Mô Hình Nuôi Cá Trắm Cỏ Trong Lồng Bằng Thức Ăn Viên Giúp Bà Con Sản Xuất Hiệu Quả
Nhằm tận dụng, khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có ở địa phương, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống thu nhập cho bà con nông dân, Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đã triển khai mô hình “Nuôi cá trắm cỏ trong lồng có bổ sung thức ăn viên” tại xã Tịnh Sơn - nơi có dòng sông Trà Khúc chảy qua.
Anh Trương Quang Tri ở Đội 9, thôn Tây, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, cho biết: Gia đình anh nuôi cá trắm cỏ trong lồng từ năm 2006, nhưng lãi không cao và không ổn định; nguyên nhân là do anh chọn mua con giống không ổn định nên thường hao hụt, chưa chọn được mùa vụ và thời điểm thả giống an toàn nhất trong năm.
Việc kiếm thức ăn xanh rất tốn thời gian và công sức, thức ăn viên chưa được đầu tư, vì vậy chưa phát huy được sự sinh trưởng, phát triển của cá. Đầu năm 2014, do anh có đủ cơ sở vật chất về lồng nuôi cá, điều kiện chăm sóc và kinh phí nên Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tịnh đã chọn hộ gia đình anh làm một trong những điểm triển khai mô hình trình diễn Nuôi cá trắm cỏ trong lồng có bổ sung thức ăn viên, đến nay cá đạt trọng lượng bình quân 1,1kg/con.
Hộ gia đình anh Trần Văn Nhân ở thôn Tây, xã Tịnh Sơn cũng là một trong những hộ tham gia mô hình cho biết: nhà anh có 3 lồng nuôi cá, mỗi lồng chứa khoảng 7 – 8 m3 nước, đến nay cá trắm cỏ đạt trọng lượng bình quân 1kg/con, anh tin tưởng sau khi thu bán, gia đình sẽ có lãi cao và sang năm sẽ có thêm kinh nghiệm để nuôi tốt hơn.
Mô hình nuôi cá trắm cỏ trong lồng có bổ sung thức ăn viên nổi được Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tịnh triển khai từ ngày 7/1/2014 ở thôn Tây, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, với quy mô 40 m3 nước, 3.200 con cá trắm cỏ giống, kích thước bình quân từ 10 – 12 cm/con, mật độ thả 80 con/m3, với tổng kinh phí 95,9 triệu đồng.
Tham gia mô hình có 4 hộ (mỗi hộ 1 lồng). Môi trường nước sông Trà khu vực nuôi lồng có nhiệt độ từ 22 – 34 độ C, pH biến động từ 6,1 – 7,9.
Qua theo dõi, đánh giá mô hình, hầu hết trong khoảng thời gian nuôi các chỉ tiêu pH và nhiệt độ nước đều nằm trong khoảng thích hợp cho cá sinh trưởng, phát triển. Cá sinh trưởng phát triển và đạt tỷ lệ sống cao đến tháng nuôi thứ 5.
Mặc dù, ở tháng nuôi thứ 6 do nước sông Trà Khúc cạn kiệt kéo dài, mực nước trong lồng nuôi chỉ đạt bình quân 20 cm, độ pH trong nước thấp, nhiệt độ nước sông luôn cao, vượt ngưỡng thích nghi của cá trắm cỏ, làm cho một số lượng cá bị chết. Nhưng bắt đầu từ tháng nuôi thứ 7 trở đi, cá sinh trưởng phát triển khá nhanh và rất ít hao hụt. Sau 8 tháng nuôi, các chỉ tiêu đạt 100% kế hoạch. Đến nay, trọng lượng trung bình của cá trắm đã đạt 1,05 kg/con, cao hơn chỉ tiêu kế hoạch đề ra 0,25kg/con.
Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% con giống, về thức ăn và vật tư thiết yếu được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ 30%, sau khi thu hoạch các hộ tham gia mô hình được hưởng lợi 100%.
Ông Đỗ Tiến Hành – Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tịnh cho biết: Việc nuôi cá trắm trong lồng đối với bà con nhân dân ở địa phương không mới, mà cái mới ở đây là giúp bà con nhân dân nắm bắt các giải pháp kỹ thuật như: kỹ thuật chọn con giống, tắm thuốc cho cá nuôi trong lồng, bổ sung thức ăn viên nổi...
Nuôi cá trắm trong lồng có sử dụng thức ăn viên nổi làm giảm đáng kể việc ô nhiễm lồng nuôi, giảm được công lao động về việc chuẩn bị thức ăn xanh; cá sinh trưởng phát triển đều đàn hơn; chất lượng thịt thơm ngon hơn, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay. Việc bổ sung thêm thức ăn viên nổi có hàm lượng đạm cao hơn rất nhiều so với thức ăn xanh, nhằm giúp cá trắm tăng nhanh tốc độ sinh trưởng, rút ngắn thời gian nuôi, giảm thiểu rủi ro trước mùa lụt bão hàng năm.
Thành công bước đầu của mô hình, giúp nông dân trong và ngoài mô hình có thêm những kinh nghiệm, khuyến khích nhiều hộ mới làm theo; những nông hộ đã áp dụng thì mở rộng quy mô nuôi, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân, đồng thời đẩy mạnh phong trào nuôi cá lồng trong toàn huyện.
Có thể bạn quan tâm
Đàn gà 1.048 con (40 ngày tuổi) của một hộ ở ấp Trung Trạch (xã Trung Thành - Vũng Liêm - Vĩnh Long) được phát hiện bị cúm gia cầm vào ngày 19/8/2015. Chủ hộ đã tự tiêu hủy 392 con, do BCĐ chống dịch của huyện đã tiêu hủy 656 con còn lại.
Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bạc Liêu đang triển khai trình diễn 13 mô hình ruộng lúa - bờ hoa (hay còn gọi là cánh đồng sinh thái) ở các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, trình diễn trên lúa hè thu 11 điểm, lúa cao sản 2 điểm, mỗi điểm trình diễn 1ha.
Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn phối hợp với Tổng công ty Tín Nghĩa và UBND huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai vừa tổ chức lấy ý kiến nông dân xã Phú Lộc về việc tham gia dự án “cánh đồng lớn liên kết sản xuất tiêu thụ cà phê 4C trên địa bàn các huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Tân Phú”.
Với nhiều ưu điểm vượt trội như: năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, chống chịu đổ ngã tốt, đặc biệt hàm lượng chất dinh dưỡng trong gạo rất cao... giống lúa đỏ mang tên Ngọc đỏ hương dứa, được một nông dân ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) sáng tạo đang thu hút được sự quan tâm lớn của nhiều doanh nghiệp trong tỉnh và một số đối tác nước ngoài.
Người trồng mía ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) vừa trải qua một vụ mía khó khăn do giá đường xuống thấp, nắng hạn kéo dài. Trong vụ mía 2015 - 2016, nông dân trồng mía hy vọng Công ty Cổ phần (CP) Đường Ninh Hòa có nhiều chính sách nhằm giảm khó khăn trong sản xuất, tăng năng suất và chất lượng mía.