Nuôi Đà Điểu Hướng Phát Triển Kinh Tế Triển Vọng
Với mong muốn làm giàu ngay chính trên quê hương mình, anh Võ Văn Lựu, thôn Tú Loan, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đã tận dụng những trảng cát rộng và diện tích đất hoang hóa của địa phương để xây dựng trang trại nuôi đà điểu. Đây được coi là mô hình chăn nuôi mở ra hướng phát triển kinh tế mới, hứa hẹn đem lại hiệu quả cao cho người nông dân.
Vừa dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh trang trại, anh Võ Văn Lựu vừa hồ hởi cho biết: Lớn lên trên vùng đất Tú Loan (xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), chứng kiến cảnh người dân quanh năm vất vả với độc canh cây lúa, đất cằn nên cuộc sống cứ mãi chật vật. Trăn trở để tìm hướng đi mới, cuối cùng anh nhận thấy điều kiện đất đai ở đây với diện tích đất hoang hóa còn lại khá nhiều, cộng với nhiều trảng cát rộng, rất phù hợp cho chăn nuôi đà điểu.
Nghĩ là làm, năm 2010, anh mày mò tìm tài liệu, rồi lặn lội vào các trang trại chăn nuôi đà điểu ở Khánh Hòa, Quảng Trị... để học hỏi kinh nghiệm và thành lập trang trại. Đến nay, đàn đà điểu của trang trại gia đình anh có 200 con, bao gồm cả con giống đang trong thời kỳ sinh sản và đà điểu thương phẩm.
Từ khi nuôi đến nay, những con đà điểu của trang trại anh Võ Văn Lựu chưa xảy ra dịch bệnh bởi đà điểu là loài vật có sức đề kháng tốt, khả năng chịu rét, chịu nóng cao, có thể thích ứng với thời tiết khắc nghiệt.
Hiện tại, trang trại của anh đang tiến tới thực hiện qui trình khép kín với chăm sóc, nuôi dưỡng, sinh sản, thức ăn, nước uống và chuồng trại. Với cách làm đó, mỗi năm riêng nguồn thu từ nuôi đà điểu mang lại cho gia đình anh gần 1 tỷ đồng, thu lãi 250 triệu đồng/năm. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho 6 người lao động với mức lương từ 2 triệu đến 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Anh Lựu cho biết thêm: Thị trường tiêu thụ đà điểu thương phẩm và con giống hiện nay khá rộng bao gồm cả trong tỉnh và các địa phương lân cận. Đà điểu nuôi từ 10 đến 12 tháng có thể bán thương phẩm, nuôi 3 tháng có thể bán con giống. Tính tất cả các chi phí thì đà điểu cho thu nhập gấp 5 lần so với nuôi bò và gấp nhiều lần so với nuôi lợn, gà.
Tuy nhiên nguồn vốn đầu tư ban đầu cho chăn nuôi đà điểu là rất lớn. Hiện nay, đà điểu bán thương phẩm trên thị trường có giá là 80.000 đồng/kg đến 150.000 đồng/kg, trứng đà điểu có trọng lượng từ 1,2 - 1,5kg, giá 150.000/quả, đà điểu mới nở có trọng lượng từ 1 - 1,2kg/con, có giá 1,5 triệu đồng, đà điểu nuôi được 3 tháng có giá là 2,7 triệu đồng. Muốn nuôi đà điểu đạt hiệu quả cao nhất phải thực hiện đúng quy trình từ yêu cầu chuồng trại, thức ăn, nước uống.
Đặc tính của đà điểu là thích chạy nên sân chơi phải có diện tích rộng, nền sân phải lót cát, chuồng nuôi có mái che lợp bằng tôn với diện tích nhỏ 3 - 5 m2 để máng ăn, sân chơi được quây bằng lưới B40 khá đơn giản. Mặt khác, đà điểu lại rất thích ăn tạp, vì vậy khu vực chuồng nuôi phải dọn sạch các vật nhọn như đá, gạch, sắt, thuỷ tinh, túi bóng... để tránh cho chúng ăn phải.
Thức ăn của đà điều rất đơn giản, chủ yếu là các phụ phẩm nông nghiệp như cám, ngô, thóc... và các loại rau xanh như rau muống, rau cải, lá chuối, cỏ dại... Các nguồn thức ăn tinh như thóc, cám cũng phải có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm an toàn vệ sinh.
Thành công ở trang trại chăn nuôi đà điểu của anh Võ Văn Lựu được coi là một hướng làm giàu vững chắc đối với những cá nhân đang muốn phát triển kinh tế trang trại hàng hóa. Bởi thịt, trứng đà điểu đang là món ăn đặc sản có giá cao tại các nhà hàng, khách sạn ở các thành phố lớn. Nếu có đủ nguồn thịt đà điểu để xuất khẩu thì giá trị kinh tế sẽ cao hơn rất nhiều. Ngoài ra, ngay cả da, xương, lông, vỏ trứng của đà điểu đều có giá trị kinh tế cao trong ngành sản xuất đồ trang sức, mỹ nghệ.
Rõ ràng, đà điểu là con vật nuôi cho giá trị kinh tế cao đối với thị trường xuất khẩu và nội địa. Hiện nay, tại một số địa phương lân cận như: Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận..., đà điểu được nuôi nhiều trong các trang trại, với số lượng lớn. Nhiều hộ nông dân ở các địa phương này cũng được chính quyền địa phương tạo điều kiện để nuôi đà điểu, góp phần xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
Thế nhưng ở tỉnh ta, tuy hứa hẹn cho nguồn thu lớn, nhưng hiện nay nghề nuôi đà điểu phát triển còn khá e dè. Nguyên nhân là vì, đây là giống gia cầm lạ, lớn, lại du nhập vào nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng chưa lâu, nên người dân vẫn ngại ngần. Phần nữa, người nuôi đà điểu cần nguồn vốn lớn và lo sợ đầu ra không bảo đảm.
Cho tới nay, một ít trang trại tư nhân và hộ gia đình trong tỉnh mới chỉ dám nuôi thử nghiệm 5 - 10 con; những trang trại nuôi vài trăm con trở lên như trang trại của gia đình anh Lựu còn rất khiêm tốn, nếu không muốn nói là chỉ "đếm trên đầu ngón tay".
Để mô hình này phát huy hiệu quả và được nhân rộng, thiết nghĩ các cấp chính quyền và ngành chức năng nên sớm nghĩ đến giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ người nông dân về vốn, nguồn giống, kỹ thuật và tìm đầu ra cho đà điểu thương phẩm, để loài vật nuôi này có điều kiện phát triển tại địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Giá cả lên xuống bấp bênh, chi phí đầu tư cao, tốn nhiều công chăm sóc, năng suất thấp... cây ca cao đang bị nông dân nhiều nơi trong tỉnh phá bỏ để trồng những loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ngày 7/8, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Tiền Giang tổ chức thả 80 ngàn con cá sặc rằn, 20 ngàn con cá rô và mè vinh trên diện tích 1 ha thuộc 7 hộ dân ở ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Trung. Đây là mô hình nuôi luân canh cá - lúa, đối tượng sặc rằn là chính được đưa vào nuôi thí điểm ở huyện Cái Bè.
Ngày 03/4/2013, tại buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh, Bộ trưởng Bộ Công Thương-Vũ Huy Hoàng đề nghị lãnh đạo tỉnh Long An tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn cho người trồng thanh long sử dụng bóng đèn Compact chống ẩm trên cây thanh long nhằm ứng phó với tình hình thiếu điện trầm trọng hiện nay.
Chỉ chọn nuôi ong ta, lấy chất lượng mật ong làm trọng và chủ động trong việc xây dựng và hình thành thương hiệu của riêng hội mình, “Hiệp hội nuôi ong ta” của các CCB xã Thái Hòa (Hàm Yên) khiến cho nhiều người trẻ giật mình trong cách làm ăn..
Trong khi các trang trại nuôi lợn nhà xuất hiện như "nấm mọc sau mưa" ở cả miền ngược lẫn miền xuôi thì tại thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), một số hộ dân lại đầu tư hàng trăm triệu đồng để nuôi lợn rừng. Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.