Nuôi Dê Phù Hợp Với Người Ít Vốn

“Nếu đã ít đất canh tác, lại còn thiếu vốn, chăn nuôi dê là sự lựa chọn phù hợp” - chị Nguyễn Thị Chuẩn, chủ trại dê ở thôn Hàng Lang, xã Lộc Phú (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng), chia sẻ.
Chị Chuẩn lý giải rất hợp lý: Chăn nuôi trâu bò, đòi hỏi phải có nhiều vốn và điều kiện chăn thả cũng cần được tính toán kỹ lưỡng. Trong khi đó, chỉ cần tầm 7 triệu đồng là đã có một cặp dê giống. Hơn nữa, dê còn có khả năng kháng bệnh cao và không chiếm quá nhiều diện tích đất làm chuồng trại, nên mô hình này rất phù hợp với những ai ít vốn hoặc những người mới bắt đầu khởi nghiệp.
Sau khi tìm hiểu kỹ các mô hình chăn nuôi, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, chị Nguyễn Thị Chuẩn đã bỏ ra gần 100 triệu đồng để đầu tư chuồng trại và mua 24 con dê giống về nuôi. Nhờ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, nên đàn dê của gia đình chị Chuẩn sinh sản tốt và ngày càng phát triển. Đến nay, chưa đầy một năm chăm sóc, đàn dê của gia đình chị Nguyễn Thị Chuẩn đã tăng lên 60 con.
Chị cho biết: “Dê là loài vật ăn tạp nên rất dễ nuôi. Nguồn thức ăn cho dê phong phú, chủ yếu là cây cỏ có sẵn ở địa phương. Chuồng trại cũng hết sức đơn giản. Nuôi dê ít tốn công chăm sóc mà khả năng thu hồi vốn nhanh, hiệu quả kinh tế rất rõ ràng”.
Theo chị Chuẩn, một năm, dê sinh sản 2 lứa, mỗi lứa từ 1 - 2 con. Sau 6 tháng nuôi, trung bình dê đạt từ 25 - 30kg là có thể xuất bán. Ở thời giá hiện nay, 1kg thịt dê bán 120.000 đồng. Như vậy, với đàn dê hiện tại, hứa hẹn mang về cho gia đình chị Nguyễn Thị Chuẩn một nguồn lợi khá lớn. Ngoài ra, chị Chuẩn còn cung cấp dê giống cho các gia đình có nhu cầu nuôi ở địa phương và các vùng lân cận.
Chồng chị Nguyễn Thị Chuẩn, anh Điểu Hòa, cho biết thêm: “Trong tay có khoảng 8 triệu đồng là đã nuôi được dê. Giá 1 con dê giống hiện dao động từ 3 - 4 triệu đồng. Mua một cặp dê đầu tư ban đầu 8 triệu đồng. Chăm sóc gần một năm, cặp dê này bắt đầu sinh sản”.
Cũng theo anh Điểu Hòa, nuôi dê theo hình thức chăn thả hoặc nuôi nhốt trong chuồng trại đều được. Tùy vào điều kiện địa phương và gia đình để có cách chăn nuôi phù hợp. Tuy nhiên, nuôi dê theo phương thức nhốt chuồng sẽ có nhiều lợi ích hơn, như: Không mất công chăn thả, không bị lây nhiễm nguồn bệnh từ bên ngoài... Chăn nuôi theo hình thức này còn tránh được rủi ro bị mất dê và còn có nguồn phân để chăm bón cà phê, chè cũng như những loại cây trồng khác.
Theo vợ chồng anh Điểu Hòa, để chăn nuôi dê đạt hiệu quả kinh tế, ngoài kinh nghiệm tích lũy được, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi cũng hết sức quan trọng. Từ khâu làm chuồng trại cho đến việc theo dõi, quản lý đàn dê đều phải đảm bảo đúng kỹ thuật.
Dê là loài không ưa độ ẩm cao, nên chuồng trại cần phải quét dọn, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng thường xuyên. Nếu phát hiện dê bị bệnh, cần cách ly và chữa trị kịp thời để tránh lây nhiễm, gây thiệt hại cho cả đàn. “Thường thì dê hay gặp bệnh ghẻ mồm. Bệnh này chữa trị khá đơn giản. Cắt đôi quả chanh rồi xát mạnh vào chỗ ghẻ cho đến khi bong tróc mới thôi. Lặp lại 3 - 4 lần như vậy, bệnh ghẻ mồm sẽ khỏi” - anh Điểu Hòa trao đổi kinh nghiệm.
Qua khảo sát thực tế, thị trường dê giống và dê thịt hiện đang “hút hàng”, nguồn “cung” chưa đủ “cầu”. Việc chăn nuôi dê không cần nhiều vốn (có ít thì nuôi ít rồi gây đàn), không tốn chi phí thức ăn (chỉ bỏ công cắt cỏ, lá có sẵn), kỹ thuật nuôi không quá khó và tận dụng được điều kiện sẵn có ở địa phương. Nếu được nhân rộng, mô hình này sẽ là một hướng đi mới, rất phù hợp với bà con nông dân, nhất là những hộ nghèo, ít vốn ở nông thôn.
Có thể bạn quan tâm

Từng là hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của bản Chả B, xã Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông, song nhờ quyết tâm vượt qua khó khăn, chịu khó chăn nuôi phát triển sản xuất, gia đình chị Tòng Thị Thịnh đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ có thu nhập ổn định. Gia đình chị là một trong những hộ sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu của xã.

Hơn 2 tuần qua, thời tiết trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp trở lạnh hơn vào sáng sớm và chiều tối thường xuất hiện sương mù dày đặc, người trồng hoa tại làng hoa Sa Đéc đang lo lắng về tình trạng đốm lá, thối rễ, rụng lá, hoa không nở đúng dịp Tết... sẽ gây thất thu lớn cho nhà vườn.

Sở Khoa học và Công nghệ vừa tổ chức hội thảo về biện pháp cải thiện giống quýt hồng Lai Vung. Hội thảo có sự tham dự của các nhà khoa học đến từ Trường Đại học Cần Thơ, Viện Cây ăn quả miền Nam, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh và UBND huyện Lai Vung.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện “Chiến dịch phòng, chống bệnh chổi rồng trên nhãn” theo nội dung chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Vụ Xuân năm nay, huyện Bắc Quang thực hiện gieo cấy trên 2.900 ha lúa. Đến nay, đã có 1.816,1 ha mạ đã được gieo để chuẩn bị cấy lúa Xuân. Đặc biệt, khi làm đất gieo mạ, người dân chú trọng công tác đầu tư thâm canh bằng cách bón lót phân chuồng, phân lân hoặc bón vôi cho những diện tích ruộng đã đến chu kỳ bón vôi cải tạo.