Lúa Japonica J05, lực sỹ chống đổ

Nhằm đưa các giống lúa mới vào SX, Trạm Khuyến nông huyện Gia Lộc (Hải Dương) phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp, Sở KH-CN Hải Dương tổ chức mô hình SX thử nghiệm giống lúa Japonica 05 (J05) từ năm 2014 - 2015, quy mô 0,5 - 1 ha/vụ.
Vừa qua, Trạm Khuyến nông Gia Lộc cùng với các đơn vị nói trên tổ chức hội thảo đầu bờ tại xã Đồng Quang để đánh giá kết quả SX mô hình vụ mùa năm 2015 và kết quả qua 4 vụ SX.
Ông Đỗ Văn Thê, nông dân xã Đồng Quang tham gia mô hình cho biết: “Vụ mùa năm 2015, tôi gieo cấy gần 3 sào giống lúa J05 cho thấy TGST ngắn ngày, khoảng 85 ngày đã được gặt, lúa thấp cây, đẻ nhánh khỏe. Cấy mạ sân 2 - 3 dảnh/khóm nhưng khi gặt mỗi khóm được 9 - 11 bông, hạt xếp sít, to như thóc nếp.
Lúa trỗ gặp gió Tây, nhiệt độ 35 – 37 độ C nhưng lép ít, cứng cây, trỗ như bông lau, mưa giông to các giống lúa khác đổ nhưng lúa này không đổ, chưa phải phun thuốc BVTV. Giống này rất phàm ăn, 1 sào tôi bón 150 kg phân chuồng, 11 kg ure, 20 kg super lân, 6 kg kali. Ước năng suất đạt 270 - 280 kg/sào Bắc bộ (360 m2)”.
J05 là giống lúa hội tụ đầy đủ các điều kiện để mở rộng diện tích trong các vụ tới, các cơ quan chuyên môn cần tổng kết đánh giá các điểm trình diễn để hoàn thiện quy trình kỹ thuật giúp nông dân tiếp nhận và đưa vào SX đạt hiệu quả cao.
Nông dân tham gia mô hình 2 vụ xuân và mùa năm 2015 tại xã Trùng Khánh cho biết, giống lúa này gieo cấy ở vụ xuân chịu rét tốt, lúa trỗ bông gặp gió mùa Đông Bắc, có mưa và trời âm u, nhưng tỷ lệ hạt chắc vẫn rất cao.
Vụ mùa này lúa trỗ hoàn toàn trong thời gian nắng nóng khô, ruộng thiếu nước nhưng tỷ lệ hạt lép ít. Vụ xuân không thấy lúa bị bệnh đạo ôn, vụ mùa không bị bạc lá, lúa rất sáng cây. Giống lúa này thích hợp gieo thẳng cho năng suất trung bình 250 kg/sào, cơm dẻo có mùi thơm nhẹ, tỷ lệ gạo xát cao. Nhược điểm là gạo không trắng.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ nhiệm HTXNN xã Gia Xuyên (Gia Lộc) tham luận tại hội thảo cho biết: “HTX đã thực hiện gieo cấy J05 được 4 vụ. Giống lúa này ngắn ngày thích hợp cho việc bố trí cơ cấu 4 - 5 vụ/năm như luân canh 4 vụ.
Giống J05 chỉ nên áp dụng gieo mạ nền hoặc gieo thẳng, gieo cấy trên đất vàn, vàn cao, chân đất tốt, chăm bón kịp thời, chịu thâm canh, chịu rét và nóng tốt, đặc biệt là chống đổ.
Nếu gieo cấy trên đất bắp cải vụ đông và bón ngay từ đầu vụ thì J05 vẫn cho năng suất không thua kém gì lúa lai. Cấy giống J05 chi phí thuốc BVTV thấp nhất so với các giống đã gieo cấy tại địa phương.
Ở vụ đầu SX, khi lúa trỗ lên bông thẳng, nông dân cho rằng bị lép không vào hạt được, nhưng cuối vụ ai thăm ruộng cũng muốn được gieo cấy trong vụ sau vì lúa cứng cây, sạch sâu bệnh không sợ đổ dù có bón phân nhiều”.
Qua SX trình diễn 4 vụ, các đại biểu đều có nhận xét đây là giống lúa có TGST ngắn, tiềm năng năng suất cao, tính chống chịu tốt hơn hẳn so với các giống đang gieo cấy tại địa phương như Q5, Khang dân 18, Bắc thơm số 7… nhất là bệnh đạo ôn và bạc lá.
Có thể bạn quan tâm

Đến kỳ thu hoạch vụ lúa đông xuân 2012-2013, nhưng nhiều hộ dân ở các xã, thị trấn thuộc huyện Thạch Thất (Hà Nội) đang như "ngồi trên đống lửa", bởi hàng trăm héc ta ruộng gieo cấy giống lúa BC15 (toàn bộ lượng giống này mua của Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình) đang dần hiện hữu mất mùa, năng suất dự kiến giảm 40-70% so với vụ trước do lúa bị lép hạt. Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng giống lúa BC15 mà họ đã mua để gieo cấy là giống rởm?

Ngày 18.2, Cục Thú y (Bộ NNPTNT) xác nhận sau một thời gian dài được khống chế trên địa bàn cả nước, dịch lợn tai xanh đã tái phát tại Quảng Nam.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, do không có cơ sở nhân giống lớn nên giống gà ta hiện không đáp ứng đủ nhu cầu của các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Các trang trại quy mô từ 500 - 1.000 con/lần nuôi phải nhập giống từ tỉnh Bình Định hoặc các tỉnh miền Tây.

Cách nay hơn 8 năm, cá tra từng được xem là “con cá vàng” của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do mỗi hecta nuôi cá tra có thể đạt lợi nhuận hàng tỷ đồng.

Do thiếu kiến thức và kinh nghiệm trong nuôi nai nên nhiều hộ nuôi ở xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa - Phú Yên) đã để nai bị chết trong lúc cắt nhung hay sinh đẻ. Vì thế, bà con đang rất cần được tham gia các lớp tập huấn nhằm khắc phục tình trạng này. Vấn đề này đã được đề xuất cách đây hơn một năm nhưng vẫn chưa được thực hiện.