Bình Phước Nuôi Hươu Lấy Lộc Làm Giàu
Hiện nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang nuôi hươu lấy nhung để phát triển kinh tế. Nhiều hộ thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình này. Thu gần 200 triệu đồng/năm chỉ từ 12 con hươu của gia đình ông Nguyễn Viết Long ở ấp 54, xã Lộc An (Lộc Ninh) là minh chứng.
12 con hươu thu 200 triệu/năm
Ông Long cho biết: “Đất Bình Phước phù hợp nuôi hươu bởi có nguồn thức ăn dồi dào: mùa mưa thì có cỏ, mùa khô thì tìm lá mít, cây anh đào. Hươu là động vật hoang dã, sức đề kháng cao nên ít bị bệnh, dễ nuôi... Năm 2010, gia đình tôi mua hươu về nuôi. Nhưng muốn hươu sinh trưởng và phát triển tốt phải biết rõ đặc tính, cách chăm sóc và chế độ dinh dưỡng. Tôi phải về tận Hà Tĩnh để học tập kinh nghiệm”.
Hiện gia đình ông Long có 5 con hươu sinh sản và 7 con hươu cho nhung. Trừ chi phí, gia đình thu gần 200 triệu đồng/năm từ bán con giống và nhung. Hươu đực khoảng 2 năm tuổi cho nhung lần đầu, người ta thường gọi là choc. Sau lần cắt choc trở đi, hươu sẽ cho lộc (nhung). Một năm hươu cho nhung 2 lần vào mùa xuân. Thời gian ra nhung đến khi cắt từ 50 đến 55 ngày. Trung bình mỗi cặp nhung nặng từ 0,5 đến 1,2kg.
Không nên cắt nhung quá sớm hay quá muộn làm ảnh hưởng đến chất lượng hoặc nhung đã phát triển thành sừng. Muốn chất lượng nhung tốt, trong thời gian ra nhung phải cho hươu ăn nhiều loại lá cây và thêm thức ăn tinh bột. “Trước khi cắt nhung phải chuẩn bị lá cây có tác dụng cầm máu giã nhỏ trộn thêm ít bột ngọt. Muốn hươu không mất sức, sau khi cắt phải cho ăn nhiều hơn. Một con hươu nếu nuôi tốt có thể cho nhung trong suốt 20 năm” - ông Long chia sẻ.
Nhung hươu - vị thuốc quý
Sau khi cắt, nhung cần phải sơ chế để khỏi bị hư. Trước hết rửa sạch bụi bẩn, lấy dây buộc chặt phần hở của nhung và cho phần này vào nước sôi 3 - 4 lần (15 - 20 phút/lần). Khi thấy có bọt ở miệng cắt và nhung có mùi thơm như lòng đỏ trứng gà luộc chín thì đem phơi hoặc sấy khô để dùng dần.
Hiện trên thị trường nhu cầu mua nhung hươu khá lớn vì nhiều người ưa chuộng. Một lạng nhung, ông Long bán 2 triệu đồng. Ông Long cho biết: “Mỗi năm, đàn hươu cho 10kg nhung nên khách phải đặt trước. Người mua chủ yếu dùng để ngâm rượu hoặc làm quà biếu”.
Theo bác sĩ Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hội Đông y tỉnh, nhung có tên khoa học là Corvi parvum, là sừng non của con hươu đực. Nhung hươu là vị thuốc bổ hàng đầu trong đông y, chỉ đứng sau nhân sâm, nhưng khi dùng cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc. Lộc nhung sau khi sấy khô có thể tán bột hay ngâm rượu uống. Đối với những người âm hư, hỏa dương mạnh, cao huyết áp, tiêu chảy, viêm thận nặng... không được dùng vị thuốc này.
Theo cuốn sách Những cây thuốc, vị thuốc Việt Nam của tác giả Đỗ Tất Lợi: Nhung có tác dụng tốt đối với toàn thân, nâng cao thể lực, bệnh nhân ăn ngủ tốt hơn, giảm mệt mỏi, nhanh làm lành vết thương, tăng sức lợi niệu, tăng nhu động. Những người có bệnh về ruột, dạ dày dùng nhung cũng rất tốt.
Có thể bạn quan tâm
Huyện Chư Pah-tỉnh Gia Lai có diện tích gần 1.000 km2 , trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 37.430 ha. Sau 5 năm, nền kinh tế nông nghiệp của huyện đã có nhiều thay đổi, đời sống nông dân có nhiều khởi sắc, một phần nhờ vào việc chuyển đổi đúng hướng cơ cấu cây trồng trên địa bàn.
Một thời gian ngắn nữa chính sách mới về tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn sẽ có hiệu lực thi hành. Đây là tín hiệu mừng cho doanh nghiệp và nông dân, góp phần vào việc khơi thông nguồn vốn tín dụng phục vụ lĩnh vực này…
Nhằm trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật giúp cho nông dân, hàng năm, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật và mở các lớp dạy nghề bám sát nhu cầu thực tế của hội viên.
“Trong những năm qua, nhằm đẩy mạnh phát triển trồng trọt, ngành Nông nghiệp huyện Yên Minh đã chuyển đổi thành công nhiều bộ giống cây trồng mới với năng suất, chất lượng vượt trội; phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của các địa phương. Qua đó nâng cao sản lượng lương thực, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa”. Đó là chia sẻ của đồng chí Hoàng Quang Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Minh.
Bằng sự nhạy bén, năng động, dám nghĩ, dám làm trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình phù hợp, nhiều nông dân đã trở thành những tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất.