Từ Làm Thuê Thành Tỉ Phú Chè Ô Long

Mạnh dạn, kiên trì với hướng đi mình lựa chọn, anh Trần Văn Phi (48 tuổi, TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng) đã trở thành tỉ phú với cây chè Ô Long.
Vào vườn chè của anh Trần Văn Phi ở xã Lộc Tân (H.Bảo Lâm), chúng tôi được chiêm ngưỡng cả một đồi chè Ô Long ngút ngàn với những luống chè xanh mướt và đều tăm tắp. Anh Phi cho biết: “Vườn chè Ô Long giống Kim Tuyên này rộng hơn 5 ha, sản lượng đạt 4.000 - 5.000 kg/ha/lứa (mỗi năm thu 6 lứa), cao gấp đôi sản lượng của các công ty nước ngoài trồng ở đây. Nhờ được trồng theo quy trình an toàn, sản phẩm đạt chất lượng nên không phải lo lắng đầu ra. Mỗi năm sau khi trừ chi phí, lợi nhuận tôi thu được 1,4 - 1,5 tỉ đồng”.
Theo anh Trần Văn Phi, có được thành công này là nhờ cách nghĩ, cách làm và kinh nghiệm đúc rút được sau nhiều năm anh làm thuê cho các công ty nước ngoài ở Lâm Đồng. Anh Phi kể năm 1993, anh xin làm công nhân cho một công ty Đài Loan chuyên trồng, sản xuất chè chất lượng cao.
Trong quá trình này, anh mày mò học hỏi kinh nghiệm, học kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hái chè chất lượng cao của họ. Nhờ có năng lực, anh được ông chủ tin tưởng giao làm kỹ thuật, phó giám đốc, rồi giám đốc nông trường chè quản lý hàng chục kỹ sư, công nhân lao động.
“Tuy nhiên, tôi vẫn luôn nghĩ, dù có làm đến chức gì đi nữa thì vẫn là làm thuê cho ông chủ người nước ngoài. Tại sao đất của mình, nhân lực của mình mà người nước ngoài cách cả ngàn dặm lại tới làm ăn có hiệu quả còn mình thì sao không làm được? Từ đó tôi suy nghĩ cách làm mới, độc lập tự chủ cho riêng mình, rồi tích cóp tiền mua 3 sào đất ở xã Lộc Tân bắt đầu trồng chè Ô Long chất lượng cao khởi nghiệp”, anh Phi cho hay. Năm 2006, anh quyết định bỏ làm giám đốc nông trường, vào Lộc Tân tiếp tục trồng chè.
Ban đầu, diện tích nhỏ, mới trồng nên năng suất không cao, nhưng anh vẫn kiên trì và cuối cùng đã lựa chọn được giống chè Kim Tuyên phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở đây. Cùng với đó, anh thực hiện phương án “lấy ngắn nuôi dài”, tiền lãi thu được liền đầu tư mua đất trồng chè và đạt kết quả như ngày hôm nay.
“Cây chè Ô Long này cũng như con người vậy, muốn phát triển toàn diện thì không chỉ ăn no là được mà cần phải đầy đủ chất và cân đối.
Bởi vậy, mình không thể chỉ bón phân ào ào vào là xong, bón phân nhiều cây bội thực, phun thuốc không đúng thì cây bị ngộ độc, nên phải biết bón phân đầy đủ và đảm bảo các thành phần đa lượng, trung lượng, vi lượng cho thật cân đối. Ngoài ra, với thổ nhưỡng ở đây, cần thường xuyên xử lý đất và làm tơi xốp tạo cho đất thoáng.
Quan trọng hơn, phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi để phát hiện sớm cây bị sâu bệnh gì để trị, hay cây bị thiếu chất gì mà bổ sung cho phù hợp...”, anh Phi chia sẻ.
Nguồn bài viết: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20141208/tu-tao-co-hoi-ky-85-tu-lam-thue-thanh-ti-phu-che-o-long.aspx
Có thể bạn quan tâm

Nuôi chình bông đạt năng suất cao không khó, nên giữ cho nước nuôi trong bể xi măng trong lành, tạo thêm oxy, cho ăn đầy đủ, cá chình tiêu thụ thức ăn không nhiều lắm nên tiết kiệm chi phí cho nhà nông.

Dù được dự báo là tình hình xuất khẩu gạo sẽ khả quan hơn trong vòng 6 tháng cuối năm, nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp (DN) cần tiếp tục thay đổi chiến lược xuất khẩu, xuất khẩu theo nhu cầu, mở rộng thêm thị trường mới…

Ông Ngô Văn Xuân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoà Liên (Hoà Vang, Đà Nẵng) cho biết, tại thôn Trường Định, xã Hoà Liên, có 33 hộ nông dân nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích 26ha. Hiện nay, con tôm đang ở thời kỳ từ 1 tháng rưỡi đến 2 tháng tuổi. Gần đây, bỗng dưng tôm chết hàng loạt làm cho người nuôi điêu đứng.

Ông Lê Thanh Trị (58 tuổi), ở xã Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng, vừa công bố chế tạo thành công chiếc máy tách vỏ xanh quả mắc ca. Chưa hết, ông Trị còn sắp cho ra đời thêm 2 loại máy là máy tách vỏ cứng, máy sấy mắc ca, để hoàn thành dây chuyền bóc tách vỏ và sấy khô mắc ca.

Hàng chục ha thanh long bị thối rễ, teo tóp cành là do nguyên nhân gì? Viện Bảo vệ thực vật đã lấy mẫu đất, rễ để xét nghiệm…