Trung Quốc Sẽ Cạnh Tranh Xuất Khẩu Thanh Long Với Việt Nam
Trung Quốc hiện vẫn là thị trường nhập khẩu nhiều thanh long Việt Nam nhất, chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2013. Song theo Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit), Trung Quốc đang tiến hành trồng thanh long quy mô lớn và đe dọa trở thành nước cạnh tranh về diện tích lẫn sản lượng với thanh long Việt Nam.
Theo báo cáo mới nhất của Vinafruit, trong 11 tháng đầu năm 2013, lượng thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc là 241.000 tấn, với giá trị 131,7 triệu đô la Mỹ, giảm 3% về lượng nhưng tăng 3,5% về giá trị so với năm trước.
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Vinafruit, nhận định có nhiều nguyên nhân khiến lượng xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc giảm nhẹ trong năm 2013, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do hiện nay Trung Quốc đã trồng được trái thanh long. Mặc dù nước này vẫn đang là thị trường tiêu thụ chính của trái thanh long Việt Nam nhưng với tốc độ đầu tư trồng thanh long đại trà với quy mô lớn, Trung Quốc đe dọa trở thành nước cạnh tranh về diện tích lẫn sản lượng với thanh long Việt Nam.
Không chỉ Trung Quốc, hiện nhiều nước khác như Thái Lan, Philippines, Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng đã bắt đầu trồng thanh long khiến thanh long Việt Nam không còn chiếm vị trí độc tôn trên thị trường xuất khẩu thế giới nữa.
Hiện 75% sản lượng thanh long Việt Nam xuất khẩu là tới thị trường Trung Quốc nhưng chủ yếu xuất bằng đường tiểu ngạch, các thị trường khác như Hoa Kỳ chỉ chiếm 0,4%, châu Âu 4%, Nhật 0,1%, Thái Lan 0,4%...
Mặc dù chỉ chiếm 0,4% lượng xuất khẩu trong 11 tháng năm 2013, song xuất khẩu thanh long sang Thái Lan tăng mạnh, đạt 20.600 tấn với kim ngạch đạt 11,8 triệu đô la Mỹ, tăng 17,7% về lượng và 23,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2012.
Số liệu thống kê từ Vinafruit cũng cho thấy, xuất khẩu thanh long sang Hoa Kỳ trong 11 tháng năm 2013 đạt 1.300 tấn với kim ngạch đạt 6,2 triệu đô la Mỹ, giảm 7,4% về lượng nhưng tăng 27,3% về giá trị so với năm 2012. Khó khăn của việc xuất khẩu thanh long sang Mỹ nằm ở chỗ, chủ yếu xuất dưới trái thanh long tươi nên gặp nhiều rủi ro như hư hỏng khi vận chuyển đường xa.
Để khắc phục trở ngại này, một số doanh nghiệp đang đa dạng hóa sản phẩm thanh long như xuất khẩu thanh long sấy chân không cấp đông sang thị trường Mỹ hay xuất khẩu ruột thanh long xay nhuyễn sang Nhật Bản.
Theo Vinafruit, xuất khẩu rau quả của Việt Nam tháng 4 - 2014 ước đạt 75 triệu đô la Mỹ, đưa kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm đạt 351 triệu đô la Mỹ, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 32% thị phần. Tiếp đến là các thị trường như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thái Lan với thị phần lần lượt đạt 5,66%, 5,14% và 3,8%.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu thu hoạch sớm vụ lúa Thu đông 2013. Tuy nhiên, giá lúa liên tục sụt giảm trong những ngày qua, nhất là những giống có phẩm cấp gạo thấp (IR 50404), đã khiến nhà nông không khỏi lo lắng.
Nước lũ đang đổ mạnh về các địa phương ở vùng ĐBSCL. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh mùa lũ theo đó cũng bắt đầu nhộn nhịp. Người dân ở TP Cần Thơ đang kỳ vọng nước lũ về nhiều hơn mọi năm, tạo thuận lợi cho kinh doanh chài lưới, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản…
Anh Hồ Duy Trung (ở thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) với ý định ban đầu nuôi chồn hương để làm thú cảnh, nhưng giờ trở nên khá giả nhờ loại động vật hoang dã này.
Ba giống “cây hoang” từ những cánh rừng của Lâm Đồng, Gia Lai và Đắk Lắk có tên là cần dại, lỗ bình và bầu đất đã được một nhóm nghiên cứu ở Trường Đại học Đà Lạt đưa về triển khai mô hình chuyển giao sản xuất đại trà tại khu vực Nam Ban (Lâm Hà) và bước đầu thu những kết quả khá triển vọng.
Năm 2013, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) có kế hoạch trồng mới và trồng lại 200 ha chè. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai sớm việc đăng ký lấy cây giống và chuẩn bị tốt diện tích đất trồng.