Trồng Nhãn Xuồng Cơm Vàng Theo VietGAP Cho Lãi Cao
Nhãn xuồng cơm vàng của Bà Rịa-Vũng Tàu đã dần chiếm thị phần trong các siêu thị lớn và các nhà hàng.
Bà Rịa - Vũng Tàu là vùng đất nổi tiếng với nhiều loại trái cây đặc sản thơm ngon như nhãn xuồng cơm vàng, mãng cầu ta, thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh…
Những năm gần đây, sản xuất theo hướng an toàn đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm. Đặc biệt mô hình trồng nhãn xuồng cơm vàng theo hướng VietGAP tại huyện Xuyên Mộc đang mở ra hướng đi mới trong việc phát huy tiềm năng kinh tế vườn cũng như thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển ổn định, bền vững.
Ông Lê Văn Tường ở ấp Phú Lâm, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc là một trong ít người theo đuổi mô hình trồng nhãn xuồng cơm vàng theo hướng VietGap thành công.
Từ ngày thực hiện theo tiêu chuẩn VietGap, vườn nhãn xuồng cơm vàng trồng của ông Tường cho năng suất khá cao, trung bình 7 tấn/ha/vụ. Sau khi trừ các chi phí, với giá bán hiện tại từ 20.000-25.000 đồng/kg, ông Tường thu về gần 500 triệu đồng tiền lời.
Ông Tường cho biết, trước đây gia đình ông rất khó khăn, nhà có 3ha đất, ông cứ loay hoay hết trồng điều đến trồng ngô nhưng thu nhập không đủ sống. Sau đó, ông chuyển qua trồng nhãn da bò thì lại bị mất mùa. Khó khăn là vậy nhưng ông vẫn không từ bỏ mà tiếp tục tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm.
Khi được sự tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư tỉnh, năm 2007, ông chuyển từ 2 ha trồng nhãn da bò sang trồng nhãn xuồng cơm vàng theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2011, ông bắt đầu thu hoạch lứa đầu tiên và kết quả bất ngờ là nhãn xuồng cơm vàng cho năng suất cao 7 tấn/ha/vụ, tăng 20% so với nhãn xuồng cơm vàng trồng theo phương pháp truyền thống.
“So với bình thường, làm Vietgap có lợi cho người lao động và cho cả người tiêu thụ. Hiện nay làm VietGap cũng không khó khăn gì bởi cũng nhận được hỗ trợ từ ngành nông nghiệp, tuy nhiên làm VietGap phải có tâm huyết thì mới làm được”, ông Tường cho biết.
Do được trồng trên đất cát ven biển, nhãn xuồng cơm vàng được người tiêu dùng cả nước biết đến nhờ hương vị ngon ngọt, có màu vàng đặc trưng mà ít nơi nào có được. Nhờ ưu thế vượt trội về chất lượng, nhãn xuồng cơm vàng của Bà Rịa-Vũng Tàu đã dần chiếm thị phần trong các siêu thị lớn và các nhà hàng.
Ông Đào Văn Hiếu - Chủ nhiệm Hợp tác xã Nhân Tâm, huyện Xuyên Mộc cho biết, hiện nay xã Hòa Hiệp có hơn 100 ha diện tích trồng nhãn xuồng cơm vàng. Từ năm 2008, nhãn xuồng cơm vàng của Hòa Hiệp đã được trồng theo quy trình VietGap. Sản phẩm nhãn xuồng của Hợp tác xã Nhân Tâm cũng được xuất bán mỗi tháng từ 7-8 tấn vào các siêu thị như Co.op Mart, Metro, Maximax…
Trong siêu thị, mặc dù giá bán nhãn xuồng cơm vàng Bà Rịa-Vũng Tàu luôn cao hơn 5.000-7.000 đồng/kg, nhưng khách hàng vẫn ưa chuộng hơn so với trái nhãn xuồng cơm vàng các tỉnh khác. Tháng 12/2012, giống nhãn xuồng cơm vàng Bà Rịa-Vũng Tàu được chính thức xác lập và công nhận là một trong 50 loại trái cây đặc sản nổi tiếng Việt Nam.
“Đối với nhãn xuồng cơm vàng hiện nay có chứng nhận VietGap như là giấy thông hành giúp hợp tác xã có thể đi đến ký hợp đồng xuất khẩu. Đây cũng là bước tiến quan trọng trong quy trình trồng nhãn. Mong rằng ngành nông nghiệp và UBND tỉnh sẽ có hướng mở rộng hơn”, ông Hiếu nói.
Có thể nhận thấy, việc áp dụng mô hình sản xuất VietGap đối với trái cây nói chung và nhãn xuồng cơm vàng nói riêng còn làm giảm tối đa thiệt hại do sâu bệnh gây ra, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và nâng cao chất lượng của trái cây. Khi nông dân tham gia chương trình sản xuất theo tiêu chí GAP, trình độ sản xuất, tư duy kinh tế của nông dân cũng sẽ được nâng lên.
Có thể bạn quan tâm
Ngân hàng nhà nước sẽ tái cấp vốn, lãi suất 0% cho khách hàng là hộ dân, chủ trang trại, hợp tác xã nuôi tôm và cá tra gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Hai năm trở lại đây, ngành mía đường đã hết thời kỳ ngọt ngào khi phải đối diện với việc nguồn cung trong nước đã vượt quá nhu cầu tiêu thụ.
Theo Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, hiện nông dân trong tỉnh còn tạm trữ hơn 47.000 tấn lúa thương phẩm, đây là sản lượng lúa tồn đọng từ vụ lúa Đông Xuân, Hè Thu từ đầu năm 2014. Tuy gần đây giá lúa trên thị trường tăng nhẹ, là thời điểm thích hợp bán ra nhưng gặp phải mưa bão liên miên trong những ngày qua, thương lái đã ép giá, khiến đầu ra hạt lúa thêm khó khăn.
Ông Phạm Hữu Đức, Chủ tịch UBND xã Thuận An cho biết, rau diếp cá và xà lách xoong là 2 loại cây trồng chủ lực của xã, đem lại nguồn thu nhập khá cao. Đầu ra của diếp cá rất ổn định, chủ yếu tiêu thụ ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL. Diện tích diếp cá của toàn xã khoảng 5 ha.
Anh Hà Văn An, một trong sáu chủ vựa lớn ở chân núi Cấm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên cho hay: Vào thời điểm tháng 9, mỗi ngày anh thu mua từ 1 - 3 tấn măng tươi. Ngoài các vựa thu gom măng ở ấp An Hoà, còn có những chuyến hàng đi thẳng từ Lâm Viên tới Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ và các chợ ở TP.HCM. Bình quân mỗi chuyến trừ hết chi phí còn lãi gần 7 triệu đồng.