Nuôi ốc hương trong ao đất
Xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản với diện tích nuôi trồng lên đến 370 ha.
Ông Lê Hữu Ngạn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thịnh Đông cho biết, diện tích nuôi ốc hương của địa phương không ngừng tăng.
Nếu như năm 2011, vài hộ nuôi thử nghiệm với diện tích ban đầu khoảng 4 ha, thì đến nay toàn xã đã nhân rộng lên hàng chục ha.
“Những năm qua người nuôi ốc hương có thu nhập rất cao. Nhiều hộ chỉ nuôi với diện tích 2 sào (1.000 m2) lãi ròng hàng trăm triệu, thậm chí gần đến cả tỷ đồng. Do lợi nhuận nuôi ốc hương quá lớn, nên năm ngoái diện tích nuôi của toàn xã lên đến 40 ha.
Tuy nhiên vụ nuôi năm ngoái không thuận lợi như các năm trước nên nhiều hộ thua lỗ đã chuyển sang nuôi cá. Diện tích ốc hương hiện chỉ còn khoảng 30 ha”, ông Ngạn cho biết thêm.
Cũng theo ông Ngạn, mặc dù ốc hương là đối tượng nuôi có nhiều triển vọng, nhưng chưa thể khuyến khích phát triển đại trà bởi chi phí đầu tư lớn và cũng lắm rủi ro. Bên cạnh đó, các ngành chức năng đang tiến hành quy hoạch vùng nuôi ốc hương và khuyến khích người dân nuôi tại vùng đã quy hoạch.
Vùng nuôi ốc hương thuận lợi nhất là khu vực thôn Hòa Diêm, bởi nhiều vụ vừa qua người nuôi ở đây rất thành công.
Ông Trần Thanh Phong, một người nuôi ốc hương cho hay, năm 2011 ông đầu tư nuôi ốc hương. Lúc đầu thả 80 vạn giống với diện tích 2 sào, sau hơn 4 tháng nuôi cho thu hoạch và lãi 500 triệu đồng. Các vụ tiếp theo đều lãi từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng.
Đặc biệt, vụ nuôi năm ngoái, trong khi nhiều người nuôi thua lỗ vì dịch bệnh, ông vẫn thắng đậm.
“Vụ nuôi năm ngoái tôi hợp tác với người bạn thả 2 ao (2 sào/ao), mỗi ao 3 triệu con giống, sau hơn 5 tháng cho thu hoạch khoảng 20 tấn ốc hương, bán với giá 170 ngàn đ/kg, sau khi trừ tất cả chi phí mỗi người lãi gần 1 tỷ đồng”, ông Phong bộc bạch.
Ưu điểm nuôi ốc hương trong trong ao đất có đặt lưới chắn là quản lý được chúng tránh bò đi gây thất thoát, dễ dàng chăm sóc và kiểm soát được lượng thức ăn hàng ngày.
Mặt khác, khi có sự cố về môi trường như đáy cát trong ao bị ô nhiễm có màu đen, mùi hôi có thể xử lý bằng cách chuyển ốc hương nuôi sang ô nuôi mới nhằm trách dịch bệnh.
Ông Phong cho biết, nghề nuôi ốc hương dễ ăn nhưng cũng lắm rủi ro bởi hay bị dịch bệnh nếu không tuân thủ các khâu cải tạo ao đìa, chọn con giống và xử lý nguồn nước.
Nguồn nước biển nuôi ốc hương phải sạch, độ mặn của nước ổn định từ 25 - 35‰, pH từ 7,5 - 8,5, nhiệt độ từ 26 - 30 độ C.
Ao có chất đáy là cát hoặc cát pha, ít bùn. Trước khi nuôi tiến hành bơm cạn nước, vét bùn đáy, phơi khô, sau đó đổ lớp cát mới từ 7 - 10 cm.
Ngoài ra, bờ ao cũng được gia cố chắc chắn, không rò rỉ, có hệ thống cấp và thoát nước dễ dàng. Độ sâu ao nuôi từ 0,8 - 1,5 m nước, có lưới chắn xung quanh mép nước và lớp lưới dưới đáy khoảng 20 cm để tránh ốc bò ra.
Về con giống, cũng như nuôi tôm phải chọn giống ở cơ sở SX có uy tín, giống có kích cỡ đồng đều, khoảng 5.000 - 6.000 con/kg, không thả giống quá nhỏ nhằm tránh hao hụt. Mật độ thả nuôi vừa phải, tối đa khoảng 500 con/m2. Trước khi thả cần để ốc giống thích nghi dần với nhiệt độ nước ao, tránh thả ngay sẽ gây hiện tượng sốc nhiệt.
Thức ăn cho ốc hương là cá con và các loài giáp xác. Cứ 3 ngày cho ăn liên tiếp, nghỉ 1 lần, cho ăn vào buổi chiều vì tập tính của chúng là ăn đêm.
Tuy nhiên chú ý phải thường xuyên theo dõi lượng thức ăn thừa thiếu để điều chỉnh cho phù hợp; nước trong ao được thay hàng ngày theo thủy triều và cho hoạt động thường xuyên quạt nước để cung cấp đủ oxy.
Sau thời gian nuôi từ 5 - 6 tháng có thể tiến hành thu hoạch, kích cỡ thương phẩm từ 90 - 150 con/kg. Thu hoạch bằng cách tháo cạn nước trong ao, sau đó dùng cào hoặc bắt bằng tay
Có thể bạn quan tâm
Ngoài việc phải bảo đảm điều kiện cách xa khu dân cư, quy trình chăn nuôi khép kín, mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao còn được chính quyền địa phương ủng hộ nhờ hiệu quả ổn định nên bà con nông dân xã Cây Trường, huyện Bàu Bàng (Bình Dương) rất an tâm đầu tư thực hiện mô hình này.
Để chủ động phòng bệnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thuỷ sản tiếp tục tăng cường công tác triển khai phòng chống dịch trên toàn tỉnh, song song đó thực hiện tiêm phòng, quản lý tốt các hoạt động giết mổ, bày bán, tiêu thụ gia súc, gia cầm.
Sau những năm tháng trồng rau thuê ở thành phố Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Văn Chiêu, ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung (huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng) trở về quê hương và áp dụng mô hình trồng rau theo hướng an toàn để phát triển kinh tế gia đình và bước đầu anh đã thành công.
Mặc dù, năm nay vải Phương Nam (TP Uông Bí, Quảng Ninh) không được mùa so với mọi năm, nhưng những người trồng vải ở đây vẫn vui, vì giá vải mùa này khá ổn định; không những thế, bà con còn thêm một niềm vui nữa, đó là lần đầu tiên vải chín sớm Phương Nam có thương hiệu riêng trên thị trường tiêu thụ...
Lĩnh vực kinh doanh chính của HTX là: Kinh doanh dịch vụ vật tư nông nghiệp, chế biến nông, lâm sản; với số vốn hoạt động ban đầu của HTX là 786 triệu đồng.