Trồng Hồng Xiêm Xen Nhãn Miền Thiết
Với mục tiêu đa dạng hoá các loại cây ăn quả, nâng cao giá trị kinh tế trên một diện tích, vài năm lại đây, một số hộ dân ở xã Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang) đã mạnh dạn đưa cây hồng xiêm vào trồng. Đến thăm mô hình trồng hồng xiêm xen nhãn Miền Thiết của gia đình chị Phạm Thị Chúc, ở thôn Bắc 2, xã Quý Sơn thấy rõ sự năng động và cần cù của người dân nơi đây.
Cách đây bốn năm, cả khu này là vùng đồi núi hơn 3 ha chủ yếu trồng sắn và vải thiều, thu nhập bấp bênh giờ đây được phủ lên một màu xanh mướt bởi hồng xiêm và nhãn. Chị Chúc tâm sự: "Trên diện tích này, gia đình tôi trồng 170 cây hồng xiêm và 600 cây nhãn. Vụ đầu tiên 2012 thu được gần 70 triệu đồng từ hồng xiêm. Bước đầu cây cho bói quả như vậy là tôi thấy thành công rồi". Hiện tại, mỗi cây hồng xiêm cho thu từ 15 đến 20 kg quả, giá 20.000 - 25.000 đồng/kg. Khi chín quả có vị ngọt, thơm, mát, rất hấp dẫn.
Theo chị Chúc, trồng hồng xiêm không khó, có thể trồng vào bất cứ vụ nào trong năm, khoảng cách hàng cách hàng 5m, cây cách cây 5m. Sau khi trồng phải tưới nước thường xuyên đến khi cây ra lá ổn định, khi cây lên cao khoảng gần 1m thì bấm ngọn để cây phát triển cành và mở rộng tán, thường xuyên tỉa cành sâu bệnh, cành tăm, cành không cần thiết. Hồng xiêm là loại cây ít sâu bệnh, chủ yếu là sâu đục thân, phải chú ý bắt sâu, phun thuốc sâu định kỳ, rắc và quét vôi quanh gốc. Chị Chúc chia sẻ cách dấm hồng xiêm chín ngọt và ngon không dùng thuốc hóa học gây độc hại. Đó là khi thu hái hồng xiêm xếp luôn vào thùng xốp và đốt một nén hương đặt trong đó, rồi đậy nắp thùng lại. Hơi nóng của hương sẽ lan tỏa khắp thùng và làm cho hồng chín sau hai đến ba ngày.
Mô hình trồng hồng xiêm xen nhãn của gia đình chị Chúc tuy mới hình thành nhưng cũng đã được rất nhiều bà con tới thăm và học hỏi bởi giá trị kinh tế cao.
Có thể bạn quan tâm
Tốt nghiệp đại học ngành Việt Nam học nhưng anh Trần Minh Thiệp ở thôn Cẩm Lãnh (Tiên Cẩm - Tiên Phước - Quảng Nam) lại đam mê nuôi chim trĩ. Đây là trại nuôi chim trĩ đầu tiên ở Quảng Nam và đang gặt hái được nhiều thành công.
Đã bước sang tháng 5, nhưng ở Ninh Thuận vùng nuôi tôm dọc tuyến đường ven biển từ An Hải (Ninh Phước) đến Phước Dinh (Thuận Nam) vẫn còn không khí trầm lắng, khá nhiều ao đìa còn bỏ không. Theo Thạc sĩ Phan Đình Thịnh, Chi cục Trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản (NTTS) tỉnh Ninh Thuận, trong những tháng qua, do xuất hiện bệnh làm tôm nuôi chết rải rác đã khiến các hộ nuôi chần chừ chưa dám thả giống dù đã vào chính vụ.
Nghề trồng nấm rơm đang phát triển mạnh ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang), tập trung ở các xã: Mỹ Long, Tân Hội, Tân Phú, Mỹ Hạnh Trung và Mỹ Hạnh Đông… Mỗi năm sản xuất hàng trăm tấn nấm phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Khi hầu hết thanh niên trong thôn xã đi lao động ở nước ngoài thì anh Hồ Đức Ngọc (29 tuổi, ở thôn Nhân Bắc, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) ở nhà tìm hướng làm kinh tế.
Xác định cây chuối là cây chủ lực trong sản xuất nông nghiệp nên những năm gần đây diện tích trồng chuối ở xã Tân Long (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) tăng lên rất nhanh. Cuối năm 2012, toàn xã trồng được 1.000 ha thì đến những tháng đầu năm 2013 nhân dân đã trồng mới thêm 62 ha, nâng tổng diện tích cây chuối trên địa bàn lên 1.062 ha.