Từ Phận Nghèo Thành Ông Chủ
Những năm qua, Hội ND và chi nhánh Ngân hàng CSXH Hà Nội đã tích cực phối hợp để hộ nghèo được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập...
Theo Hội ND Hà Nội, dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn thành phố thông qua ủy thác cho vay giữa Hội và chi nhánh Ngân hàng CSXH thành phố hiện là hơn 961 tỷ đồng. Nguồn vốn ưu đãi đang giúp hơn 67.300 hộ nghèo có vốn phát triển sản xuất; tạo việc làm; giúp học sinh, sinh viên đi học; xây dựng nhà; cải tạo, nâng cấp các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường…
Sự giúp đỡ chí tình
Cách đây 8 năm, gia đình anh Mai Thế Khẩn, phường Thanh Trì (Hoàng Mai) hết sức éo le. Bố mẹ mất sớm, một mình anh phải cáng đáng nuôi các em ăn học. Năm 2005, anh được Trường Dạy nghề Hoa Sữa nhận dạy miễn phí nghề làm bánh ngọt. Học nghề xong, anh được Ngân hàng CSXH cho vay vốn để mở lò làm bánh. Từ quy mô nhỏ, đến nay anh đã mở rộng thành cơ cở sản xuất bánh ngọt có uy tín, sản phẩm tiêu thụ tại nhiều siêu thị. Hiện cơ sở bánh ngọt của anh đang tạo việc làm cho 20 công nhân với mức lương từ 2,5 - 4 triệu đồng/người/tháng… “Có được vị thế như ngày hôm nay, tôi đã nhận được nhiều sự giúp đỡ, trong đó có Hội ND, Ngân hàng CSXH…”- anh Khẩn thổ lộ.
Qua tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội ND, năm 2008, ông Phùng Hữu Cường, xã Đồng Thái (Ba Vì) vay 20 triệu đồng vốn tín dụng ưu đãi hộ nghèo từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH. Chỉ sau 1 năm sử dụng vốn, gia đình ông Cường đã hoàn trả đủ cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng. “Có vốn, tôi mua bò thịt về vỗ béo. Bán bò, ngoài số tiền trả gốc, lãi cho ngân hàng, nhà tôi vẫn còn tiền dư. Tôi dùng số tiền dư này tiếp tục nuôi bò vỗ béo, rồi bò sinh sản…” - ông Cường chia sẻ…
Sử dụng hiệu quả đồng vốn
Qua 10 năm (2003-2012) thực hiện chương trình ủy thác giữa Hội ND và chi nhánh Ngân hàng CSXH, không chỉ đưa quy mô tín dụng, số hộ được hưởng lợi trên địa bàn Hà Nội tăng mà chất lượng tín dụng cũng ngày càng được củng cố. Theo đó, năm 2004, tỷ lệ nợ quá hạn ở mức 0,79% thì năm 2012 đã giảm xuống còn hơn 0,38%. Lý giải về điều này, bà Dương Thị Hằng - Phó Chủ tịch Hội ND Hà Nội cho biết: “Cùng với giải ngân tín dụng, các cấp hội ND thành phố thực hiện việc tập huấn, tổ chức chuyển giao tiến bộ khoa học, khuyến nông, khuyến công cho các hộ vay vốn. Bên cạnh đó, các cấp hội còn xây dựng hàng ngàn mô hình sản xuất để tổ chức cho ND vay vốn, tham quan, trao đổi kinh nghiệm. Một trong những hoạt động của Hội giúp ND sử dụng hiệu quả vốn vay là tổ chức dạy nghề, chuyển nghề…”.
Hoạt động tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT cho ND vay vốn được Hội ND Hà Nội căn cứ vào đặc điểm sản xuất, thế mạnh nông nghiệp của mỗi quận, huyện. Đối với những quận còn ít đất nông nghiệp, vốn tín dụng ưu đãi được Hội gắn với hoạt động dạy nghề, chuyển nghề.
Bà Bùi Ngọc Thủy - Phó Chủ tịch Hội ND quận Hoàng Mai cho hay: “Bên cạnh việc phối hợp với ngành LĐTBXH tổ chức các lớp dạy nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp, các cấp hội trong quận còn vận động, hỗ trợ hội viên chuyển sang các nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ…”. Trên địa bàn quận Hoàng Mai, nhờ được hỗ trợ vốn ưu đãi, đã có 115 hộ chuyển nghề, tạo nghề mới, vừa tạo việc làm cho gia đình vừa thu hút thêm hàng trăm lao động ở địa phương…
Có thể bạn quan tâm
Một số thương lái đang tìm mua cau non ở các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với giá cao. Theo các ngành chức năng, người dân cần cảnh giác, không nên thấy giá cao mà đốn bỏ những loại cây đặc sản của địa phương để trồng cau.
Khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất do nắng hạn kéo dài, thời gian qua, nhiều nông dân tại xã Lợi Hải (Thuận Bắc - Ninh Thuận) đã chủ động khoan giếng, lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, góp phần giảm công lao động, tăng năng suất cây trồng, ổn định cuộc sống.
Thông tin từ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.477 ha lúa xuân bị nhiễm rầy, tập trung chủ yếu tại các huyện: Bát Xát, Bảo Thắng, Văn Bàn, Mường Khương và thành phố Lào Cai.
Vụ khoai mỡ năm 2015, nông dân vùng Đồng Tháp Mười huyện Tân Phước (Tiền Giang) xuống giống được 413 ha. Đầu tháng 5/2015, bà con đã thu hoạch được tổng cộng 350 ha, đạt trên 70% diện tích. Khoai mỡ trúng mùa, được giá, nông dân lãi cao, rất phấn khởi.
Hồ tiêu trở thành hiện tượng cá biệt so với các mặt hàng nông sản xuất khẩu khác của Việt Nam khi điệp khúc “được mùa, mất giá” không diễn ra từ năm 2007 đến nay. Giá hồ tiêu nông dân bán luôn ở mức cao và theo xu hướng năm sau cao hơn năm trước, hiện nay ở mức cao kỷ lục 200.000 đồng/kg.