Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

M1-NĐ ghi điểm vụ mùa 2015 cơn sốt lên xứ Đoài

M1-NĐ ghi điểm vụ mùa 2015 cơn sốt lên xứ Đoài
Ngày đăng: 26/09/2015

Trời mưa như trút nước, cán bộ cũng như nông dân vẫn đội mưa ra đồng xem lúa.

Thạch Thất là huyện phía tây Hà Nội, gồm 22 xã và 1 thị trấn. Đây là địa phương rất cởi mở với giống mới.

Cứ theo lời ông Chu Đại Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện thì giống gì tốt cứ để nông dân cân đo đong đếm. Trách nhiệm của cán bộ huyện là đi tìm giống mới, tiến bộ kỹ thuật về cho dân.

"Người dân bây giờ tinh lắm, giống cán bộ khen mà dân lắc thì cũng sớm muộn cũng bị sa thải.

Vì thế Thạch Thất cơ cấu tới hơn chục giống lúa mỗi vụ, đến nỗi PGĐ Sở NN- PTNT Hà Nội Đào Duy Tâm lo nông dân “bội thực” hoặc lạc giữa “rừng giống”, ông Thành chia sẻ.

Với quan điểm đi tắt đón đầu, đẩy mạnh ứng dụng KHKT, trong đó lấy giống là khâu đột phá, đến nay Thạch Thất đã du nhập về những giống lúa tốt nhất, trong đó đặc biệt ưu ái những giống lúa chất lượng, cơm ngon.

Không đem tư tưởng bao cấp ra đồng, nhưng hàng năm huyện vẫn trích một phần "chiếc bánh" ngân sách cho không 100% tiền giống để làm các mô hình gieo cấy giống lúa mới, với hy vọng từ những “đốm sáng” nhỏ thổi bùng lên ngọn lửa lớn.

Khi giống M1-NĐ vào Thạch Thất, phải thi đấu với một dãy dài các giống lúa vốn đã định vị, thậm chí “cắm rễ” quá lâu quả là một thử thách không nhỏ. Dân Thạch Thất nặng buôn bán, chạy chợ, làm nghề phụ…thu nhập khá cao, nông nghiệp là nghề tay trái.

Vì vậy, trồng lúa chủ yếu lấy gạo ăn, nên nhất thiết phải cấy giống lúa chất lượng. M1-NĐ vào đồng đất Thạch Thất trong tâm trạng của một thí sinh lần đầu lai kinh. Thi đậu thì vinh quy bái tổ, thị trượt chỉ còn nước... về vườn.

Là vụ đầu tiên gieo cấy giống mới, 4 HTX nông nghiệp của Thạch Thất vừa làm vừa run. Huyện phải làm “công tác tư tưởng” cho xã, xã truyền lại thôn, thôn thấm vào nông dân. Thế mà vẫn không ít lời ra tiếng vào, lời ong tiếng ve.

Có người nói, cán bộ cứ rước giống mới về nhiều, lấy nông dân ra làm chuột bạch. Lại phải họp, có thôn họp từ khi sáng mặt giời đến lúc lên đèn. Có bà Chủ nhiệm HTXNN phải lấy thâm niên 39 năm làm cán bộ xã ra để “ký cược” với nông dân.

Ông Nguyễn Danh Tần, xã viên HTXNN Dị Nậu lúc đầu nghe nói giống khảo nghiệm cũng run, nhưng vẫn mạnh dạn làm 3 sào 5 thước. Ngày lúa chín, đứng đầu bờ ruộng, trước “bá quan văn võ” địa phương, ông run run nói không thành lời. Lúa quá tốt, từng bông vàng óng ả xếp vào nhau, ken dầy.

Mấy ngày nay trời mưa như trút nhưng lúa chỉ e ấp cúi đầu chứ không mềm cây, đổ oặt đổ ẹo như những ruộng xung quanh. Bấm đốt ngón tây, ông chắc mẩm năng suất không dưới 2,5 tạ/sào.

Ở vụ mùa, đây là mức trần năng suất lúa cao nhất từ trước tới nay với gia đình ông. 60 hộ dân cụm Hòa Bình 1, xã Dị Nậu ai đi qua ruộng nhà ông đều phải ngoái nhìn.

Ông Tần thật thà, thực ra ông làm dối, không đúng như khuyến cáo của Trạm Khuyến nông huyện. Công thức bón phân phải có phân chuồng, nhưng ông “ăn gian” khoản này. Thế mà lúa vẫn tốt bời bời. Nếu làm đúng theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, năng suất chắc cao hơn nữa.

Là nhà cung ứng giống nhưng Cty TNHH Cường Tân không khuyến cáo nông dân gieo cấy giống M1-NĐ ở vụ xuân do một số đặc tính mẫn cảm của giống. Nhưng với vụ mùa thì Cty tin tưởng M1-NĐ sẽ chinh phục được những nông dân khó tính nhất, xứng đáng với tên “giống lúa số 1 cho vụ mùa”.

Được mùa, giúp ông Tần xóa tan mọi e ngại. Vụ tới không chỉ ông mà cả xóm Hào Bình 1 đăng ký gieo cấy giống M1-NĐ. Những người như ông Tần ở xã Dị Nậu không ít. Bà con có quyền lo lắng khi tiếp cận cái mới, nhưng một khi đã được thực tế chứng minh thì bắt họ bỏ cái mới cũng không đơn giản.

Không chỉ năng suất cao, ngon cơm, một điểm khiến bà con nông dân “kết” M1-NĐ còn ở thời gian sinh trưởng. So với nhiều giống khác tương đương về năng suất cũng như chất lượng, M1-NĐ ngắn hơn 5- 7 ngày. Thạch Thất là huyện có phong trào làm cây vụ đông mạnh nhất của Hà Nội.

Vì vậy tiết kiệm được 1 ngày 1 giờ để giải phóng đất lúa, trồng rau màu đều đáng quý. Bởi vụ đông vẫn là vụ cho thu nhập cao nhất, với các mô hình trồng ngô ngọt, rau xanh, bầu bí… cho giá trị hàng chục triệu đồng/sào.

Tuy không sống chính bằng nông nghiệp nhưng nông dân Thạch Thất cần cù, sớm lúa chiều ngô, không cho đất đai ngưng nghỉ, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Để một lần nữa khẳng định hiệu quả cảu giống lúa mới M1-NĐ, ông Đào Duy Tâm, PGĐ Sở NN- PTNT Hà Nội đặt câu hỏi với Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thạch Thất, anh Nguyễn Bùi Hải - người đã có mấy tháng trời “ăn nằm”, trăn trở với mô hình gieo cấy giống lúa mới này, rằng nếu vụ mùa tới hết “bầu sữa” ngân sách, tức hết tiền làm mô hình thì M1- NĐ có “trụ” được không.

Không ngần ngại, anh Hải khẳng định, giờ xui dân bỏ M1-NĐ cũng không được.

Một giống lúa hội tụ đủ các đặc điểm như năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu sâu bệnh thì không phải dễ tìm. Vì vậy, anh Hải tin tưởng vụ mùa tới, M1-NĐ sẽ có một chỗ đứng xứng đáng với diện tích đáng kể trên đồng ruộng Thạch Thất.


Có thể bạn quan tâm

Cuộc Chiến Giá Gạo Châu Á Việt Nam Phải Đối Mặt Cuộc Chiến Giá Gạo Châu Á Việt Nam Phải Đối Mặt

Trao đổi với chúng tôi, TS Phạm Quý Hiệp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hỗ trợ phát triển nông thôn, Hội Khoa học Đông Nam Á thừa nhận một thực tế đáng lo ngại với gạo Việt Nam trong khi người dân vốn đã chán ruộng, tìm đường sinh sống khác.

04/04/2014
Giá Lương Thực Thế Giới Lên Mức Cao Nhất Trong 10 Tháng Giá Lương Thực Thế Giới Lên Mức Cao Nhất Trong 10 Tháng

Nguyên nhân do thời tiết khắc nghiệt tại các nước sản xuất lương thực và cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine, quốc gia xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới.

04/04/2014
“Chợ Chiều” Dưa Hấu “Chợ Chiều” Dưa Hấu

Tính bình quân 1 sào thu 1,5 tấn dưa, 1 ha thu 15 tấn thì 140 ha sẽ có 2.100 tấn dưa nên sắp tới, dưa sẽ tràn các ngõ ngách của Đức Linh, nếu như khâu tiêu thụ bị ứ đọng.

04/04/2014
Lạc Dương Hỗ Trợ Giống Vật Nuôi, Cây Trồng Cho Nông Dân Lạc Dương Hỗ Trợ Giống Vật Nuôi, Cây Trồng Cho Nông Dân

Ở xã Lát và thị trấn Lạc Dương được vốn Nhà nước hỗ trợ 30%, hộ nông dân đối ứng vốn 70% để chuyển đổi các giống vật nuôi mới gồm: 10 con bò cái sinh sản cho 10 hộ (đơn giá 26 triệu đồng/con); 9 con trâu cái cho 9 hộ (đơn giá 28 triệu đồng/con); 23 con heo nái hậu bị cho 23 hộ (đơn giá 7 triệu đồng/con).

25/07/2014
Đồng Hành Cùng Hội Viên Phát Triển Kinh Tế Đồng Hành Cùng Hội Viên Phát Triển Kinh Tế

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Vĩnh Thạnh luôn chú trọng tổ chức, vận động chị em hội viên tham gia lao động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình. Hội viên phụ nữ huyện Vĩnh Thạnh ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trong các phong trào tại địa phương, nhất là phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

04/04/2014