Nâng cao hiệu quả sản xuất cà phê cho Tây Nguyên
Trước thực trạng thiếu nước do thiên tai, biến đổi khí hậu và kỹ thuật canh tác, tưới tiêu kém hiệu quả xảy ra liên tục nhiều năm ở vùng Tây Nguyên, sau một thời gian dài khảo sát và xây dựng mô hình thí điểm, Tập đoàn Nestlé đã phối hợp Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Sĩ (SDC) và Viện Quản lý nước quốc tế (IWMI) cùng một số đơn vị khác triển khai Dự án Sử dụng nước tưới hợp lý để nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành sản xuất cà-phê tại Việt Nam.
Dự án có tổng kinh phí 2 triệu euro (do tập đoàn Nestlé và SDC tài trợ), mục tiêu nhằm hỗ trợ quản lý nước hiệu quả cho 50.000 nông dân trồng cà phê ở năm tỉnh Tây Nguyên (Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng), góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước do thiên tai, biến đổi khí hậu và kỹ thuật canh tác, tưới tiêu kém hiệu quả.
Dự án được triển khai từ nay đến năm 2019, gồm các hoạt động: Nâng cao năng lực quản lý nguồn nước cho nông dân thông qua nghiên cứu nguồn nước và nhu cầu về nước, đặc biệt xác định các điểm nóng về thiếu nước; thiết lập hệ thống cảnh báo sớm về khí tượng giúp nông dân tối ưu hóa việc quản lý vườn cây; hỗ trợ đào tạo 50 nghìn nông dân theo bộ tiêu chí Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và tưới tiêu hiệu quả; đóng góp ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước để xây dựng chính sách quản lý nước và đề xuất các giải pháp nhân rộng mô hình.
Theo kế hoạch, trong năm 2015, Dự án sẽ tập huấn cho cho 30 tập huấn viên, 2.000 nông dân và thiết lập sáu mô hình thí điểm về sản xuất cà-phê bền vững áp dụng quản lý nước tưới hợp lý cho mỗi tỉnh trong vùng Dự án.
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới. Lĩnh vực này hiện đang thu hút 2,6 triệu người làm việc. Phần lớn diện tích trồng cà phê tập trung trên Tây Nguyên, nơi ngành nông nghiệp nói chung tiêu thụ đến 96% lượng nước cung cấp cho toàn khu vực.
Ước tính trung bình nông dân sử dụng khoảng hơn 60% lượng nước cần để tưới cây trong mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4. Theo các chuyên gia, nông dân trồng cà phê dùng trung bình 700 - 1.000 lít nước để bơm tưới cho cây, trong khi lượng nước cần để cho ra sản lượng cà phê tương đương chỉ từ 300 đến 400 lít.
Bên cạnh dự án nước, dự án NESCAFÉ Plan tiếp tục được triển khai tại các tỉnh Tây Nguyên góp phần thúc đẩy việc tái canh cà phê thông qua việc hỗ trợ cây giống cà phê sạch bệnh và tập huấn khoa học kỹ thuật cho nông dân trồng cà phê.
Áp dụng những kỹ thuật canh tác tiến bộ, nông dân Tây Nguyên không chỉ đạt được hiệu quả kinh tế cao từ cây cà phê mà còn góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn nước.
Có thể bạn quan tâm
Các nhà khoa học dự báo: khu vực ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH), nhất là nước biển dâng. Dự án CLUES ra đời, được triển khai ở 4 tỉnh An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ và Bạc Liêu. Dự án này đánh giá sự tổn thương và các tác động đến sử dụng đất, sự thích ứng của các hệ thống canh tác lúa…
Anh Nông Tấn Dí ở xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp trước đây chủ yếu sản xuất lúa thương phẩm, nhưng việc canh tác không mang lại hiệu quả cao do sử dụng lúa thịt để làm lúa giống.
Theo nhiều hộ dân ở những vùng trồng mì lớn trong tỉnh Đồng Nai, năm nay do thời tiết nắng nóng kéo dài và lượng mưa đầu vụ không ổn định nên phải giữa tháng 6 mới triển khai xuống giống mì được, thay vì trồng trong tháng 5 như mọi năm.
Ngày 13/6, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho biết là đã có thêm một lần nữa khuyến cáo nhà nông về việc sử dụng các loại thuốc BVTV trên cây chè. Theo đó, hiện tại trên cây chè, có 3 loại hoạt chất rất đáng quan tâm là fipronil, acetamiprid và imidacloprid đang để lại dư lượng vượt ngưỡng khiến trà Việt Nam khó thâm nhập thị trường thế giới.
Do thời tiết nắng nóng, hiện nay nhiều nông dân ra đồng làm việc vào ban đêm, thay vì ban ngày như thói quen lao động hàng bao năm qua.