Tưới Cà Phê Bằng Béc Phun Tự Động Đem Lại Nhiều Lợi Ích Cho Nhà Nông

Những năm gần đây, việc phát triển hình thức tưới cà phê bằng béc phun mưa tự động đã đem lại nhiều tiện ích thiết thực, đặc biệt làm giảm đi phần nào gánh nặng về tình trạng thiếu hụt nguồn nước tưới trong mùa khô đối với người trồng cà phê…
Trước đây, phần lớn người dân thường áp dụng hình thức tưới tràn cho cà phê, có nghĩa là mỗi máy bơm chỉ có một vòi (ống) bơm, người dân phải vất vả kéo ống đi từng gốc cà phê để tưới. Tính ra mỗi héc-ta cà phê “ngốn” hết từ 4.500-5.000m3 nước/đợt tưới (mỗi năm 3 đợt tưới).
Phương pháp này không những tiêu tốn nước tưới rất lớn mà còn làm trôi đi phần nào lượng phân bón và ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng. Quan trọng hơn, những năm thời tiết bất lợi, gây ra tình trạng hạn hán kéo dài đã làm cho các nguồn nước trên sông, suối và các hồ chứa thủy lợi nhanh chóng bị cạn kiệt. Điều này khiến nguồn nước tưới bị thiếu nghiêm trọng.
Những năm gần đây, phương pháp tưới tràn không còn phổ biến như trước nữa, thay vào đó, nhiều hộ dân trong tỉnh đã lắp đặt hệ thống tưới nước bằng béc phun tự động đem lại những tiện ích bất ngờ. Theo đánh giá của người dân, việc tưới nước bằng béc phun này có thể tiết kiệm tới 30% lượng nước tưới và lượng điện tiêu thụ cũng giảm khoảng 40% so với cách tưới tràn.
Anh Đinh Văn Toản ở xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn - DakLak) chia sẻ: Gia đình anh có 1 ha cà phê, trước đây mỗi đợt tưới anh phải “huy động” cả gia đình 4 nhân lực gồm vợ chồng anh và 2 con thay phiên nhau đi từng gốc cà phê để tưới tràn, rất vất vả. Thường phải tưới khoảng 2 ngày/mỗi đợt, và mỗi ngày phải mất khoảng 10 giờ đồng hồ. Năm 2012, anh đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước bằng béc dạng phun mưa tự động.
Theo đó, 1 ha cà phê anh Toản lắp đặt 14 béc tưới và chỉ sử dụng 1 máy bơm động lực. Khi tưới anh chỉ cần đóng cầu dao là hệ thống tưới bằng béc này sẽ tự động tưới, trung bình mỗi đợt chỉ mất khoảng 8 - 10 giờ là đủ lượng nước cần thiết cho cà phê phát triển.
Giờ đây, việc tưới cà phê đã không cần đến nhiều nhân lực như trước đây nữa mà mỗi đợt tưới, gia đình anh lại tiết kiệm được khoảng 500 nghìn đồng tiền điện so với cách tưới như trước. Cũng như nhiều hộ dân khác trong vùng, vừa qua gia đình anh Đặng Tấn Việt ở xã Ea Hu, huyện Cư Kuin cũng đầu tư hệ thống béc tưới nước cho 5 sào cà phê nhà mình.
Theo anh Việt, hiện nay bà con đang bước vào giai đoạn tưới nước đợt 2 cho cà phê. Khác với những năm trước cứ bước vào đầu đợt tưới lần 2 thì hầu hết các hồ, suối, hồ và các giếng của người dân trong vùng gần như đều cạn nước, thế nhưng, từ khi đa số bà con trong vùng chuyển sang tưới bằng béc tự động thì hiện nay lượng nước tưới vẫn còn khá dồi dào, đủ để tưới cho hết đợt 3 của cà phê nên tâm lý người dân rất phấn khởi. Cũng theo anh Việt, cách tưới nước này không chỉ làm giảm lượng thất thoát nước không cần thiết, tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất mà còn giúp đất bề mặt trong bồn gốc cà phê luôn tơi xốp, thoáng khí cho rễ, giúp cây hấp thụ phân bón nhanh hơn.
Một điều lợi nữa là hệ thống tưới nước tự động là dạng phun mưa từ trên cao xuống, nên nước sẽ tỏa đều trên bề mặt lá, cây vì vậy sẽ giúp cho cây trồng giữ được cả độ ẩm trên thân, khiến việc ra hoa đều hơn, khả năng đậu quả cao, đồng thời sẽ rửa trôi các mầm sâu bệnh thường xuất hiện trên lá, thân cây cà phê như rệp, sâu, rỉ sắt… mà việc tưới tràn theo từng gốc không thể làm được điều này.
Áp dụng hình thức tưới nước bằng béc phun tự động đang đem lại những lợi ích không nhỏ cho người trồng cà phê trong tỉnh. Song nhìn chung, việc áp dụng còn mang tính tự phát và làm theo kinh nghiệm, chủ yếu là bà con học hỏi lẫn nhau hoặc vừa làm vừa rút kinh nghiệm, ít khi được các chuyên gia, các nhà khoa học hướng dẫn cũng như chưa có sự tham gia thiết kế cả hệ thống của các doanh nghiệp.
Theo phần lớn ý kiến của người dân trong tỉnh thì hiện nay, bà con có nhu cầu rất lớn về việc được tư vấn, thiết kế, lắp đặt, sản xuất hệ thống tưới tự động có quy mô lớn, khoa học, nhất là các vùng chuyên canh cây trồng, vì vậy rất cần các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quan tâm đầu tư lĩnh vực này. Một mặt tư vấn, giúp đỡ nông dân, đồng thời đây cũng là một lĩnh vực đầu tư khá mới mẻ và hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả lâu dài cho cả đôi bên.
Có thể bạn quan tâm

Bất chấp tình hình bất ổn trên biển Đông, giao thương tuyến biên giới Việt – Trung vẫn duy trì được đà phát triển với mức tăng trưởng bình quân 4%/tháng.

Tính đến thời điểm này, nông dân huyện Tân Phước tập trung lên liếp được 250 ha, nâng đến nay toàn huyện có 15.500 ha khóm, đạt 98% so với kế hoạch năm, tăng 587 ha so với cùng kỳ năm 2013.

Theo VASEP, năm 2014 sẽ là một năm thắng lợi của ngành thủy sản, trong đó chủ yếu dựa vào mặt hàng tôm. Các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, EU đều khá khả quan. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nửa đầu năm 2014, kết quả kinh doanh các doanh nghiệp ngành thủy sản tương đối khả quan, khi sản lượng nuôi trồng, khai thác và tiêu thụ đều tăng so với cùng kỳ.

Theo đánh giá của chuyên gia, giống lợn Móng Cái có khả năng sinh sản cao, thích nghi được với nhiều môi trường, không kén chọn thức ăn và rất phàm ăn. Đặc biệt, có sức chống chịu bệnh tật rất tốt và chất lượng thịt thơm ngon hơn các giống lợn khác nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Từ một người làm công trên những chuyến tàu đánh bắt hải sản (HS) đã trở thành một ông chủ doanh nghiệp với hơn 10 chiếc tàu đánh bắt HS công suất lớn. Đó là ông Lê Văn Hồng, Phường 2, TP. Mỹ Tho, chủ đội tàu khai thác HS ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.