Tỷ phú giữa vùng hạn
Nếu huyện Ninh Sơn là vùng đất nổi tiếng khô cằn của tỉnh Ninh Thuận cũng khô cằn nhất cả nước thì xã Quảng Sơn được xem như rốn hạn, với những cánh đồng có biệt danh “đồng chó ngáp”. Những ngày nắng hạn khốc liệt này về đây mới thấy mặt đất vỡ toác từng mảng và người dân mỏi mòn, chực chờ lấy từng giọt nước rỉ rả để đưa vào đồng ruộng. Ấy vậy mà lão nông Nguyễn Thất vẫn sống khỏe trên vùng đất này nhờ tính cần cù và biết nhìn xa, trông rộng…
Từ người làm thuê thành điền chủ
Như đã hẹn, lão nông Nguyễn Thất đưa tôi ra nông trang mía rộng 15ha. Trong khi xung quanh là những đồng mía ngả vàng vì nắng hạn khốc liệt thì nông trang mía 7 tháng tuổi của ông Thất vẫn xanh um, ngút ngàn. Chỉ vào vườn mía của mình, ông Thất bảo đấy là “tầm nhìn chiến lược” của hơn chục năm trước và đôi khi cũng có cả sự may mắn nữa.
Năm 2001, giữa lúc giá mía tụt thê thảm, người dân trồng mía trong vùng thi nhau chặt mía bán cho công ty vớt vát từng đồng, rồi bỏ đồng, thì ông Thất đi thuê lại 120ha đất gốc mía của người dân để “vỗ béo” với giá 250.000 đồng/sào. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, những gốc mía tưởng chừng bị bỏ đi đó đã được thu hoạch, lại đúng thời điểm mía được giá, mỗi sào mía ông Thất vẫn thu được 1,5 triệu đồng/sào. Sau vụ thắng to này, ông Thất gom tiền rồi mua một lúc 50ha đất. Từ chỗ một người chỉ đi thuê đất trồng mía, ông Thất trở thành điền chủ ở địa phương.
Không chỉ dựa vào cái sự may mắn do giá mía bất ngờ được giá, ông Thất còn biết tính toán để giúp vườn mía “sống chung với hạn”. Ở cái vùng đất cày lên sỏi đá này, nếu không có hệ thống tưới tiêu, một năm chỉ trông chờ vào 3 tháng mưa thì đến cây dại cũng chẳng sống được chứ nói gì đến mía. Rồi, ông bắt đầu tìm những vùng đất thấp, gần suối, hồ để lập nông trang cho mình. “Kinh nghiệm cho thấy, ở vùng đất khắc nghiệt này, đất thấp trồng mía, đất cao trồng mì” - ông Thất chia sẻ.
Có đất nhiều đã khó, tìm được nước giữa vùng hạn cũng khó, nhưng cái khó lớn nhất của nghề làm nông lại là đầu ra của sản phẩm hàng hóa. Nghĩ thế, ông Thất bán dần 50ha đất bạc màu đang có rồi mua dần những mảnh đất thấp, gần suối để tận dụng lợi thế nước có sẵn khi thiên nhiên quá khô hạn khắc nghiệt. Cứ thế ông tích tụ dần để có 15ha đất như hiện nay. Ông bảo, ưu thế của các vùng đất gần các con suối là có thể tận dụng được ngay nguồn nước mặt mà không cần phải đào, khoan, nên dù có hạn, vườn mía nhà ông vẫn luôn có đủ nước để tưới và không mất thêm chi phí. Chỉ có điều, để có được đất gần suối ông phải đi gom nhiều mảnh đất lại rồi mất công khai phá, cải tạo đất. Đặc biệt cần phải biết thiết kế các hệ thống rãnh nước chảy tự nhiên vào ruộng mía.
Khi có được đất, ông Thất chí thú làm ăn. Ông dốc vốn vào đầu tư nông trang mía. Cũng bởi vậy, ngoài công việc là một doanh nghiệp thu mua nông sản, chỉ riêng trồng mía, doanh thu của ông Thất hàng năm gần 1 tỷ đồng.
“Nông dân mình vốn cần cù, sáng tạo nhưng chỉ có thế vẫn chưa đủ, nông dân còn cần phải có vốn lớn, đất rộng, phải biết tính toán đầu ra, đầu vào, tìm kiếm thị trường. Nói chung, nông dân thời buổi này phải có tính chí thú làm ăn của một người nông dân và cái đầu của một doanh nghiệp” - ông Thất đúc kết.
“Ngân hàng” không thu lãi
Thật ra, để trở thành điền chủ như hôm nay, lão nông Nguyễn Thất đã phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt với hai bàn tay trắng. Ông kể, năm 1980, lấy vợ ra riêng chỉ với 2 lon gạo, 3 cái chén, 1 cái đĩa. “Tôi cất một cái chòi lá tạm bợ dựa vào vách của một ngôi chùa để che nắng che mưa và cứ thế cày thuê cuốc mướn để tồn tại” - ông Thất nhớ lại.
Dành dụm được ít vốn, ông đi tìm những mảnh ruộng cằn cỗi rồi thuê lại với giá rẻ để trồng mía, trồng mì, cũng như lộc cộc đi thu mua mía, ép mật bán cho các công ty mía đường. Và đến năm 2001 thì ông đổi đời… như câu chuyện mà chúng tôi đã nhắc ở trên.
Ông Thất tâm sự: “Thời tiết ở đây khắc nghiệt lắm, khô hạn quanh năm. Một năm nông dân chỉ trông chờ vào 3 tháng mưa. Vì vậy, nông dân chúng tôi phải nỗ lực, cần cù hơn người mới có cái ăn”.
Để chứng minh “tính nỗ lực hơn người” của mình, lão nông Nguyễn Thất dẫn tôi đi xem khu vực nuôi cừu vỗ béo mà ông mới gây dựng. Hơn 100 con cừu gầy trơ xương đang được ông mua lại rồi thuê nhân công chăn dắt. Ông bảo thời gian khô hạn khốc liệt vừa qua khiến cho nhiều đàn cừu của nông dân ở đây gầy trơ xương hoặc chết đói vì thiếu nước, thiếu thức ăn.
“Tội cho bà con, giá cừu hiện nay rẻ lắm. Tôi mua lại số cừu suy kiệt này một phần cũng muốn giúp bà con nghèo thu lại ít nhiều đồng vốn bỏ ra đầu tư nuôi cừu, một phần cũng muốn tận dụng cơ hội này để vỗ béo chúng mong bán lại khi giá tăng, tôi cũng dự kiến sẽ nâng tiếp số lượng đàn cừu lên”, ông tâm sự.
Nhắc đến lão nông Nguyễn Thất, ông Chín Ngọt (Nguyễn Văn Ngọt – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận) tỏ ra khâm phục: “Ông Thất đúng là một nông dân điển hình. Từ hai bàn tay trắng, do cần cù, sáng tạo lao động, ông đã vươn lên làm giàu rồi quay lại giúp đỡ người nghèo vượt qua khó khăn”. Dẫn chứng cho nhận xét ấy, ông Ngọt cho biết, ông Thất là người luôn biết sẻ chia với những người khó khăn hơn mình.
Trong những việc làm chia sẻ với xã hội, lâu nay ông Thất vẫn “kín như bưng”, đó là ông thành lập “ngân hàng không lấy lãi” dành cho người nghèo. Hơn 10 năm nay, ngân hàng này vẫn “chạy tốt” với số vốn cho vay mỗi năm khoảng 100 triệu đồng.
Theo đó, công ty ông có khoảng 200 công nhân, hầu hết đều là những người có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, mục đích của ông là lập ngân hàng để hỗ trợ họ cải thiện đời sống kinh tế gia đình, giúp vượt qua tình huống bệnh tật… hay cho vay để phát triển sản xuất.
Cứ thế, mỗi trường hợp ít cũng vay được vài ba triệu đồng, nhiều thì chục triệu để dùng vào lúc ốm đau hay cần tiền để mua vật tư nông nghiệp. “Ngày tôi chân ướt chân ráo bước ra đời với hai bàn tay trắng và cái chòi lá dựa cạnh ngôi chùa, chính xã hội đã cưu mang, giúp đỡ tôi được như hôm nay. Giờ có điều kiện tôi muốn chia sẻ lại với những người khốn khó, xem như một cách để tri ân” - ông Thất chia sẻ.
Chia tay chúng tôi, ông Thất chỉ bảo: “Đã làm cái nghề nông, thì phải biết thích ứng, biết tìm cách để sống chung với hạn hán như ở Ninh Thuận chúng tôi, chứ cứ ngồi một chỗ đợi trời mưa thì chỉ có đói, có nghèo”.
Có thể bạn quan tâm
Theo dự báo thời tiết từ tháng 3 đến tháng 4 diễn biến rất phức tạp, đây là giai đoạn tôm thiệt hại cao nhất đã được thống kê, rút kinh nghiệm từ nhiều năm qua. Ngành Nông nghiệp Sóc Trăng khuyến cáo các vùng nuôi tôm nước lợ trong tỉnh không nên thả giống để tránh thiệt hại mà tập trung vào khâu xử lý ao nuôi, thận trọng hơn trong chọn giống để hạn chế thấp nhất rủi ro cho vụ nuôi năm 2014
Tuy không khí ngày xuân đang tràn ngập ở các địa phương trong tỉnh nhưng để đảm bảo tiến độ thời vụ, ngay trong những ngày đầu năm mới Giáp Ngọ, nông dân xã Hùng Sơn, Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã tiếp tục xuống đồng chăm sóc cây lúa và hoa màu.
Tới ngã ba Liên Khương (Đức Trọng) còn phải đi thêm một đoạn đường hơn 10km mới đến trang trại của các anh Nguyễn Anh Dũng, Nguyễn Phú Quốc. Con đường dẫn vào trang trại được trải nhựa phẳng, hai bên là vườn cà phê đang chín.
Thực hiện Dự án “Tái tạo, thả bổ sung giống thủy sản tại một số cửa sông nội đồng, ven biển tỉnh Cà Mau”, ngày 15/3, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh phối hợp với UBND thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời tổ chức thả hơn 600.000 con giống thủy sản tại cửa biển Sông Đốc.
Xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) có diện tích nuôi thủy sản khá lớn trên 890ha (chủ yếu nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng).