Trồng Nấm - Hướng Đi Mới Cho Nông Dân Xứ Nghệ
Tận dụng phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp và nguồn lao động dồi dào, UBND huyện Yên Thành (Nghệ An) đã xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng nấm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại thu nhập cao cho nông dân.
Gia đình anh Thái Việt Mỹ là một trong 15 hộ dân ở xã Khánh Thành mạnh dạn tham gia mô hình trồng nấm. Trước khi triển khai, vợ chồng anh tham gia lớp học về kỹ thuật trồng nấm. Tháng 4/2011, anh Mỹ vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội cộng với tiền của gia đình tích cóp được để xây dựng lán trại trên diện tích 100m2, sử dụng 1 tấn rơm làm nguyên liệu trồng nấm sò, nấm rơm, nấm tai mèo. Thật bất ngờ, ngay vụ đầu tiên, anh đã thu lãi 6 triệu đồng. Hiện nay, trại nấm của gia đình đang cho thu hoạch rộ, mỗi ngày anh bỏ túi 400.000 đồng.
Còn với anh Nguyễn Văn Thiên ở xóm Khánh Hòa (Khánh Thành), con đường đến với nghề trồng nấm gian nan hơn. Hơn 10 năm trước, nhận thấy nghề trồng nấm có nhiều triển vọng, anh tích góp tiền bạc lặn lội ra Viện Di truyền nông nghiệp (Hà Nội) để học kỹ thuật trồng nấm. Thời điểm đó, nhu cầu sử dụng nấm làm thực phẩm của người dân còn ít nên sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, sau 2 năm xoay xở, cuối cùng anh Thiên đành phải bỏ nghề. Khi UBND huyện Yên Thành triển khai chương trình trồng nấm, gia đình anh được chọn làm hộ điểm của dự án. Hiện, gia đình có trại nấm rộng 250m2, từ tháng 4/2011 đến nay, anh Thiên đã thu hoạch 3 đợt nấm, doanh thu trên 10 triệu đồng.
Theo anh Thiên cũng như nhiều hộ tham gia mô hình trồng nấm tại Yên Thành, kỹ thuật trồng nấm khá đơn giản, dễ học. Lúc mới trồng có thể cần 2-3 nhân lực để chăm bón, nhưng đến khi nấm cho thu hoạch thì chỉ cần 1 người. Ngoài ra, trồng nấm còn tận dụng được nguyên liệu sẵn có ở địa phương như rơm, rạ, mùn cưa; các túi nấm sau khi thu hoạch còn là nguồn phân hữu cơ bón cho đồng ruộng.
Điều quan trọng nhất là sản phẩm nấm đang cho giá trị kinh tế cao. Theo hạch toán của anh Thiên, mỗi lứa nấm từ khi trồng đến khi thu hái là 3 tháng; 1 tấn rơm nguyên liệu có thể thu được 8 tạ nấm. Với giá bán dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg (nấm sò), 40.000 đồng/kg (nấm rơm) như hiện nay, nông dân có thu 20-30 triệu đồng/lứa.
Hiệu quả thực tế từ mô hình trồng nấm đã thu hút nhiều gia đình ở Yên Thành tham gia. Từ 80 hộ ban đầu, đến nay toàn huyện đã có trên 200 hộ trồng nấm, sắp tới con số này sẽ tăng lên 300 - 400 hộ, trải rộng trên địa bàn 6 xã. Ông Nguyễn Sỹ Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: "Tuy mới triển khai một thời gian ngắn nhưng nghề trồng nấm đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, vì thế huyện có hướng đầu tư để nhân ra diện rộng".
Mục tiêu huyện Yên Thành đặt ra là, đến năm 2015 sẽ có 1.000 hộ nông dân sản xuất nấm theo quy mô hộ gia đình, 100 hộ sản xuất theo mô hình trang trại, gia trại, tổ hợp tác; 1-2 mô hình quy mô công nghiệp với tổng sản lượng nấm đạt trên 5.000 tấn; giá trị sản phẩm nấm tươi đạt khoảng 50 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 1.500 lao động
Có thể bạn quan tâm
Người dân ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đều ngưỡng mộ ông Nguyễn Văn Hùng, bởi ông đã nuôi thành công 2 giống gà quý hiếm.
Anh Nguyễn Thanh Nhàn (34 tuổi), ngụ ấp 6, xã Vĩnh Trung, H.Vị Thủy, Hậu Giang, được xem là người đầu tiên đưa giống xoài cát hồng về trồng thành công ở xã này,
Đó chính là chị Trương Ánh Nguyệt, ở ấp Láng Hầm, xã Thạnh Xuân, huyên Châu Thành A (Hậu Giang) khi nuôi cua đinh và ba ba cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Với thị trường tiêu thụ sản phẩm số lượng lớn và nếu được đầu tư công nghệ tiên tiến, thành phố có thể trở thành trung tâm sản xuất giống thủy sản cung cấp
Mô hình nuôi ruồi Lính đen đầu tiên ở tỉnh Hà Tĩnh được thực hiện tại nhà ông Bùi Khoa Giáo ở thôn Đông Hạ, xã Cẩm Vịnh (huyện Cẩm Xuyên).