Truyền thông trong tiêu thụ nông sản
Mới đây nhất, trong vụ vải thiều, chính truyền thông, trong đó có báo NNVN, một lần nữa khẳng định vai trò, khi tuyên truyền, định hướng dư luận, giúp trái vải tránh nguy cơ rớt giá.
Định hướng thị trường
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, người được giao phụ trách mảng xuất nhập khẩu, phối hợp với Bộ NN-PTNT trong việc xúc tiến tiêu thụ nông sản cho nông dân, đánh giá rất cao vai trò của truyền thông trong việc tiêu thụ nông sản nói chung, vải thiều nói riêng trong thời gian vừa qua.
“Với lợi thế của mình, truyền thông, trong đó có báo NNVN, đã đi rất đúng hướng trong việc kêu gọi cộng đồng ủng hộ nông dân tiêu thụ dưa hấu, hành tím và mới đây nhất là vải thiều.
Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng, quan trọng nhất là chính truyền thông đang cung cấp thông tin một cách đầy đủ, kịp thời để định hướng thị trường cho cả nông dân và DN tiêu thụ nông sản”, ông Tuấn Anh bày tỏ.
“Liên quan đến vấn đề này, cơ quan quản lý nhận định nhu cầu tiêu dùng nội địa còn rất lớn, song có thực tế bị hổng và chưa phát triển tốt, trong đó có mặt hàng trái cây. Thực tế, với sự vào cuộc của truyền thông, ngay từ vụ vải thiều năm ngoái, chúng ta đã chứng kiến sự huy động lực lượng xã hội rất lớn nên sản lượng vải thiều của Bắc Giang và Hải Dương đã được tiêu thụ hết với quy mô 40% XK, 60% tiêu thụ trong nước”, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. |
Theo vị lãnh đạo này, trước tiên, chúng ta phải nhìn nhận 5 tháng đầu năm đã có một số khó khăn trong XK và tiêu thụ nông sản, đặc biệt là các mặt hàng chủ đạo như gạo, cao su, sắn... sụt giảm về kim ngạch và sản lượng.
Ngoài XK qua đường chính ngạch thì còn có hiện tượng ùn tắc dưa hấu, thanh long, gạo và các hàng hóa khác tại cửa khẩu.
“Mặc dù có sự sụt giảm về quy mô, tuy nhiên, cơ bản trong 5 tháng đầu năm, các mặt hàng XK lớn của Việt Nam về cơ bản vẫn giữ ở tương đối, cân bằng với các nguồn cung khác.
Ngoài ra, các sản phẩm chính của chúng ta vẫn giữ được thị trường, tạo tiền đề cho các tháng tiếp theo. Ở đây có sự đóng góp không nhỏ của truyền thông, trong đó thông tin thị trường được đề cập nhanh chóng và đầy đủ”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, ông Dương Văn Thái, cho rằng, vải thiều Bắc Giang nói chung và Lục Ngạn nói riêng năm nay chưa có hiện tượng rớt giá mạnh, cho dù sản lượng cao hơn năm ngoái rất nhiều.
Một mặt là sự cố gắng của tỉnh trong xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, mặt khác, chính truyền thông năm nay làm rất tốt.
“Báo chí liên tục đưa thông tin về việc XK vải thiều sang các thị trường Mỹ, Úc, Nhật… khiến nông dân yên tâm đầu ra. Hơn nữa, DN thu mua, đặc biệt là thương lái Trung Quốc không có cơ hội ép giá nông dân”, ông Thái cho hay.
Theo ông Thái, năm nào tỉnh cũng phải “đau đầu” để giải quyết vấn đề tiêu thụ vải thiều. Nhưng năm nay, thông tin đầu ra liên tục được cập nhật, DN ngành vải thiều và nông dân hiện nay tương đối nhạy bén về mặt thông tin.
Chúng ta có được kết nối của DN đến quá trình tiêu thụ của nông dân nên nông dân không phải tự “bơi” nữa.
Đồng quan điểm trên, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, chính truyền thông chứ không ai khác có vai trò quan trọng nhất trong khâu thông tin thị trường để Nhà nước, DN và nông dân tham khảo.
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, ông Thiên cũng cho rằng, có nhiều bất cập mà truyền thông khó tiếp cận để phát huy hết vai trò của mình, đó là hệ thống thông tin dữ liệu phục vụ cho thị trường nông nghiệp “kín như bưng”.
Một số cơ quan quản lý Nhà nước, DN chưa cung cấp thông tin, hoặc thông tin chưa kịp thời, cho báo chí về thị trường, những dữ liệu về nông sản…
“Nếu tìm những kênh cung cấp đó từ phía nhà nước (SX, chế biến, XK, tồn kho), số liệu này thường bị chậm. Tôi biết có nhiều Bộ đều có dữ liệu, nhưng chỉ phục vụ cho lãnh đạo, rất ít khi báo chí, người dân được tiếp cận chúng”, TS Thiên nói.
Đừng lạm dụng lòng tốt của xã hội
Ngoài ra, theo TS Thiên, thời gian gần đây dấy lên phong trào mua giúp nông dân những nông sản tồn kho, đổ bỏ. Hình ảnh những người nông dân bên đống nông sản ế được các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội truyền đi với những lời bình "thống thiết" làm dấy lên lòng thương cảm trong cộng đồng và tạo thành một làn sóng ủng hộ, giải cứu mạnh mẽ.
“Trên thực tế, các Bộ, ngành đều hiểu rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của mình và chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ. Thông tin là khâu cơ bản trong việc thực hiện chính sách, tiếp thu ý kiến thị trường. Tôi cho rằng chúng ta phải xây dựng trung tâm dữ liệu vừa để xây dựng chính sách vừa để điều hành”, TS Trần Đình Thiên. |
Và đã có nhiều chương trình giải cứu do các cá nhân tập họp lại, các tổ chức giúp phân phối, mua nông sản ế của bà con nông dân với một lòng cảm thông, chia sẻ chân thành những khốn cùng của nông dân.
Xét ở khía cạnh xã hội, việc giúp đỡ bà con nông dân là giúp họ lấy lại chút vốn để tái SX, giúp họ có lòng tin vào lòng tốt của con người, vào sự đùm bọc của cộng đồng.
Xét ở khía cạnh truyền thông, những chiến dịch, hoạt động bán giùm nông sản cho nông dân là nét đẹp thay cho những tin tức kiểu “cướp - giết - hiếp” hay “lộ hàng - mát mẻ” được giật tít khá phổ biến. Và ở góc độ này, cộng đồng có thêm minh chứng về lòng tốt trong xã hội để tin và giáo dục người trẻ.
Cũng cần lưu ý rằng, không phải đến bây giờ nông dân Việt Nam mới lao đao vì nông sản trồng xong không bán được. Hiện trạng “nông dân ngồi khóc bên đống thành quả cao như trái núi” đã diễn ra từ lâu với quy mô và thời điểm khác nhau, tùy loại cây trồng.
Tuy nhiên, dưới góc độ kinh tế, hình thức kinh doanh nông nghiệp bằng lòng tốt (giúp nông dân bán được hàng) không giải quyết được hiện trạng trên mà còn tiếp tay tạo ra nền kinh tế nông nghiệp què quặt, méo mó.
Người nông dân trong tình trạng thiếu thông tin lại có niềm tin vào lòng tốt giúp tiêu thụ hàng khi gặp khó khăn sẽ bị ảo tưởng là khó khăn mang tính chất tạm thời và sẽ vượt qua được. Họ sẽ không có động lực cải thiện giống hoặc cải thiện phương pháp canh tác cho hiệu quả và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng.
Những cá nhân và nhóm từ thiện lao vào phân phối thu mua và buôn bán nhưng họ không phải là những người chuyên nghiệp, dẫn đến thực tế những gì họ làm gây ra những lãng phí, không hiệu quả, thậm chí tạo điều kiện để một số gian dối xuất hiện.
Theo TS Trần Đình Thiên, đúng là thời gian qua, truyền thông làm rất tốt vai trò của mình trong việc định hướng dư luận, thông tin rộng rãi thị trường. Tuy nhiên, không nên quá kỳ vọng vào truyền thông, bởi xét cho cùng, đây cũng chỉ là một kênh thông tin tham khảo.
“Tôi được biết, để giúp nông dân tiêu thụ nông sản, các Bộ đã có nhiều giải pháp như cử cán bộ lên cửa khẩu để làm việc trực tiếp với địa phương và phía Trung Quốc nhằm tổ chức nâng cao hơn năng lực thông quan, chủ động làm việc với địa phương để thống nhất tổ chức quy hoạch, kết nối với các DN đầu mối để bao tiêu sản phẩm…
Tuy nhiên tôi cho rằng đây chỉ là giải pháp tạm thời của mùa vụ 2015. Sắp tới, quan trọng nhất là tổ chức lại SX, quy hoạch”, ông Thiên đề nghị.
Theo TS Thiên, thứ nhất, nông dân phải chuyển đổi thói quen SX. Thứ hai, quy mô diện tích của SXNN phải lớn. Thứ ba, có sự kết hợp hiệu quả giữa nông dân với DN chế biến tiêu thụ. Thứ tư, tạo điều kiện để báo chí có thông tin nhanh, chính xác, kịp thời phản ánh để cơ quan Nhà nước, DN và nông dân có biện pháp điều tiết thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Trong suốt 15 năm, ông Armando A.León mơ ước có một phương pháp nuôi tôm mới, thật sự thân thiện với môi trường, chi phí sản xuất thấp hơn và năng suất cao hơn so với phương pháp nuôi tôm bán thâm canh truyền thống.
Ao nuôi cá lóc bông có diện tích từ 500 m2 trở lên, độ sâu từ 1,5 - 2 m, bờ ao phải cao và chắc chắn. Cống thoát nước có khẩu độ lớn để thoát nước dễ dàng. Trước khi thả nuôi cá, ao được tát cạn, vét bùn đáy, tu sửa chổ sạt lở, lấp hết lỗ mọi quanh ao. Rải vôi đáy ao từ 10 – 15 kg/100 m2 ao, phơi đáy 2 – 3 ngày rồi cấp nước vào ao.
Tôm rằn (Penaeus semisulcatus) là loài tôm có kích thước lớn, thích ứng với nhiệt độ cao, độ mặn cao, ăn tạp, có giá trị kinh tế như tôm sú cùng cỡ và là một trong số 110 loài thuộc họ tôm he (Penaeidae) (theo FAO).
Chất lượng cá giống là một yếu tố quyết định trong chăn nuôi thủy sản song lại chưa nhận được sự quan tâm và quản lý đúng mức.
Theo Chi cục Thủy sản, từ nay đến cuối quý II.2015, sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh Tây Ninh sẽ đạt khoảng 8.000 tấn cá các loại. Trong đó cá tra đạt khoảng 5.000 tấn.