số cây trồng chủ lực đang đi xuống như hiện nay.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, từ năm 2013 đến nay, nhiều địa phương trong nước đã mời Unifarm đến đầu tư trồng chuối hoặc hướng dẫn kỹ thuật, tư vấn việc trồng chuối, đầu ra sản phẩm cho nông dân.
Ông Liêm nói công ty sẵn sàng hỗ trợ cung cấp con giống, kỹ thuật trồng và bao tiêu sản phẩm cho người nông dân; đồng thời mở các lớp học về kỹ thuật trồng trọt giúp bà con tiếp cận và cùng hợp tác với công ty để phát triển mô hình trồng chuối này. “Với tiềm năng xuất khẩu còn lớn thì vài chục hécta chuối thuần Việt của Unifarm là chưa đáng kể.
Do vậy, chúng tôi sẵn sàng tư vấn và chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân có nhu cầu và tâm huyết với mô hình này để cùng với công ty khẳng định thương hiệu chuối Việt trên thị trường trong và ngoài nước”, ông Liêm chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Như Báo Ninh Bình đã đưa tin phản ánh về việc cá nuôi của các hộ dân ở xã Gia Thủy, huyện Nho Quan (Ninh Bình) chết hàng loạt không rõ nguyên nhân, khiến nhiều hộ nông dân ở đây rơi vào cảnh trắng tay. Mới đây, Chi cục Thủy sản tỉnh đã có những kết luận ban đầu về nguyên nhân cá chết.
Sáng 30-8-2013 tại Cảng cá Tắc Cậu (xã Bình An, huyện Châu Thành), Tổng cục Thuỷ sản Bộ NN&PTNT đã phối hợp với UBND tỉnh, Sở NN&PTNT Kiên Giang và Hội Nghề cá TP. Rạch Giá trao giấy phép cho hai doanh nghiệp thuỷ sản đưa 08 tàu đánh cá đi khai thác trên ngư trường Indonesia.
Năm 2013, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quảng Nam phối hợp với Trạm Khuyến nông Khuyến lâm Núi Thành triển khai thực hiện mô hình nuôi cá rô phi đơn tính, cá điêu hồng trong ao nước lợ tại hai hộ ông Hồ Đình Đồng và ông Trần Quang Linh ở thôn Phú Tân, xã Tam Xuân 1 trên diện tích 1,1 ha.
Theo đó, Vụ Nuôi trồng thủy sản cần bám sát tình hình sản xuất của các địa phương, cùng địa phương điều chỉnh mùa vụ cho hợp lý, đẩy mạnh nghiên cứu dịch bệnh, thú y, quan trắc, cảnh báo và phát hiện sớm các dịch bệnh để xử lý...
Ông Mai Tấn Phước (ngụ khóm Thới An A, phường Mỹ Thạnh, TP.Long Xuyên, An Giang) cho biết, gia đình ông đang nuôi 8.000 con cá lóc giống bằng thức ăn công nghiệp trong 4 bể ny-lon (tổng diện tích 62 m2).