Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Dịch bệnh được kiểm soát, người chăn nuôi phát triển đàn

Dịch bệnh được kiểm soát, người chăn nuôi phát triển đàn
Ngày đăng: 21/09/2015

Người chăn nuôi đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi bò

Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên vật nuôi được kiểm soát nên người chăn nuôi an tâm đầu tư phát triển đàn.

Kiểm soát dịch bệnh

Theo Chi cục Thú y tỉnh Phú Yên, từ đầu năm đến nay, nhiều tỉnh, thành trong cả nước phát sinh một số ổ dịch lở mồm long móng (LMLM) ở trâu, bò; bệnh tai xanh ở heo và cúm gia cầm trên đàn gà, vịt… nhưng nhờ được phát hiện, khống chế kịp thời nên dịch bệnh không lây lan rộng.

Tại Phú Yên, từ đầu năm đến nay, đàn gia súc, gia cầm của tỉnh có phát sinh rải rác một số loại bệnh như tụ huyết trùng, ecoli, niu cát xơn…

Đây là những loại bệnh thông thường, sau khi phát hiện, được điều trị đúng cách, đàn vật nuôi đã ổn định, không gây thiệt hại nhiều về kinh tế. Riêng các loại dịch bệnh nguy hiểm như LMLM, tai xanh và cúm gia cầm thì chưa phát sinh.

Để kiểm soát dịch bệnh trên vật nuôi, thời gian qua, ngành Thú y, các địa phương và người chăn nuôi đã thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống.

Ông Nguyễn Khắc Hoàng Quang, Phó trưởng trạm Thú y huyện Đồng Xuân, cho biết:

Ngoài biện pháp tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi, trạm còn hướng dẫn cán bộ thú y các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát việc mua bán, giết mổ động vật trên địa bàn. Trạm Thú y huyện Đồng Xuân còn phối hợp cùng các địa phương vận động, tuyên truyền người chăn nuôi chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi an toàn sinh học.

Trong khi đó, huyện Phú Hòa, địa phương có nghề nuôi heo và gia cầm khá phát triển, cũng tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm khống chế, không để dịch bệnh phát sinh. Ông Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng trạm Thú y huyện Phú Hòa, cho hay:

Nhờ kiểm soát được dịch bệnh, người chăn nuôi ở địa phương an tâm đầu tư nên đàn gia súc, gia cầm của huyện đang ổn định với đàn gia súc khoảng 31.000 con, gia cầm 558.000 con.

Trong thời gian tới, để tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh ở vật nuôi, Trạm Thú y huyện Phú Hòa tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm phòng, phấn đấu tiêm phòng vắc xin LMLM đạt tỉ lệ trên 90% tổng đàn; đồng thời vận động người chăn nuôi tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm và heo tai xanh để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi trong mùa mưa bão sắp tới.

Người chăn nuôi phát triển đàn

Từ đầu năm đến nay các loại bệnh nguy hiểm như LMLM, heo tai xanh và cúm gia cầm không xuất hiện nên người chăn nuôi khá an tâm, bà con mạnh dạn phát triển đàn. Bà Trần Thị Thanh Lài ở xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), cho biết:

Cả năm ngoái và năm nay, đàn bò của nhà tôi chưa mắc bệnh gì; chúng khỏe mạnh và mau lớn.

Mỗi năm, gia đình tôi bán được 3 con bò thịt, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Vừa qua, chúng tôi mua thêm 3 con nghé gần 50 triệu đồng để gầy đàn, hiện đàn bò nhà tôi có 10 con.

Ông Phạm Dạn ở thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa), cho biết: Mặc dù giá heo hơi thời gian qua hạ thấp, lợi nhuận không cao nhưng bù lại sức khỏe của vật nuôi ổn định, rủi ro thấp nên tôi vẫn tăng đàn để tăng thu nhập.

Hiện gia đình tôi nuôi 120 con heo với hình thức bán công nghiệp.

Tôi đang tiếp tục đặt heo giống để tăng thêm đàn trong vụ tới.

Theo ông Võ Hoài Văn, chủ trang trại chuyên cung cấp heo giống ở huyện Đông Hòa, thời gian gần đây người nuôi heo bắt đầu tăng đàn, nhu cầu con giống cũng tăng theo. Hiện mỗi tháng trang trại cung ứng khoảng 300 con giống cho thị trường.

Còn ông Võ Trí Tâm ở xã Hòa Phú (huyện Tây Hòa), cho biết:

Trang trại của gia đình tôi đang nuôi 2.000 con gà ta theo hướng công nghiệp. Gần đây, giá gà nhích dần lên nên gia đình tôi chuẩn bị nhập thêm 2.000 con giống nữa để nuôi lấy thịt và cung ứng cho thị trường.

Ông Đào Lý Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, khuyến cáo: Thời tiết đang bắt đầu vào giai đoạn chuyển mùa, sắp tới sẽ bước vào mùa mưa bão, là thời điểm các loại dịch bệnh trên động vật xuất hiện và bùng phát mạnh nên nguy cơ phát sinh dịch bệnh là rất cao.

Để hạn chế rủi ro, người chăn nuôi cần quan tâm đến việc giữ gìn vệ sinh môi trường, tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi bằng cách tiêm phòng vắc xin phòng dịch và bổ sung thức ăn thô xanh, khoáng chất…

Chi cục Thú y tỉnh tiếp tục chỉ đạo các trạm thú y huyện, thị, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát để phát hiện sớm và xử lý kịp thời nếu xảy ra dịch bệnh, không để phát tán trên diện rộng.

Theo Sở NN-PTNT, nhờ dịch bệnh tạm lắng, người chăn nuôi mạnh dạn tăng đàn nên số lượng gia súc, gia cầm toàn tỉnh đang tăng nhẹ. Hiện tổng đàn trâu của tỉnh 4.000 con, tăng 5,6% so cùng kỳ năm ngoái; đàn bò hơn 177.600 con, tăng 0,4%, trong đó bò lai chiếm tỉ lệ 67%; đàn heo gần 110.000 con, tăng 5,6%; đàn gia cầm khoảng 3,7 triệu con, tăng 1,4%.


Có thể bạn quan tâm

Thu tỷ đồng nhờ học trồng bưởi qua đài phát thanh Thu tỷ đồng nhờ học trồng bưởi qua đài phát thanh

Từ tay trắng, ông Hồ Văn Kiệt gây dựng được vườn bưởi da xanh 300 gốc, mỗi năm thu một tỷ đồng. Mô hình VietGap trồng bưởi da xanh chất lượng vietgap

15/09/2017
Nông dân thời 4.0: Khởi nghiệp với 5G Nông dân thời 4.0: Khởi nghiệp với 5G

Khởi nghiệp từ năm 2009 với mô hình kinh tế VAC, đến nay, anh Nguyễn Văn Luật, xóm Tây Cát, xã Hải Đông (Hải Hậu - Nam Định) đã trở thành tỷ phú

18/09/2017
Tỷ phú vườn - rừng và khát vọng xuất khẩu cam không hạt Tỷ phú vườn - rừng và khát vọng xuất khẩu cam không hạt

Ở tuổi 63, khi đã thành công với mô hình vườn – rừng với doanh thu mỗi năm 20 tỷ đồng; điều hành 2 công ty, có trên 51ha đất trồng rừng, vườn cây ăn trái

21/09/2017
Lão nông Út Huy biến vùng “đất dữ” Maren thành trang trại tỷ đô Lão nông Út Huy biến vùng “đất dữ” Maren thành trang trại tỷ đô

Maren là “vùng đất dữ”, rồi ngày nọ một lão nông tri điền khăn gói vào đây khai phá và dựng nên một trang trại hiện có trị giá “tỷ đô”,gây kinh ngạc nhiều người

22/09/2017
Bỏ thị thành, chị lên rừng trồng bưởi da xanh thu tiền tỷ Bỏ thị thành, chị lên rừng trồng bưởi da xanh thu tiền tỷ

Giờ đây chị Nguyễn Thanh Thủy đã là nữ tỷ phú với tài sản hàng trăm tỷ đồng và sở hữu vườn bưởi da xanh lớn nhất, nhì vùng Đông Nam Bộ.

23/09/2017