Trồng Khoai Lang Luân Canh Lúa Thu Nhập Cao

Thực hiện đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương, những năm qua, nông dân xã điểm xây dựng nông thôn mới Định Hòa (huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) thực hiện mô hình trồng khoai lang luân canh lúa. Mô hình giúp tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích canh tác, lợi nhuận cao gấp 2 lần trồng lúa, giúp nhân dân ổn định cuộc sống.
Nằm ở vùng ven Cái Bé, hai ấp Hòa Thạnh và Hòa Xuân (xã Định Hòa) quanh năm có nước ngọt và phù sa bồi đắp, việc trồng trọt, tưới tiêu thuận lợi. Để hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế gia đình, Ban quản lý Xây dựng nông thôn mới xã Định Hòa kết hợp Chi cục Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Kiên Giang xây dựng mô hình một vụ lúa, một vụ khoai trên nền đất lúa. Mô hình thu hút hơn 20 hộ nông dân tham gia, trồng 260 công khoai lang (khoảng 26 ha), tập trung ở 2 ấp Hòa Thạnh và Hòa Xuân. Sau khi thu hoạch lúa hè thu, nông dân cải tạo đất, lên liếp để tháng 10 âm lịch xuống giống trồng khoai lang. Đây là thời điểm thuận lợi, vì đất không bị ngập, nông dân chủ động nguồn nước tưới, khoai lang sinh trưởng tốt.
Ông Trần Ngọc Oanh, ngụ ấp Hòa Thạnh cho biết, trồng khoai lang trên nền đất lúa năng suất bình quân 420 kg/công. Do giá bán năm 2011 xuống thấp, giá khoai lang tím Nhật dao động từ 240.000 – 260.000 đồng/tạ (60 ký). Chi phí trồng khoai lang khoảng 1 triệu đồng/công, trừ chi phí, ông Oanh lãi gần 10 triệu đồng/công.
Nói về kinh nghiệm trồng khoai lang, ông Oanh chia sẻ: “Nông dân phải chú trọng khâu làm đất, bón phân đầy đủ, thường xuyên phòng, trừ sâu bệnh, tưới tiêu kịp thời, năng suất khoai lang sẽ cao. Trồng khoai lang tím Nhật có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống khoai lang địa phương, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Khoai lang tím Nhật có thể trồng quanh năm, cho thu nhập cao gấp đôi các loại khoai lang khác”. Đầu ra của khoai lang thuận lợi, thương lái vào tận nơi mua, nông dân tiết kiệm chi phí vận chuyển, cất trữ, thất thoát sau thu hoạch. Dù giá khoai 2011 xuống thấp, nhưng nông dân trúng mùa nên vẫn có lãi.
Trước đây, gia đình anh Võ Quốc Công, ngụ ấp Hòa Xuân thuộc diện khó khăn, thu nhập chỉ trông vào 5 công ruộng, giá lúa lên xuống bất thường, lợi nhuận từ cây lúa đem lại không đủ gia đình trang trải cuộc sống. Từ khi anh Công trồng luân canh một vụ lúa, một vụ khoai lang, giúp anh cải thiện kinh tế gia đình. Với 5 công đất anh Công thu hoạch 120 tấn khoai lang tím Nhật và khoai lang bí đỏ. Vụ khoai vừa rồi, trừ chi phí, anh Công lãi trên 35 triệu đồng.
Ông Danh Thuận – Tổ trưởng Tổ hợp tác Kinh tế kỹ thuật xã Định Hòa - cho biết, mô hình trồng khoai lang luân canh lúa đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, góp phần cải thiện kinh tế hộ gia đình tại địa phương. Đây là một trong những dự án nhầm nâng cao thu nhập của nhân dân trong quá trình xây dựng xã điểm nông thôn mới Định Hòa.
Có thể bạn quan tâm

Trong khi bà con trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang bước vào thời điểm thu hoạch rộ lúa Đông xuân, thì bất ngờ giá lúa giảm mạnh trong những ngày gần đây, còn thương lái lại “bỏ của chạy lấy người” đã khiến cho nhiều nông dân như ngồi trên đống lửa.

Năm 2009, HTX thủy sản Rạng Đông (xã Thới Thuận - Bình Đại) xây dựng thành công thương hiệu nghêu Bến Tre đạt tiêu chuẩn MSC (do Hội đồng Biển quốc tế chứng nhận). Không chỉ cả nước mà cả khu vực chỉ có con nghêu Bến Tre được tổ chức này công nhận. Đây là vinh dự lớn, mở ra nhiều cơ hội để con nghêu của HTX nói riêng, nghêu Bến Tre nói chung vươn xa hơn.

Hiện nay 2 trại này đang sản xuất thử nghiệm, gồm trại sản xuất tôm giống Hoàng Thái, xã Hàng Vịnh và Công ty sản xuất tôm giống Thảo Nguyên, xã Hàm Rồng.

Gần 20 năm nay, gia đình ông Phan Xuân Đức, ở đội 7, xã Đông Minh (Đông Sơn - Thanh Hóa) liên tục chăn nuôi có lãi, bởi ông có nhiều kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia cầm nên trải qua bao đợt dịch bệnh lớn, đàn gia cầm của gia đình ông vẫn an toàn... Với quy mô chăn nuôi gia trại gần 1.000 vịt sinh sản và 300 gà thịt..., mỗi năm thu nhập mang lại cho gia đình hàng chục triệu đồng.

Giá nấm rơm tăng do nguồn cung năm nay ít mà nhu cầu thị trường ngày càng tăng cao. Ngoài ra, nguồn nguyên liệu chính làm nấm là rơm ngày một hiếm do bà con đa phần thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp và đốt rơm tại ruộng, từ đó, số hộ theo nghề trồng nấm rơm cũng ít dần.