Trứng Gà Tân An Có Bà Đỡ Tiêu Thụ
Mặc dù đã có nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất thực phẩm sạch, đảm bảo ATTP nhưng việc tiêu thụ lại không dễ ngay cả khi người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn để có được những sản phẩm này.
Loay hoay tìm đầu ra
Cuối năm 2013, nhãn hiệu "Trứng gà Tân An" được tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu tại các hộ chăn nuôi và sản xuất trứng gà tại phường Tân An, thị xã Quảng Yên.
Đại diện Sở NN&PTNT Quảng Ninh cho biết: Để được cấp chứng nhận nhãn hiệu "Trứng gà Tân An", các trang trại phải có quy trình sản xuất theo công nghệ khép kín, hiện đại, đảm bảo về môi trường.
Nhờ những quy định khắt khe mà sản phẩm trứng gà Tân An có nhiều ưu điểm vượt trội: Chất lượng tốt, quả to, nhiều lòng đỏ, giá bán trung bình 2.000 đồng/quả.
Mặc dù chất lượng tốt nhưng thị trường tiêu thụ chính của trứng gà Tân An chủ yếu vẫn trông chờ vào hệ thống chợ truyền thống và các đại lý ở địa phương.
Anh Nguyễn Duy Diễn và chị Phạm Thị Nguyệt Dung, chủ một trang trại chăn nuôi, sản xuất "Trứng gà Tân An" cho biết: Mặc dù trang trại có quy mô 6ha, có thể nuôi 60.000 gà đẻ trứng nhưng chỉ dám nuôi 40.000 con gà, trung bình mỗi ngày cung cấp cho thị trường 30.000 quả trứng. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều chủ trang trại chăn nuôi khác.
Việc người nuôi không dám mở rộng quy mô là do việc tiêu thụ sản phẩm không ổn định. Trong khi đó, giá bán lệ thuộc vào sức mua của người tiêu dùng, sự lên xuống của giá cả thị trường. Có những thời điểm, giá bán chỉ hơn 1.000 đồng/quả khiến nhiều chủ trang trại lâm vào cảnh thua lỗ.
Khi nhà phân phối cùng đồng hành
Nếu tìm được nguồn tiêu thụ ổn định, việc nuôi và cung cấp trứng gà Tân An sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, tạo nguồn thu nhập tương đối khá cho người chăn nuôi, đó là nguyện vọng của hầu hết các chủ trang trại.
Với mục tiêu góp phần thúc đẩy các ngành nghề sản xuất tại địa phương, trong thời gian qua, Big C đã liên tục tìm kiếm và tiếp cận với những nhà sản xuất tiềm năng tại Quảng Ninh, trong đó có các trang trại sản xuất trứng gà Tân An.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm DN, trang trại đáp ứng được những quy định về nhãn hiệu, cách thức đóng gói hàng hóa là điều không dễ. Nhiều chủ trang trại "Trứng gà Tân An" mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị tiêu thụ, sản phẩm tuy tốt nhưng lại không được siêu thị chấp nhận.
Qua những lần gặp gỡ và trao đổi với đại diện Bộ phận Hỗ trợ & Phát triển DN nhỏ và vừa (DNNVV) Big C, các chủ trang trại mới biết, sản phẩm có chất lượng tốt là chưa đủ mà còn phải có nhãn mác rõ ràng, mã số mã vạch đầy đủ để khách hàng nhận biết dễ dàng và có thể bày bán trong hệ thống phân phối hiện đại.
Được Bộ phận Hỗ trợ & Phát triển DNNVV Big C tư vấn, các chủ trang trại đã tiến hành đăng ký mã vạch, tem nhãn, tăng cường tuân thủ các quy định về ATTP, hoàn tất hồ sơ để trở thành nhà cung cấp trứng gà lâu dài cho Big C.
Nhờ vậy, những vỉ trứng gà Tân An đã nhanh chóng xuất hiện tại Big C Hạ Long với 3 loại sản phẩm: trứng gà sạch Tân An, sản phẩm trứng gà mang nhãn hàng riêng Big C, và trứng gà làm nguyên liệu cho quầy bánh mỳ với số lượng tiêu thụ ổn định, khoảng 50.000 quả/tháng.
Không chỉ riêng trứng gà Tân An, rất nhiều sản phẩm nông sản khác của các DNNVV thông qua sự hỗ trợ của Bộ phận Hỗ trợ & Phát triển DNNVV Big C đã đạt được những thành công nhất định, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho DN.
Bộ phận Hỗ trợ & Phát triển DNNVV đã trở thành cầu nối giữa Big C với các nhà cung cấp địa phương, giúp các DNNVV cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, từ đó dần thâm nhập vào thị trường bán lẻ hiện đại. Đại diện Sở Công Thương Quảng Ninh cho biết: Sự hỗ trợ của Big C đã góp phần khích lệ nhân rộng mô hình trang trại chăn nuôi quy mô lớn tại địa phương, từ đó góp phần vào sự thành công của chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Để kết nối với các DN, các nhà cung cấp địa phương, từ năm 2009, Big C đã liên tục tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, thành lập Bộ phận Hỗ trợ & Phát triển DNNVV (tháng 10/2013) làm cầu nối giữa Big C với các nhà cung cấp địa phương. Nhờ đó, Big C đến nay đã ký kết thỏa thuận hợp tác với hơn 110 DNNVV tại các địa phương này với tổng trị giá hợp đồng ước tính hơn 100 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác và tránh tình trạng "được mùa mất giá", Hội Nông dân xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) đã xây dựng mô hình trồng chuối già cấy mô. Sau hơn 1 năm thí điểm, mô hình đã đem lại nguồn thu nhập ổn định và cao gấp 3 đến 4 lần so với trồng lúa.
Nhiều năm liền vùng nuôi tôm càng xanh lớn nhất ĐBSCL tại huyện Tam Nông (Đồng Tháp) trong vụ nghịch đều thắng đậm, nhưng năm nay lại thất thu, có hộ bị thua lỗ nặng.
Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng cho biết, thực hiện Đề tài “Nghiên cứu cải tạo đất nền sau khai thác và bùn đỏ của Nhà máy Khai thác luyện bauxit- alumin kết hợp với một số chế phẩm hữu cơ thành nền đất trồng tại Tân Rai-Lâm Đồng”, nhóm các nhà khoa học của các Sở Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Lâm Đồng, Trường Đại học Đà Lạt, Công ty Bauxit Lâm Đồng cùng các chuyên gia trong tỉnh đã trồng thử nghiệm thành công bước đầu cây thanh long và cây dứa cayenne trên 300 mét vuông đất bùn đỏ được trung hòa bằng các vật liệu hữu cơ có tính axit.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ tập trung chỉ đạo chăm sóc lúa, rau màu vụ Hè Thu, vụ Mùa 2015 trong tình hình hạn hán.
Do ảnh hưởng bởi nắng nóng gay gắt kéo dài trong thời gian qua, nhiều diện tích chè ở thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) bị cháy búp gây thiệt hại lớn cho người trồng chè. Không những thế, đến thời điểm này, một số diện tích cây đã chết khô không thể cứu vãn, phải nhổ bỏ.