Hướng Đi Mới Cho Ngành Chăn Nuôi Hà Nội

Dự án “Ứng dụng kết quả nghiên cứu lai tạo giống bò BBB trên nền bò cái lai Sind thành đàn bò lai F1 hướng thịt trên địa bàn TP Hà Nội” được UBND thành phố phê duyệt tháng 2 - 2012 và giao Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hà Nội (công ty) làm chủ đầu tư. Sau hơn hai năm thực hiện bước đầu đã đạt kết quả khả quan.
Trên đường đi tìm hiểu thực tế tại một số hộ nông dân nuôi bò BBB ở huyện Phú Xuyên, Phó Tổng giám đốc công ty Vũ Văn Hải cho biết: Bò Blanc Blue Belgium (viết tắt là BBB) là giống bò chuyên thịt nổi tiếng của Bỉ, ngoại hình cao, to, dễ nuôi, tăng trọng nhanh, chất lượng thịt mềm, ngon.
Ban đầu khi dự án triển khai tại các huyện: Ba Vì, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Gia Lâm, Phúc Thọ, Đan Phượng, Phú Xuyên, Thạch Thất... cũng gặp một số khó khăn do bà con vẫn quen theo lối chăn nuôi cũ, chưa biết rõ về giống bò mới này.
Chúng tôi đã cử cán bộ xuống từng địa phương vận động, hướng dẫn, tập huấn để họ hiểu rõ mục đích là lai tạo đàn bò hướng thịt chất lượng cao; nâng cao kỹ thuật chăn nuôi bò thịt cho hộ nông dân tại các điểm phát triển chăn nuôi của dự án; tăng sản lượng thịt bò được sản xuất có sự quản lý và giám sát tốt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thịt bò của xã hội; góp phần phát triển đàn bò, đưa chăn nuôi bò thịt thành ngành sản xuất hàng hóa, giải quyết việc làm cho nông dân…
Sau gần hai năm triển khai, đến ngày 31 - 12 - 2013 dự án đã hoàn thiện hệ thống quản lý, tổ chức 28 lớp tập huấn cho 2.800 lượt hộ nông dân về chăn nuôi bò lai F1 (BBB x lai Sind), thú y và trồng cỏ cho bò. Xây dựng mô hình mẫu tại các địa phương như: Ba Vì, Phú Xuyên, Gia Lâm, Chương Mỹ.
Bình tuyển 13.709 bò cái nền với trọng lượng bình quân đạt 285 kg/bò; bình quân bò cái nền đã đẻ 3,5 lứa, ngoại hình tốt, không có dị tật; có 2.505 bê F1 đã sinh. Bò cái nền đẻ thường, không phải can thiệp. Nhiều gia đình đã thoát nghèo, đời sống được nâng lên một bước.
Anh Đào Xuân Huân ở xã Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên bộc bạch: Khi tham gia dự án, hộ chăn nuôi được cán bộ của công ty tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ 100% kinh phí về tinh bò BBB, mua bò giống và một phần chi phí thức ăn tinh... Bò sau khi sinh mau lớn, sức đề kháng tốt, từ 14 đến 18 tháng tuổi, trọng lượng có thể đạt 400 đến hơn 500kg.
Với giá bán khoảng 180 nghìn đồng/kg thịt móc hàm, trừ chi phí, mỗi con bò F1 BBB cho thu từ 40 đến 50 triệu đồng. Nhờ nuôi bò, kinh tế gia đình ngày càng khấm khá, các cháu có điều kiện học tập tốt hơn. Không chỉ anh Huân, nhiều hộ khác như ông Đinh Văn Lợi ở xã Mai Đình, ông Đinh Văn Hải ở xã Phù Ninh, huyện Sóc Sơn..., giờ đã có của ăn của để.
Tổng Giám đốc công ty Bùi Đại Phong chia sẻ: Đến nay dự án đã mở rộng ra 16 huyện trong thành phố. Hiện Hà Nội có 7.000 con bò F1 BBB chất lượng tốt. Hy vọng đến năm 2018 sẽ đạt mục tiêu thành phố đề ra là tăng sản lượng thịt bò từ 9.000 tấn năm 2013 tăng lên 20.000 tấn năm 2018; giảm tỷ lệ nhập thịt bò 90% năm 2013 xuống 75% năm 2018; bảo đảm sự quản lý và giám sát đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thịt bò có chất lượng cao, an toàn thực phẩm.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tốc độ phát triển chăn nuôi bò của chúng ta còn chậm, chất lượng thịt chưa cao. Do đó, cần đẩy mạnh việc chăn nuôi bò thịt trong thời gian tới để đáp ứng nguồn thịt chất lượng cao cho người tiêu dùng, trước mắt là ở thị trường thủ đô và hướng tới giảm thịt bò nhập khẩu.
Trong khi nhiều tỉnh, thành phố đang loay hoay không biết nên chọn con gì để tái cơ cấu ngành chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân thì dự án Hà Nội đang làm thật sự là bước đột phá, tạo ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi, đồng thời góp phần tích cực trong việc xây dựng nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm

Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Thanh long ruột đỏ Đức Mỹ, huyện Càng Long- Trà Vinh cho biết: hiện thanh long ruột đỏ thương lái đến thu mua tại vườn giá 47.000 đ/kg nhưng HTX không đủ nguồn cung cấp.

Những năm gần đây, nhiều nhà vườn ở các xã cù lao của huyện Long Hồ (Vĩnh Long) đã áp dụng phương pháp đậy mủ xử lý chôm chôm ra hoa nghịch vụ để dễ tiêu thụ và bán được giá cao. Đặc biệt năm nay, nhờ thị trường hút hàng nên chôm chôm nghịch vụ càng trúng giá và cho lợi nhuận cao.

Theo ghi nhận ở ĐBSCL, hiện giá lúa nông dân bán vẫn dao động ở mức khá thấp, khoảng 4.300 đồng/kg lúa thường, 4.800 đồng/kg lúa dài, chất lượng cao.

Theo quy trình kỹ thuật cho loại hình nuôi tôm công nghiệp (NTCN) thì ao lắng nước là một phần diện tích bắt buộc phải có trước khi thực hiện mô hình này. Song, hiện nay ao lắng không được người nuôi quan tâm, thiết kế. Đây là điều mà các ngành chức năng lo lắng cho sự thành công của vụ nuôi, nhất là trong mùa khô.

Gần đây, trên một số tờ báo điện tử xuất hiện thông tin có tới 98% thủy sản ở Hà Nội nhiễm kim loại nặng, khiến người tiêu dùng hoang mang. Tuy nhiên, theo kiểm tra của Sở NN&PTNT Hà Nội, việc đưa ra những thông tin nêu trên chưa hoàn toàn chính xác, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố.