Từ chất cấm nghĩ về TPP
Theo đánh giá, một số ngành sẽ được hưởng lợi lớn (như dệt may) nhưng cũng có những lĩnh vực sẽ gặp khó khăn khi phải cạnh tranh trực tiếp với những đối thủ lớn hơn mình, mà điển hình là chăn nuôi.
Ngoài thách thức, vào TPP, ngành chăn nuôi cũng có cơ hội đổi mới công nghệ, nhập con giống tốt để nâng cao sức cạnh tranh.
Được dự báo là ngành chịu tổn thương nhiều nhất nhưng cho đến lúc này, dường như ngành chăn nuôi trong nước vẫn chưa “qua cơn mê”.
Hết chất tạo nạc đến Vàng - ô
Khi vụ việc nhiều trang trại phía Nam bị phát hiện dùng chất tạo nạc (Salbutamol) để giúp heo tăng lượng nạc, giảm mỡ, hình thức đẹp còn chưa lắng xuống thì mới đây thông tin nhiều cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi dùng loại hóa chất vốn chỉ được dùng trong ngành xây dựng và dệt nhuộm để tạo màu vàng cho sản phẩm cũng như tạo độ vàng, bóng cho da gà khiến nhiều người giật mình.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ Nông nghiệp và PTNT), qua nguồn tin tố giác của người dân, Thanh tra Bộ đã phát hiện một chất cấm mới trong thức ăn chăn nuôi (chủ yếu dành cho gà) có tác dụng giúp da gà có màu vàng, bóng bắt mắt.
“Sau khi tham khảo Học viện Nông nghiệp và Viện Chăn nuôi, chúng tôi xác định chất này có tên là Vàng – ô (VAT Yellow), trong quá trình thực nghiệm trên động vật cho thấy, chất này có thể gây ung thư”, ông Dũng nói.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết, Vàng-ô là hóa chất được nhập khẩu về từ nước ngoài, dùng để nhuộm màu sợi vải hoặc được sử dụng làm nguyên liệu làm ve quét tường trong ngành xây dựng.
Chất này không được phép sử dụng trong thực phẩm vì nó có hại cho sức khỏe của con người khi ăn các loại thịt còn tồn dư chất này.
“Trong quá trình chăn nuôi, người nuôi sử dụng chất Vàng-ô trộn vào thức ăn để tạo màu vàng đẹp, bắt mắt, vốn được thị trường ưa chuộng”, ông Dương nói.
Ông Dương cũng cho hay, tập quán tiêu dùng của người Việt (thích ăn những loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt) đã vô hình chung tiếp tay cho một bộ phận người chăn nuôi sử dụng các loại chất cấm hoặc không có trong danh mục cho phép để tạo màu sắc cho thịt.
“Thực tế, nếu sử dụng bột ngô để tạo màu cho thức ăn thì giá thành sản xuất sẽ tăng nên để thu lợi nhuận, một số cơ sở sản xuất đã dùng chất tạo màu trong xây dựng trộn vào thức ăn chăn nuôi”.
Liên quan đến việc sử dụng chất tạo nạc, ông Dương cho biết, vừa qua, Cục Chăn nuôi đã phối hợp với các nhà khoa học sản xuất thử nghiệm thành công que thử nhanh chất cấm.
Với dụng cụ này, chỉ cần nhỏ nước tiểu heo vào sau 5 phút, nếu chữ T không mất đi là có chất cấm, còn nếu chữ T biến mất thì lợn đó không có chất cấm.
“Tuy nhiên, theo tôi, điều quan trọng nhất là phải xã hội hóa công tác giám sát, tố giác.
Người chăn nuôi chân chính, người tiêu dùng phải vào cuộc, tố giác, tẩy chay những người làm ăn gian dối để bảo vệ hình ảnh của chăn nuôi Việt Nam và quyền lợi của người tiêu dùng”, ông Dương nhấn mạnh.
Như vậy, chỉ trong vòng vài tháng, hàng loạt vụ việc liên quan đến việc sử dụng chất cấm hoặc chất không có trong danh mục cho phép được phát hiện trong chăn nuôi.
Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu việc sử dụng “chất cấm” được phát giác mà nó đã “nóng” lên từ nhiều năm trước, ngay cả việc sử dụng chất Vàng - ô, ngành chức năng đã phát hiện thấy từ năm 2014 tại Hải Phòng.
Vậy tại sao, tình trạng không những không giảm mà ngày càng tinh vi, khó lường hơn?
Đơn cử, theo báo cáo của Chi cục Thú y TP.Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2015, Chi cục đã lấy 227 mẫu nước tiểu heo giết mổ của 51 lô, phát hiện 31 mẫu dương tính với Salbutamol với hàm lượng cao từ 80 - 1.300 ppb thuộc 7 lô heo.
Trong 7 lô heo dương tính với Salbutamol có 4 trường hợp có nguồn gốc xuất xứ từ Đồng Nai, 2 trường hợp ở Tiền Giang và 1 ở Long An.
Trong quá trình làm việc với đoàn thanh tra, Chi cục Thú y Đồng Nai cũng thông tin, sau khi có thông tin việc sử dụng chất cấm có dấu hiệu bùng phát, Chi cục đã kiểm tra 44 trong số gần 2.000 trang trại trên địa bàn và phát hiện 14 trang trại có heo dương tính với Salbutamol, tập trung tại hai huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom và TP.Biên Hòa.
Ngoài ra, Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Nai cũng phải hiện 1 đại lý bán sản phẩm chứa Salbutamol.
Đến với TPP bằng gì?
Nhìn lại thực trạng “đen tối’ này, hẳn nhiều người sẽ phải đặt câu hỏi:
Vậy ngành chăn nuôi sẽ đến với TPP bằng gì, chẳng lẽ bằng những sản phẩm còn tồn dư kháng sinh và hóa chất, chẳng lẽ bằng con lợn cắp nách nuôi cả năm mới lớn của đồng bào hay bằng con gà chạy bộ?
Như vậy, có thể thấy, chúng ta không thể đổ lỗi cho thị trường mà phải nhìn nhận từ chính những mâu thuẫn nội tại, từ chính cách làm “ăn xổi ở thì”, manh mún, nhỏ lẻ, không đặt quyền lợi của người tiêu dùng lên trên hết.
Bởi nếu cứ giữ cách làm này, không cần đến khi các điều khoản trong TPP có hiệu lực, ngành chăn nuôi sẽ “chìm”.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn, tham gia TPP là chúng ta được “bơi” trong một thị trường rộng lớn của 12 quốc gia, với dân số khoảng 600 triệu người.
Khu vực này cũng chiếm 40% GDP toàn cầu và 26% giá trị hàng hóa luân chuyển thương mại toàn cầu.
Điều này sẽ giúp Việt Nam có cơ hội giảm áp lực phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống nhưng lại biến động bất thường, nhiều rủi ro (mà điển hình là Trung Quốc.
Mở ra những thị trường rộng lớn trong khuôn khổ TPP, Việt Nam có thể điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất - nhập khẩu nông nghiệp linh hoạt hơn, tốt hơn.
Thứ hai là, ngay sau khi TPP có hiệu lực, hầu hết các mặt hàng nông sản sẽ giảm thuế xuống hơn 90%, có mặt hàng xuống 0%, trong đó, Việt Nam có nhiều mặt hàng lợi thế như thủy sản và đồ gỗ.
Những tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ vào Mỹ chiếm tới 39%, Nhật Bản 19%; con số này với thủy sản lần lượt là 19% và 16%.
Thứ ba là, khi mở rộng thông thương sẽ thu hút được vốn đầu tư nước ngoài. “Hiện, đầu tư FDI vào nông nghiệp khá ít.
Tính đến cuối năm 2014, cả nước chỉ có 512 dự án FDI đầu tư vào nông nghiệp, chiếm tỷ lệ 3,4% số doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam; giá trị vốn cam kết 3,4 tỷ USD, chiếm 1,4% tổng vốn.
Đây là cơ hội để chúng ta áp dụng công nghệ, cách quản lý mới”, ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, chúng ta cũng phải đối mặt với không ít thách thức, nhất là ngành chăn nuôi sẽ gặp khó khăn
. Hiện, quy mô sản xuất chủ yếu vẫn nhỏ lẻ, manh mún; doanh nghiệp (DN) cũng hầu hết thuộc diện nhỏ và vừa.
Cả nước có khoảng 3.500 DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 1,01% tổng số DN cả nước, trong đó, DN có vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm tới 65%. “Đã là sân chơi chung, luật chung thì ai mạnh người ấy thắng.
Nếu vẫn duy trì sản xuất như hiện nay thì chắc chắn sẽ thua”, ông Tuấn cảnh báo.
Trong một sân chơi chung, chiến thắng chỉ dành cho những ai biết khắc phục điểm yếu, phát huy tốt lợi thế.
Nhìn lại ngành chăn nuôi, nếu không chấm dứt kiểu sản xuất tùy tiện thì chắc chắn nông dân sẽ phải “nếm trái đắng”, còn người tiêu dùng đến một lúc nào đó cũng mất niềm tin, khi đó những sản phẩm ngoại nhập, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giá cả phải chăng sẽ thắng.
Bây giờ là lúc người chăn nuôi phải tự thay đổi, nếu không muốn “kéo nhau” xuống “bùn”. Không còn chỗ cho sự lưỡng lự!
Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho rằng, bên cạnh thách thức, các nước trong khối TPP có công nghệ chăn nuôi tiên tiến, giống tốt, do đó Việt Nam sẽ có cơ hội đưa những công nghệ này vào sản xuất trong nước và nhập giống mới để tăng tính cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Mất mùa, rớt giá đã làm nhiều người dân ở thủ phủ thanh long Bình Thuận lao đao
Ngày 19-11, UBND huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) tổ chức Lễ ký kết hợp đồng tiêu thụ cam sành sạch VietGAP giữa Công ty cổ phần Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam (Hà Nội) với Ban quản lý Xây dựng thương hiệu cam sành Hàm Yên.
Hội đồng KH & CN huyện Châu Thành (Hậu Giang) vừa thông qua đề tài “Tìm hiểu nguyên nhân hiện tượng chanh lá đứng và đề xuất biện pháp phòng chống” do thạc sĩ Trần Hồng Đức, Phó trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, làm chủ nhiệm.
Thời gian gần đây, tại các vùng nông thôn ở Long An xuất hiện một số người mang giống gà lạ về bán cho bà con nuôi thử
Ông Vũ Ngọc Hà, thôn Đươi, xã Đoàn Thượng (huyện Gia Lộc) cho biết, trồng dưa lê chất lượng cao đầu tư nhiều hơn nhưng mỗi sào cho lãi cao hơn 1,5 – 2 lần trồng dưa thường.