Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng Rừng Cần Chọn Giống Cây Phù Hợp Với Từng Vùng

Trồng Rừng Cần Chọn Giống Cây Phù Hợp Với Từng Vùng
Ngày đăng: 02/12/2014

Chương trình trồng rừng sản xuất của Nhà nước triển khai đến dân chủ yếu dựa trên nhu cầu đăng ký trong dân. Tuy nhiên thực tế vẫn còn những nơi “Cây cấp một đằng, dân lại trồng một nẻo”, ở thị xã cũng xảy ra tình trạng như vậy.

Thôn Tân Cư thuộc xã Xuất Hóa (Bắc Kạn) là một trong những vùng có thế mạnh về phát triển rừng, nhờ rừng mà nhiều hộ trong thôn đã xây dựng được nhà cửa khang trang, sắm được phương tiện đi lại, có tiền cho con em mình đến trường đi học.

Lâu nay các loại cây chủ lực ở Tân Cư vẫn tập trung vào cây quế và cây mỡ, đây là loại cây trồng phù hợp nhất với điều kiện của vùng. Chính vì vậy hàng năm mặc dù Nhà nước có triển khai cho dân đăng ký trồng mỡ và keo nhưng hầu như các hộ dân chỉ tập trung trồng cây mỡ và quế, còn cây keo thì không phù hợp.

Đặc biệt trong một hai năm gần đây ngay cả giống mỡ người dân ở thôn cũng không còn mặn mà vì họ lo sợ sâu ong hại mỡ. Do đó dù được hỗ trợ miễn phí cây con của Nhà nước nhưng nhiều hộ dân ở Tân Cư vẫn chuyển sang trồng quế, trong khi đó để trồng quế người dân phải bỏ tiền ra mua giống cây hoạc tự ươm giống.

Hiện tại thôn Tân Cư có đến hàng 100ha cây quế, ông Phùng Kim Bình –Trưởng thôn Tân Cư cho biết “Nguyện vọng của nhân dân trong vùng là muốn được Nhà nước hỗ trợ giống cây quế vì đất nơi đây rất phù hợp với cây trồng này, vụ trồng rừng năm 2015 cả thôn đăng ký vào 40ha quế nhưng chưa biết có được đáp ứng không ?”.

Thôn Tân Thành, thôn Khuổi Chang thuộc xã Nông Thượng cũng có tiềm năng phát triển cây quế và thực tế hàng năm thôn đều tự bỏ tiền để mua giống quế về trồng dù giá quế có cao hơn mỡ và keo một chút. Anh Hoàng Hữu Thanh ở thôn Tân Thành cũng có hơn 1ha quế, đồi quế của gia đình đều do anh tự ươm giống khi thì nghìn cây, lúc thì vài trăm cây cứ thế trồng gối từ năm này đến năm khác.

Anh Thanh cho biết “Vì đất ở đây rất hợp cây quế nên gia đình chỉ thích trồng cây này, thứ nữa là dù cây cho thu hoạch lâu năm nhưng lại cho kinh tế cao, khó có thể cây nào thay thế cây trồng này ở vùng tính đến thời điểm hiện tại”.

Ông Hoàng Hữu Sinh- Trưởng thôn Tân Thành trong những lần tiếp xúc cử tri đã đề đạt nhiều lần lên đại biểu HĐND tỉnh về việc muốn được hỗ trợ cây quế thay vì hỗ trợ cây keo và mỡ như hiện nay vì khi cấp cây mỡ và keo thì người dân sẽ không mặn mà, thậm chí nhiều hộ bỏ giống đi để chuyển sang trồng quế.

Trong 2 đến 3 năm trở về đây nhân dân thôn Tân Thành không còn đăng ký trồng rừng theo Dự án rừng sản xuất của Nhà nước nữa, mọi người đều đi mua hoạc tự ươm quế về trồng trên đất đồi nhà mình. Hiện tại thôn Tân Thành có khoảng 70ha quế, ngoài ra ở thôn Khuổi Chang cũng có vài chục ha.

Trao đổi vấn đề này ông Triệu Văn Chinh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã lý giải “Đúng là nhân dân ở một số vùng có nguyện vọng đăng ký trồng quế nhưng hiện nay giống quế khá cao, cụ thể là trên 1 nghìn đồng/cây, thời gian gieo ươm của quế là trên 9 tháng vì vậy nếu hỗ trợ hoàn toàn giống quế với giá cả như vậy thì khó triển khai.

Tuy nhiên việc hỗ trợ giống quế vẫn có thể thực hiện nếu như người dân đối ứng 50% tiền mua giống, chúng tôi đã thăm nắm và phổ biến cơ chế như vậy nhưng xem ra dân chưa mấy đồng tình”.

Cũng theo cơ quan chức năng thì hiện nay diện tích rừng ở thị xã nhỏ lẻ, manh mún nên việc triển khai trồng rừng chưa có sự tập trung. Trong năm 2015 thị xã sẽ triển khai trồng rừng phân tán với một số giống cây như lát, xoan, hiện tại Dự án Bảo vệ và Phát triển rừng của thị xã đã tổ chức cho dân đăng ký. Riêng về cây quế thì không nằm trong cơ cấu được cấp giống, nhân dân vùng nào muốn trồng quế lại phải tự bỏ tiền, bỏ công ra để mua, ươm giống.

Tại sao nhân dân một số nơi muốn được hỗ trợ cây quế nhưng lại không được đáp ứng ? Theo Thông tư liên tịch hướng số 03 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư- Bộ Nông nghiệp và PTNT - Bộ Tài chính có quy định việc thực hiện mức hỗ trợ trồng rừng như sau: Đối với các xã đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ 4 triệu 500 nghìn đồng/ha với cây gỗ lớn trên 10 năm tuổi, có nghĩa là các xã đặc biệt khó khăn sẽ được cấp 100% tiền cây giống trong phạm vi số vốn cho phép.

Còn ngoài xã đặc biệt khó khăn thì mức hỗ trợ là 2 triệu 250 nghìn đồng/ha, nếu vậy các xã thuộc diện ngoài vùng đặc biệt khó khăn như Tân Thành, Tân Cư mức hỗ trợ trồng quế trên 1ha sẽ cao hơn mức hỗ trợ ban đầu thành thử nhân dân muốn trồng quế buộc phải bỏ ra phần tiền đối ứng.

Trồng rừng là nhu cầu tất yếu đối với nhân dân vốn dựa vào kinh tế nông lâm nghiệp, chỉ có người dân sinh sống tại nơi đó mới hiểu rõ là trồng cây gì là phù hợp nhất. Việc Nhà nước cấp giống theo chủ trương cũng hoàn toàn đúng nhưng nhất thiết phải dựa trên nhu cầu, nguyện vọng của từng nơi để từ đó có sự điều tiết sao cho hợp lý về cơ cấu giống.

Việc triển khai trồng rừng đạt hiệu quả và chất lượng hay không cần nhất là sự thống nhất cao từ phía Nhà nước và nhân dân, nhất cơ quan chuyên môn phải giải thích rõ về cơ chế, chính sách để nhân dân nắm kỹ hơn, qua đó mới tạo ra sự đồng thuận trong dân.

Nguồn bài viết: http://www.baobackan.org.vn/channel/1121/201411/trong-rung-can-chon-giong-cay-phu-hop-voi-tung-vung-2354080/


Có thể bạn quan tâm

Lão nông mang đàn giời ơi về nuôi, cả thôn mắt tròn mắt dẹt Lão nông mang đàn giời ơi về nuôi, cả thôn mắt tròn mắt dẹt

Thấy ông Vũ Đình Thu (SN 1950) mang một đàn vịt trời giống về nuôi, cả thôn Nại Trì, xã Ngũ Hùng (Thanh Miện – Hải Dương) mắt tròn, mắt dẹt kéo đến xem.

07/09/2015
Hàng nông sản đặc biệt tại ngày hội thi đua của nhà nông Hàng nông sản đặc biệt tại ngày hội thi đua của nhà nông

Hàng chục sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ nổi tiếng khắp các vùng miền thu hút rất nhiều đại biểu ghé thăm.

07/09/2015
Tạo điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển thuỷ sản Tạo điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển thuỷ sản

Ngày 3/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Dũng họp chỉ đạo một số sở, ngành tỉnh, huyện liên quan xúc tiến đầu tư các dự của Công ty TNHH MTV Việt - Úc trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, Công ty TNHH MTV Việt - Úc xin đầu tư 4 dự án gồm: Ðầu tư xây dựng khu sản xuất tôm sú và thẻ chân trắng bố mẹ tại đảo Hòn Khoai; Khu sản xuất giống thuỷ sản tập trung (giai đoạn II) và trung tâm giống cấp I tại huyện Ngọc Hiển; Nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao; Xây dựng nhà máy chế biến thức ăn thuỷ sản tại Khu Công nghiệp Khánh An, huyện U Minh.

07/09/2015
Dấu ấn từ một mô hình kinh tế Dấu ấn từ một mô hình kinh tế

Khi nghe lãnh đạo xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cho biết hộ ông Lê Minh ở thôn Đông Lâm mỗi năm xuất bán 2 triệu con cá giống, hơn 300 tấn cá thịt thương phẩm và hàng chục con bò, tổng doanh thu 12 - 14 tỷ đồng, lãi ròng khoảng 1,3 - 1,5 tỷ đồng, ai trong chúng tôi cũng bán tín bán nghi.

07/09/2015
Giải quyết ô nhiễm từ hoạt động chế biến và nuôi trồng thủy sản cần giải pháp căn cơ và quyết liệt! Giải quyết ô nhiễm từ hoạt động chế biến và nuôi trồng thủy sản cần giải pháp căn cơ và quyết liệt!

Chế biến và nuôi trồng thủy sản là một trong những lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và kéo dài nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Các cấp, các ngành, các chuyên gia về môi trường đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm giúp địa phương giải quyết vấn đề này một cách lâu dài và bền vững.

07/09/2015