Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tìm Hướng Gỡ Khó Cho Con Cá Tra

Tìm Hướng Gỡ Khó Cho Con Cá Tra
Ngày đăng: 02/05/2013

Thời gian qua, nhu cầu thị trường thế giới sụt giảm do biến động kinh tế đã làm ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có con cá tra. Thêm vào đó, đợt xét thuế chống bán phá giá lần thứ 8 của Bộ Công Thương Mỹ làm cho "đầu ra" của con cá tra đã khó lại càng thêm khó.

Doanh nghiệp cạnh tranh gay gắt

Đến hẹn lại lên, mỗi năm Bộ Công Thương Mỹ đều tiến hành xét lại việc bán phá giá của những doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa vào nước Mỹ, hay còn gọi là xem xét lại những vụ kiện chống thuế bán phá giá của Mỹ (DOC). Riêng các doanh nghiệp Việt Nam, DOC thực hiện xem xét trong giai đoạn từ ngày 31-7 năm trước đến ngày 1-8 năm sau khi nhập khẩu hàng hóa vào thị trường này.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thủy sản Gò Đàng (Godaco) cho biết, trên thực tế, mặt hàng cá da trơn (cá tra) của Việt Nam giống với sản phẩm cá nheo của Hiệp hội cá nheo của Mỹ, nhưng lại được bán rẻ hơn sản phẩm cá nheo của Mỹ, được người tiêu dùng Mỹ lựa chọn, làm cho con cá nheo không lưu thông được trên chính thị trường của nó. Luật DOC của Mỹ đặt ra cũng nhằm mục đích bảo vệ lợi ích kinh tế của những đơn vị sản xuất của nước Mỹ. Trong 10 năm qua, kể từ 2003 đến nay, Mỹ đã áp dụng DOC đối với con cá tra Việt Nam nhằm xem xét lại quy trình sản xuất cá tra và xuất khẩu sản phẩm cá tra với giá tối thiểu 2,11 USD/kg. Trong trường hợp doanh nghiệp lần đầu tiên xuất khẩu vào Mỹ sẽ được xét các mức thuế khoảng 1,81 USD/kg, 1,34 USD/kg và 3,87 USD/kg.

Trong 7 lần xét trước, Bộ Công Thương Mỹ đã chọn Bangladesh, quốc gia có nền kinh tế tương đồng với Việt Nam để xét tất cảc các quy trình sản xuất cá tra xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam đều vượt qua và hưởng thuế suất cho con cá tra nhập khẩu vào Mỹ bằng 0, sau khi xét quy trình sản xuất và doanh nghiệp Việt Nam chứng minh được sản phẩm vào nước Mỹ không bán phá giá, DOC hoàn trả lại cho các doanh nghiệp toàn bộ tiền thuế đóng trước đó.

Tuy nhiên, năm nay Việt Nam đối diện với lần xét thứ 8, gặp nhiều khó khăn hơn vì Mỹ không chọn Bangladesh để xét kinh tế tương đồng mà chọn Indonesia làm nền kinh tế tương đồng. Quy trình sản xuất con cá tra xuất khẩu của Indonesia và Việt Nam không giống nhau nên các doanh nghiệp Việt Nam đang đối diện với mức thuế 2,11 USD/kg. Điều này có nghĩa, khi các doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ phải bán với giá DOC là 2,11 USD/kg, chưa tính giá xuất khẩu. Vì vậy, nếu doanh nghiệp bán cá với giá 1,7 USD/kg (hoặc những giá khác tùy theo từng doanh nghiệp), thì doanh nghiệp phải đóng thêm 41 cent/kg cho thuế chống bán phá giá.

Với gánh nặng tiền thuế này, doanh nghiệp quay ngược lại đặt lên vai nông dân nuôi cá tra tại Việt Nam, hạ giá mua cá nguyên liệu xuống 41 cent/kg, tương đương với nông dân phải mất gần 10.000 đồng/kg cá. Riêng Công ty Cổ phần thủy sản Gò Đàng lần đầu tiên xuất khẩu cá tra vào Mỹ và nhận thuế 1,81 USD/kg. Chính vì vậy, vấn đề cần giải quyết của các doanh nghiệp Việt Nam là thuê luật sư Mỹ để kiện lại luật chống bán phá giá của Mỹ. Đây là vấn đề chung của tất cả các quốc gia xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ chứ không riêng Việt Nam.

Thế nhưng, tình hình sản xuất con cá tra hiện nay của Việt Nam vẫn còn nhiều gút mắc chưa thể tháo gỡ. Bởi vì, ngoài việc các doanh nghiệp nước ngoài cũng tìm thị trường cho hàng hóa của họ, họ có chiến lược phát triển kinh doanh riêng và loại trừ đối thủ. Còn doanh nghiệp Việt Nam, thay vì phải đoàn kết lại để tìm chiến lược riêng cho con cá Việt Nam, thì từng doanh nghiệp lại đi vào con đường cạnh tranh không lành mạnh để giành thị trường, thiệt thòi lớn nhất vẫn là người nông dân nuôi cá.

Cùng là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra chế biến và chỉ mới thâm nhập thị trường châu Âu, đang dự kiến xuất sang thị trường Mỹ, ông Châu Minh Đạt, Giám đốc Công ty chế biến xuất khẩu thủy sản Hoàng Long cũng đồng tình với tình trạng cạnh tranh không lành mạnh đang diễn ra trong các doanh nghiệp chế biến cá tra. Ông Đạt chia sẻ, trong khi con cá tra vào Mỹ gặp khó khăn thì những doanh nghiệp lớn lại sẵn sàng tách ra "cuộc chơi", tự hạ giá nhập khẩu con cá tra một phần để cạnh tranh thị trường, một phần loại trừ những doanh nghiệp cùng xuất khẩu vào thị trường này, nếu các doanh nghiệp thống nhất xuất khẩu vào Mỹ với giá 1,75 USD/kg thì những một số doanh nghiệp này sẵn sàng xuất vào Mỹ số lượng lớn, khoảng hơn 700 container cá tra chế biến với giá 1,6 USD/kg. Việc này gây ách tắc trong vấn đề đẩy mặt bằng giá xuất khẩu như tất cả các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn.

Trong khi trước đó, những doanh nghiệp lũng đoạn thị trường này đã cam kết với cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ sẽ đàm phán mức giá có lợi chung cho cộng đồng doanh nghiệp cá tra. Qua đó cho thấy, con cá tra Việt Nam đang phải đối mặt với hai vấn đề lớn, vừa phải cạnh tranh với những doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản của các quốc gia khác, vừa phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp ngành cá trong nước.

Nông dân "treo cá" chờ bán

Trong khi các doanh nghiệp tranh giành thị trường, sẵn sàng hạ giá thu mua cá vào "giữ vốn" của nông dân sau những lần thu mua thì người chịu thiệt vẫn là nông dân nuôi cá tra. Ông Lê Hồng Mến, Chi hội trưởng chi hội nghề cá xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp cho biết, hầu hết các hộ nuôi cá trong chi hội đều phụ thuộc vào doanh nghiệp mua cá. Hơn nữa, hợp đồng mua bán cá giữa doanh nghiệp và nông dân không được thể hiện đúng. Đặc biệt, khi ký hợp đồng giao cá, doanh nghiệp sẽ trả trước cho nông dân 50% tiền bán cá, số còn lại sẽ trả khi bắt hết cá. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều hộ dân chỉ nhận được 5% số tiền bán cá, số còn lại bị "treo" đến 2 tháng sau, thậm chí có khi 5 tháng doanh nghiệp mới trả hết tiền cho nông dân. Đây là một hình thức chiếm dụng vốn sản xuất của nông dân, làm cho nông dân không xoay vòng vốn được, dẫn đến thất thoát cá và "treo" ao. Gần một tháng nay, nhiều ao cá của chi hội rơi vào tình trạng cá bị bỏ đói và nhiều ao đến lúc bán thì không ai mua.

Trường hợp nuôi gia công cho doanh nghiệp như ông Võ Văn Nhựt, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, Đồng Tháp cũng không khả quan hơn. Theo ông Nhựt, so với khi tự bỏ vốn ra nuôi thì nuôi gia công cho doanh nghiệp bớt lo về khâu thức ăn cho cá và đầu ra. Thế nhưng hơn nửa tháng nay không hiểu vì lý do gì mà nhà máy thức ăn chỉ chuyển thức ăn nuôi cá cầm chừng, không đúng lượng cá ăn như trước đây làm cho con cá thiếu thức ăn, mất sức, thất thoát lớn và lâu thu hoạch. Ông Mến cho biết thêm, trước biến động về nguyên liệu đầu vào và tình trạng vốn thiếu, vốn bị chiếm giữ, nhiều hộ nuôi cá cũng muốn nuôi liên kết với doanh nghiệp để ổn định đầu ra, đảm bảo nguyên liệu "đầu vào" để nuôi cá cho đến cuối vụ. Thế nhưng, ý định nuôi cá liên kết thành chuỗi với doanh nghiệp cũng khó thực hiện, vì diện tích nuôi của mỗi hộ dân quá bé, hầu hết chưa tới 1ha/hộ, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong khâu thu hoạch. Các hộ nuôi hiện nay rơi vào tình thế tiến không được mà lùi không xong. Nếu bỏ nuôi cá, nông dân sẽ làm gì khi đã gắn bó với nghề cá mười mấy năm và còn số nợ, thế chấp Ngân hàng sẽ trả bằng cách nào nếu không tiếp tục sản xuất để có doanh thu.

Đề xuất giải pháp phát triển

Theo Tổng cục Thủy sản, trong năm 2012, cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 5.910 ha nuôi cá tra, tăng 480 ha và sản lượng đạt 1.285 tấn, tăng 90.000 tấn so với năm 2011. Trong đó, tỉnh Đồng Tháp là tỉnh có diện tích nuôi cá tra lớn nhất khu vực, khoảng 2.000 ha và sản lượng 400.000 tấn. Kể từ đầu năm 2013 cho đến nay, toàn vùng đã thả nuôi 2.434 ha, sản lượng đạt 206.000 tấn. So với cùng kỳ năm 2012, diện tích thả nuôi tăng 107 ha và sản lượng tăng 120 tấn. Đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết: Hiện nay, 70 đơn vị doanh nghiệp của Hiệp hội xây dựng 100 nhà máy chế biến cá tra, các doanh nghiệp này đã chủ động đầu tư vùng nguyên liệu khoảng 60% sản lượng chế biến.

Ông Đoàn Trí Vững, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết: Tỉnh hiện có 6 doanh nghiệp tham gia vụ kiện chống bán phá giá của Mỹ. Sự việc này gây ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý của người nông dân sản xuất cá tra. Tuy nhiên, để ngành cá tra phát triển bền vững thì phải giảm giá thành sản xuất, nông dân cập nhật thông tin thường xuyên để tránh sản xuất dư thừa, đảm bảo cân đối cung cầu. Mặt khác, doanh nghiệp không nên tranh mua tranh bán mà phải chú ý đến chất lượng con cá. UBND tỉnh Đồng Tháp cũng có kế hoạch xây dựng chuỗi cá tra bằng cách đánh giá nhu cầu thị trường và dự báo tiềm năng, cơ hội để điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch sản xuất cá tra năm 2013 cho phù hợp với nhu cầu thực tế, nắm bắt nhu cầu của người nuôi và doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, phát triển ổn định, bền vững.

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong năm 2012, hầu hết những thị trường chính đều giảm nhập khẩu cá tra của Việt Nam. Định hướng trong năm 2013 không tăng sản lượng và mở rộng diện tích so với 2012 (khoảng 1 triệu tấn và 6.000 ha), tùy theo tín hiệu thị trường để mở rộng quy mô hợp lý. Tuy nhiên, cũng cần giải pháp để tăng giá mua cá tra nguyên liệu hợp lý hơn giá trong năm 2012.

Cụ thể, các địa phương có nuôi cá tra điều tiết giảm và ổn định nguồn cung trong nước, tổ chức liên kết chặt chẽ hơn giữa sản xuất nguyên liệu và chế biến xuất khẩu theo 3 hướng gồm doanh nghiệp có vùng nuôi, khuyến khích các hộ nuôi lớn ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp chế biến, các hộ nuôi nhỏ lẻ phải được tổ chức lại thành các hợp tác xã, tổ hợp tác để có vị thế ký hợp đồng với các doanh nghiệp, kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào đặc biệt là chất lượng con giống và chất lượng thức ăn. Mặt khác, tổ chức lại xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị xuất khẩu, đảm bảo các khâu của chuỗi giá trị cá tra đều có lãi ở mức hợp lý và cùng chia sẻ trách nhiệm rủi ro.


Có thể bạn quan tâm

Huyện Cái Nước (Cà Mau) Báo Động Ô Nhiễm Nguồn Nước Trong Nuôi Tôm Huyện Cái Nước (Cà Mau) Báo Động Ô Nhiễm Nguồn Nước Trong Nuôi Tôm

Hiện nay có một thực tế đang tồn tại, đó là tình trạng tôm nuôi công nghiệp bị chết, người dân bơm xả trực tiếp ra môi trường. Hành vi này không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh trên tôm nuôi phát sinh, lây lan.

06/05/2014
Lại Tái Diễn Thương Lái Trung Quốc Mua Rễ, Gốc Hồ Tiêu Lại Tái Diễn Thương Lái Trung Quốc Mua Rễ, Gốc Hồ Tiêu

Những ngày qua, người trồng hồ tiêu ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), thủ phủ hồ tiêu của cả nước, xôn xao việc thương lái nước ngoài thông qua tiểu thương trên địa bàn lùng mua rễ và gốc cây hồ tiêu. Không rõ việc thu mua này nhằm mục đích gì.../ Nghi án thu mua rễ, gốc tiêu để phá hoại kinh tế?

20/05/2014
Sản Lượng Khai Thác Thủy Sản Đạt 23.200 Tấn Sản Lượng Khai Thác Thủy Sản Đạt 23.200 Tấn

Từ đầu năm đến nay, sản lượng thủy sản do ngư dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa khai thác đạt 23.200 tấn, tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng khai thác biển đạt hơn 22.000 tấn. Sản lượng thủy sản đạt cao là nhờ thời tiết thuận lợi cho hoạt động khai thác vụ cá Nam. Do giá một số loại thủy sản tăng và tương đối ổn định nên khuyến khích ngư dân trong tỉnh đồng loạt ra khơi bám biển.

21/05/2014
Gỡ Khó Cho Sản Xuất Thủy Sản Gỡ Khó Cho Sản Xuất Thủy Sản

Để đáp ứng nhu cầu điện phục vụ nuôi tôm, ngành điện lực Trà Vinh đã nâng công suất 165 trạm biến áp trong vùng nuôi tôm lên thêm gần 5900 KVA. Tuy nhiên, giải pháp tình thế vẫn chưa cung cấp đủ điện cho nhu cầu hiện nay.

07/05/2014
Xã Trung Thành, Tín Hiệu Tích Cực Từ Mô Hình Nhân Giống Lạc L14 Xã Trung Thành, Tín Hiệu Tích Cực Từ Mô Hình Nhân Giống Lạc L14

Đến xã Trung Thành (Vị Xuyên) những ngày này, trên hầu khắp các cánh đồng, màu xanh của lạc Xuân xen những ruộng ngô trở thành hình ảnh đầy ấn tượng. Vụ Xuân năm nay, toàn xã thực hiện gieo cấy 93 ha lúa, 140 ha ngô, 62,3 ha rau, đậu các loại nhưng có đến 227 ha lạc.

21/05/2014