Trồng Rau Thơm Thu Tiền Tỷ
Là người tiên phong đưa các giống rau thơm Tây từ Pháp về trồng, hiện mỗi năm gia đình bà Phạm Thị Thu Cúc (Lâm Đồng) thu về gần 1,2 tỷ đồng từ những loại cây này.
Sau những tháng ngày mệt mỏi vì kinh doanh bất động sản thua lỗ, bà Phạm Thị Thu Cúc quyết đoạn tuyệt với nghề này. Vay mượn thêm tiền bạc, gia đình bà Cúc bỏ Đà Lạt vào vùng Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng mua đất lập vườn, tập làm nông dân.
Vốn liếng hạn hẹp, kỹ thuật không có là những trở lại lớn đối với một người làm nông nghiệp. Sáng ra vườn, tối tìm đến những người có kinh nghiệm trồng rau công nghệ cao trong vùng để học hỏi, áp dụng vào sản xuất, cuối cùng những lô hàng rau sạch của gia đình bà Cúc cũng đã đến được với người tiêu dùng TP HCM.
Khi thị trường đã quen mặt sản phẩm rau công nghệ cao của gia đình bà Cúc, lãnh đạo một siêu thị lớn tại TP HCM động viên bà Cúc đưa giống rau thơm châu Âu về trồng để cung cấp cho người nước ngoài, siêu thị này cam kết bao tiêu sản phẩm.
Tuy nhiên, điều khó khăn nhất lúc này là rau thơm Tây chỉ hướng tới người dùng nước ngoài, tức chiếm sản lượng tiêu thụ rất ít trong khi chi phí đầu tư sản xuất, hạt giống nhập khẩu giá cao, khả năng thua lỗ là rất lớn nhưng họ vẫn quyết định thực hiện.
Một khó khăn nữa khiến bà Cúc không thể ngờ tới đó là mua hạt giống rau thơm Tây không dễ mặc dù vào thời điểm này, con gái của bà đang du học ở Pháp. “Do mua với số lượng ít nên con gái tôi tìm đến công ty hạt giống nào ở Pháp họ cũng từ chối không bán vì còn liên quan đến hóa đơn, chứng từ…”, bà Cúc cho biết.
Phải khá chật vật và mất nhiều thời gian thuyết phục, kể cả nhờ bạn bè ở nước sở tại tác động, cuối cùng con gái bà Cúc mới mua được hơn 10 loại giống hạt rau thơm Tây như chervil (ngò rí Tây), basil (quế Tây), chocolate mint (bạc hà tây tím), thyme (xạ hương Tây), rosemary (hương thảo Tây)… tại một công ty miền Nam nước Pháp gửi về cho bà Cúc trồng thử.
Đất đã sẵn, giống có trong tay nhưng không có kỹ thuật, gia đình bà Cúc không biết trồng ra sao, thời gian nào trong năm là chính vụ của các loại rau này để gieo trồng? Dò hỏi khắp các mối quan hệ cũng không ai biết cách trồng, chăm sóc loại rau thơm Tây này, cuối cùng bà đành tự mò mẫm gieo trồng, chăm sóc y như trồng các loại rau công nghệ cao ở Đà Lạt, vừa làm vừa theo dõi để điều chỉnh kỹ thuật canh tác.
Sau gần hai tháng, vườn rau thơm Tây trong nhà kính với hơn 10 loại đã đâm chồi, đẻ nhánh phủ kín mặt đất. Siêu thị Metro đứng ra nhận bao tiêu sản phẩm cho gia đình bà Cúc. Thế nhưng, trong hàng chục kg rau thơm Tây của gia đình bà Cúc khi đó chuyển xuống TP HCM mỗi ngày chỉ bán được 2-3kg, phần còn lại đều phải đổ bỏ.
Sản phẩm làm ra không bán được dẫn đến thua lỗ không chỉ vài tháng mà kéo dài cả năm nhưng bà Cúc vẫn kiên trì sản xuất, đưa ra thị trường để người tiêu dùng làm quen dần, hy vọng sẽ tiêu thụ tốt trong tương lai.
Đến nay mỗi ngày bà Cúc cho xuất đi TP HCM khoảng 30kg, với giá bán bình quân là 100.000 đồng mỗi kg, tính ra mỗi năm rau thơm Tây cho gia đình bà thu về gần 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, gia đình bà Cúc còn trồng nhiều loại hoa màu khác. Hằng ngày bà rất bận rộn vì khắp nơi liên hệ đặt hàng.
Diện tích rau thơm Tây cũng được gia đình bà cho mở rộng từ vài trăm mét lên 4.000 m2 trong nhà kính. Bà Cúc tiết lộ, trong thời gian tới sẽ chế biến các rau thơm Tây thành trà khô thương phẩm. Đây là hướng đi mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm từ các loại rau mới được di thực về Việt Nam này.
Có thể bạn quan tâm
Để nâng cao thu nhập cho nông dân, vụ xuân năm 2014, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KNKN) tỉnh Nam Định đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Nghĩa Hưng mở rộng mô hình chuyển đổi đất trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp sang trồng dưa lê với quy mô 5ha tại xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng).
Còn gần 2 tháng nữa vụ thu hoạch mía 2014 – 2015 bắt đầu, trong khi ngành mía đường cả nước nói chung và Tây Ninh nói riêng đang gặp khó khăn do giá đường xuống thấp, sản phẩm đường sản xuất ra khó tiêu thụ, tồn kho tăng cao… Thì hiện nay, người trồng mía Tây Ninh phải lao đao vì sâu bệnh tấn công.
Nắng nóng kéo dài, ít mưa, cộng với nguồn nước kinh không tốt đã gây khó khăn cho việc xuống giống cũng như sự phát triển của cây lúa vào đầu vụ hè thu ở vùng Ngọt hóa Gò Công. Một số diện tích lúa bị thiệt hại trắng; hàng trăm ha lúa trong vùng phải xuống giống trễ hơn so với lịch thời vụ.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Trà Vinhh phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai dự án trồng thử nghiệm 1.134 cây bần chua trên diện tích 4,2 công tại bờ biển xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải với kinh phí 445 triệu đồng. Đề tài thử nghiệm trồng bần chua tại xã Hiệp Thạnh đã được sự đồng thuận và hưởng ứng của bà con ven biển, bởi loài cây có khả năng sinh trưởng phát triển tốt trên những bãi bùn, đất mềm.
Huyện Cẩm Thủy có 1.381,91 ha vườn. Trước đây việc sử dụng đất vườn của các hộ dân chưa phù hợp, còn trồng nhiều loại cây tạp, hiệu quả kinh tế thấp.