Tìm Thị Trường Tiêu Thụ Ngao Thương Phẩm
Trước tình hình tiêu thụ ngao thương phẩm của tỉnh Thái Bình hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, Sở Công Thương tỉnh đã phối hợp với các địa phương ven biển khảo sát và nắm bắt tình hình nuôi thả, tiêu thụ ngao tại huyện Tiền Hải và Thái Thụy.
Trên cơ sở đó tổ chức các hoạt động liên kết xúc tiến thương mại nhằm tăng cường hỗ trợ tìm thị trường tiêu thụ ngao; trong đó đặc biệt chú trọng đến thị trường tiêu thụ nội địa ở các thành phố lớn (Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh...) và các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và EU.
Phát huy lợi thế vùng ven biển, đặc biệt là nuôi ngao cho “siêu lợi nhuận” trong những năm qua, nhiều địa phương ven biển của tỉnh Thái Bình đã đầu tư phát triển mở rộng vùng nuôi ngao tăng lên hàng nghìn héc ta. Điển hình như huyện Tiền Hải, mặc dù không phải là địa phương sớm có nghề nuôi ngao, song đến nay, huyện đang là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về sản lượng ngao hàng năm.
Theo ông Nguyễn Văn Bái - Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải, hiện toàn huyện có trên 4.000 ha ao, đầm, vây nuôi trồng thuỷ sản nước mặn, lợ, ngọt...; trong đó diện tích nuôi ngao chiếm khoảng 1.900 ha với sản lượng ngao thương phẩm hàng năm đạt khoảng 50.000 - 60.000 tấn.
Thời gian qua, khoảng 60 - 65% sản lượng ngao thương phẩm của Tiền Hải được tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc, khoảng 30% xuất khẩu sang EU và 10% tiêu thụ nội địa. Ngao thương phẩm xuất sang Trung Quốc chủ yếu qua đường tiểu ngạch, nhưng từ giữa năm 2012, Trung Quốc ngừng nhập khẩu ngao khiến giá thu mua giảm thê thảm, chỉ bằng một nửa so với trước.
Thời kỳ cao điểm, giá ngao từ 23.000 - 25.000 đồng/kg, cuối năm 2012 giảm còn 10.000 - 11.000 đồng/kg mà còn khó bán. Ngao không bán được trong khi người nuôi vẫn phải chịu chi phí trông coi, lãi suất ngân hàng… Hiện trên địa bàn huyện Tiền Hải cũng có Công ty cổ phần xuất khẩu ngao Thái Bình chuyên chế biến ngao xuất khẩu sang thị trường EU và một phần chuyển ngao nguyên liệu vào miền Nam chế biến.
Tuy nhiên, khó khăn nhất của doanh nghiệp này là thiếu vốn mua nguyên liệu chế biến, vì vậy đứng chân ngay trên vựa ngao của Tiền Hải mà lại không có ngao để sản xuất, trong khi địa phương đang thừa hàng nghìn tấn ngao không tìm được nơi tiêu thụ. Không những thế, khó chồng lên khó, năm 2012 nhiều vùng nuôi ngao ở Tiền Hải xuất hiện dịch bệnh khiến ngao chết hàng loạt; bão số 8 cũng làm nhiều chủ đầm ngao trắng tay. Từ đầu năm 2013, ngao nhúc nhích tăng giá lên khoảng 12.000 - 14.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc mỗi ngày chỉ nhập khoảng vài chục tấn, trong khi sản lượng ngao cần bán tại Tiền Hải tại thời điểm này lượng cũng lên tới vài nghìn tấn. Theo ông Bái thì khó khăn lớn nhất với người nuôi ngao ở Tiền Hải hiện nay là thị trường tiêu thụ và ô nhiễm môi trường nuôi.
Để tháo gỡ khó khăn cho các hộ nuôi, huyện Tiền Hải đã thực hiện một số biện pháp như hỗ trợ lãi suất vốn vay trong 4 tháng cuối năm, đồng thời tìm thêm một số thị trường mới để mở rộng thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên về lâu dài, tỉnh và huyện cần có một chiến lược đầu tư gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tổ chức kết nối các doanh nghiệp với người nông dân trong vấn đề bao tiêu sản phẩm cho người nông dân.
Cùng với đó các ngành chức năng, doanh nghiệp và người nuôi ngao cần tăng cường sự liên kết, phối hợp hiệu quả, từng bước xây dựng thương hiệu “ngao Tiền Hải” và tổ chức việc xuất khẩu theo đường chính ngạnh, tìm kiếm mở rộng các thị trường khác như EU và tăng cường tiêu thụ nội địa ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh... tránh bị phụ thuộc quá vào một thị trường dẫn đến tình trạng ngao bị ép giá và khó tiêu thụ như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn lợi cá ngừ đại dương, hài hòa lợi ích cho các bên tham gia trong chuỗi từ khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ với tinh thần chung là sẽ tập trung nguồn lực để thúc đẩy phát triển ngành cá ngừ, tạo ra liên kết chặt chẽ theo chuỗi giữa các khâu, đảm bảo giá trị kinh tế.
Mức giá hồ tiêu đầu năm 2014 tưởng được coi là kỷ lục với 145 ngàn/kg, nhưng đến tháng 7 còn lên tới 190 ngàn/kg. Giá tiêu càng hấp dẫn, nhiều nhà vườn càng chạy đua trồng tiêu.
Nếu lấy mốc thời gian năm 1996 (thời điểm Công ty Agifish xuất khẩu container cá basa đầu tiên vào thị trường Mỹ) để đề cập đến quá trình phát triển của một sản phẩm quốc gia thì đến nay, nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL đã “ngót nghét” gần 20 năm. Trong quãng thời gian ấy, có hàng chục ngàn người làm giàu một cách nhanh chóng, nhà máy chế biến thủy sản ra đời như “nấm mọc sau mưa”.
Từ chỗ toàn ngành chỉ XK được 11 triệu USD, không đủ cho việc nhập vật tư thiết bị cho SX trong nước, đến nay đã XK khoảng 6,5 tỷ USD; từ chỗ cả ngành nuôi trồng và khai thác thủy sản chỉ cung cấp được 600.000 tấn thủy hải sản cho nhu cầu tiêu dùng nội địa, đến nay đã SX trên 3 triệu tấn.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông lâm ngư (KNLN) Thừa Thiên Huế Bùi Thị Hải Yến cho biết, gần đây đơn vị thực hiện nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản xen ghép mang lại hiệu quả khả quan. Mô hình nuôi tôm sú-rong câu trong ao nước lợ thực hiện thí điểm trong năm 2014 mang lại kết quả như mong đợi. Ưu điểm của mô hình là giãn khoảng cách vụ nuôi, tác động tương hỗ giữa thực vật (rong biển) và động vật (tôm) đến môi trường, hạn chế tối đa dịch bệnh và mang lại lợi nhuận cao.