Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng Tiêu Theo Hướng Bền Vững Đem Lại Thu Nhập Cao

Trồng Tiêu Theo Hướng Bền Vững Đem Lại Thu Nhập Cao
Ngày đăng: 19/08/2013

Nhờ biết cách chăm sóc tiêu theo hướng bền vững mà anh đã giữ được vườn tiêu xanh tốt trong nhiều năm nay. Việc trồng tiêu với nhiều bà con thì là một sự may rủi nhưng với anh thì hoàn toàn chủ động trước dịch bệnh lan tràn trên cây tiêu.

Sau mỗi vụ mùa, anh đã đầu tư tích cực để cải tạo cho đất, tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho những sinh vật có lợi phát triển, hướng khai thác của anh là lâu dài chứ không chạy theo năng suất mà vắt kiệt cây trồng và thổ nhưỡng.

Những năm gần đây, khi giá tiêu trên thị trường tăng cao, đã giúp cho đời sống người nông dân trồng tiêu thay đổi nhanh chóng, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo và trở thành những hộ giàu có. Tuy nhiên, diện tích trồng tiêu đã tăng đột biến trong 2 năm gần đây, khi giá tiêu ở mức 110.000 - 130.000 đồng/kg.

Chính vì sự hấp dẫn của nó mà rất nhiều hộ nông dân đã thay đổi cơ cấu cây trồng nhanh chóng: phá cà phê trồng tiêu, trồng tiêu dưới gốc điều, cao su, tận dụng các đường đi bờ rào để trồng tiêu. Sự phát triển nhanh và ồ ạt đã khiến cho tình hình dịch bệnh trên cây tiêu tăng nhanh. Dịch chết nhanh trên cây tiêu đã xảy ra làm thiệt hại cả vườn tiêu trong nháy mắt mà chưa có thuốc chữa hữu hiệu.

Trước thực trạng đó, anh Nguyễn Hữu Choong ở thôn Đăk Suôn – xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức tỉnh Đăk Nông đã có những cách nhìn mới về thâm canh tiêu và tránh cho vườn tiêu nhà mình khỏi dịch bệnh chết nhanh. Với 1000 trụ tiêu thu hoạch chính vụ một năm anh đã thu được 6 tấn tiêu, điều đặc biệt là năng suất luôn giữ ở mức ổn định và bệnh trên cây tiêu xảy ra ít có thể quản lý được.

Gia đình anh Choong quê gốc ở Hải Dương vào Đăk Nông lập nghiệp từ năm 1997. Trước khi lên Đăk Nông anh đã có một thời gian sống với bố mẹ ở Đồng Nai - nơi có nền nông nghiệp phát triển rất mạnh, nhưng vì thiếu đất sản xuất nên anh đã lên Đăk Nông lập nghiệp.

Hôm chúng tôi xuống thăm gia đình anh là lúc anh đang tham dự cuộc họp hội đồng của thôn Đăk Suôn. Anh gặp chúng tôi rất vui vẻ và thân mật. Anh nói: “Cũng nhờ có công tác khuyến nông phát triển nên bà con nông dân mới tiếp cận được những cách làm mới, giống vật nuôi cây trồng mới và có hiểu biết hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong cộng đồng.

Nhờ đi tập huấn nhiều, những kiến thức chăm sóc cây trồng theo hướng bền vững đã ngấm vào tôi từ khi nào không hay, mỗi khi ra vườn là tôi lại nhớ lại những khuyến cáo, những biện pháp kỹ thuật đã được học và áp dụng luôn. Để vườn tiêu phát triển tốt, ngay từ ngày đầu tôi đã chuẩn bị thay dần những trụ tiêu bằng cây sống. Không bón phân hóa học mà chỉ dùng phân vi sinh và các loại phân hữu cơ, phân bón lá.”

Cách làm vườn của anh cũng thật nhàn nhã, không còn làm sạch bóng vườn tiêu như ngày xưa vì anh hiểu rằng làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến rễ tiêu và các loại tuyến trùng không còn thức ăn nên tập trung phá rễ tiêu. Cách bón phân chăm sóc cũng phải cẩn thận, càng giảm được lượng phân hóa học trong đất càng tốt.

Bón phân hữu cơ vi sinh, phân bò và tro. Nhờ vậy mà môi trường đất luôn được cải tạo tốt, nâng độ pH của đất làm cho hệ vi sinh vật có lợi phát triển mạnh hơn từ đó khống chế được những sinh vật có hại. Ngoài ra, anh còn sử dụng chế phẩm sinh học từ nấm Trichoderma sp - là dòng nấm đối kháng với Phytophthora sp, Fusarium sp để hạn chế dịch bệnh. Những trụ tiêu nghi là nhiễm bệnh sẽ được xử lý triệt để bằng cách phá bỏ và nhặt sạch đem tiêu hủy ngay.

Chỗ đất trồng tiêu được rắc vôi khử trùng kỹ lưỡng và luân canh cây trồng khác trước khi trồng lại tiêu. Biện pháp làm này của anh đã có hiệu quả rõ rệt, đã hạn chế được sự bùng phát của dịch bệnh.

Theo anh thì cây tiêu là một loại cây trồng rất nhạy cảm, việc đầu tư phân bón thường không nhiều, chỉ cần chăm sóc tỷ mỉ, kỹ càng là được. Mùa mưa không nên xới đất trong gốc tiêu làm cho tiêu bị tổn thương, khi hái cũng cần phải làm hết sức nhẹ nhàng để tránh cho tiêu bị trầy xước, gẫy cành. Trong quá trình chăm sóc đòi hỏi người trồng tiêu phải có tính nhẫn nại, chăm chỉ không được vội vàng hấp tấp và làm cho qua chuyện.

Năm 2011, anh trồng thêm 1.500 trụ tiêu nữa, trong vụ mùa tới bắt đầu cho thu bói.

Trong niên vụ 2012, khi nhiều gia đình đang rất sợ vì bệnh chết nhanh, chết chậm nhưng vườn nhà anh vẫn cho năng suất ổn định. Anh rất yên tâm vì mình đã làm đúng theo quy trình kỹ thuật, từ đó cây trồng có sức đề kháng cao với các loại nấm bệnh. Từ 1000 trụ tiêu cho thu nhập chính và 1.500 trụ tiêu đang thu bói anh thu được 6 tấn tiêu, bán với giá 125.000 đồng/kg anh đã thu được 750 triệu đồng.

Tổng chi phí đầu tư 1 năm là 322 triệu đồng (trong đó bao gồm: tiền các loại phân bón 150 triệu đồng/năm, các loại thuốc BVTV, phân bón lá là 20 triệu đồng/năm, chi phí mùa tưới 10 triệu đồng/năm, thuê công hái và chăm sóc 70 triệu đồng/năm, công hai vợ chồng một năm là 72 triệu đồng). Lợi nhuận thu được là 428 triệu đồng, tỷ suất lợi nhuận 57%. Đây đúng là mức thu nhập cao với bà con nông dân.

Hiện nay, các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững là một hướng đi tất yếu trong tương lai không xa của nền nông nghiệp nước ta. Các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững là sản phẩm an toàn phục vụ lợi ích của người tiêu dùng. Để làm được điều này thì rất cần các ngành chức năng và mọi người trong xã hội cùng chung tay.

Một khi người nông dân (người trực tiếp làm ra sản phẩm) được đền đáp công lao xứng đáng thì họ sẽ thể hiện tính nhân văn và trách nhiệm với xã hội cao hơn. Vấn đề thị trường cho sản phẩm luôn là một vấn đề khó khăn với nhiều nhà hoạch định kế hoạch.

Với mức độ thâm canh và tăng nhanh về năng suất các sản phẩm nông nghiệp thì việc thừa nguồn cung là một điều không thể tránh khỏi trong tương lai không xa, vì thế sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm là một hướng đi đúng đắn cần được nhiều nông dân hưởng ứng và nhân rộng mô hình của gia đình anh Choong.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi heo sạch bằng cám thảo dược Nuôi heo sạch bằng cám thảo dược

Bằng việc tận dụng các phế phẩm nông nghiệp kết hợp với dung dịch thảo dược, mô hình chăn nuôi heo sạch tại Quảng Ngãi đã đem lại hiệu quả thiết thực.

29/07/2019
Trồng huệ trên đất lúa thu nhập khá Trồng huệ trên đất lúa thu nhập khá

Nông dân huyện Phúc Thọ (Hà Nội) nhờ chuyển đổi trồng lúa sang trồng hoa huệ, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

29/07/2019
Hiệu quả thâm canh nhãn VietGAP Hiệu quả thâm canh nhãn VietGAP

Niên vụ sản xuất 2018-2019, Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên đã phối hợp với các địa phương trên địa bàn trình diễn thành công nhiều mô hình thâm canh nhãn theo h

30/07/2019
Cấm triệt để các hình thức khai thác thủy hải sản tận diệt Cấm triệt để các hình thức khai thác thủy hải sản tận diệt

Việc khai thác thủy hải sản bằng phương tiện tận diệt đang khiến nguồn lợi thủy hải sản bị giảm sút nghiêm trọng.

30/07/2019
Làm giàu từ cây na trên vùng sỏi đá Làm giàu từ cây na trên vùng sỏi đá

Trồng na trên vùng đất sỏi đá, mỗi năm thu về gần 400 triệu đồng, anh Nguyễn Tấn Thạch (xã Kon Yang, huyện Kong Chro, Gia Lai) đang chứng minh cho nhiều người.

31/07/2019