Trồng Chuối Lấy Ngắn Nuôi Dài, Nhưng Hiệu Quả Kinh Tế Rất Cao
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh, hiện nay chưa thể thống kê được tổng diện tích trồng chuối của nông dân trên địa bàn tỉnh cụ thể là bao nhiêu. Vì có nhiều nguyên nhân, trong đó căn bản nhất là chưa có nông dân nào quy hoạch vườn để trồng chuối theo hình thức chuyên canh (trừ chuối xuất khẩu ở xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú).
Tuy nhiên, trong những năm qua, hưởng ứng theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, nhiều nông dân áp dụng hình thức chọn cây chuối trồng xen với những cây trồng chủ lực khác, theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài” (mỗi vùng mỗi khác, nhà vườn huyện Tiểu Cần và Cầu Kè trồng chuối sáp, chuối cao là chủ yếu; nhưng nhà vườn ở huyện Càng Long thích trồng chuối già).
Tuy nhiên, giờ đây cây chuối lại trở thành cây có thu nhấp rất cao. Chuối buồng có giá cao như hiện nay, mức độ bền vững khó xác định, song nhà vườn trên địa bàn tỉnh trước mắt đang rất phấn khởi.
Giá chuối buồng liên tục tăng từ giữa tháng 3/2014 đến nay. Từ đó, nhiều nhà vườn “chớp lấy cơ hội”, chặt cả chuối non để bán. Theo các chủ vựa chuối, nguyên nhân giá tăng là do có thương lái Trung Quốc đến đặt mua chuối già với số lượng không giới hạn. Họ cho ghe lớn nằm ở các cửa sông Tiền, sông Hậu, hoặc thu gom bằng xe gắn máy từ các nhà vườn, sau đó vận chuyển bằng xe tải.
Tại vựa thu mua chuối của Chị Ba (chợ Ba Trường, thuộc địa phận xã Long Đức, thành phố Trà Vinh), hàng ngày, xe gắn máy chở đầy chuối buồng đến, chủ yếu là chuối già. Theo quan sát của chúng tôi, trong đó, có nhiều buồng chuối còn non cũng được chở đến vựa tập kết.
Tại xã Nhị Long, huyện Càng Long, anh Lê Văn Tiền là một trong những nhà vườn có diện tích chuối già trồng xen với các loại cây có múi khác, cho biết: “Khi giá chuối già tăng cao như hiện nay, tôi bán được nhiều đợt/tháng. Mặt khác, tôi thông báo cho các nhà vườn xung quanh, vài ngày thì nhà vườn ở xóm này bán được khoảng 200kg (tương đương với khoảng 15-17 buồng).
Giữa tháng 3/2014, giá chuối già chỉ khoảng từ 5.000-6.000 đồng/kg, do phải thông qua nhiều thương lái. Từ đầu tháng 04/2014 đến nay, giá tiếp tục tăng lên, có thời điểm đến 8.000 đồng/kg, nếu 01 buồng chuối già trái lớn, có khoảng 10 nải, nhà vườn sẽ bán được gần 150.000 đồng.
Qua trao đổi với các thương lái, chuối già ngon nhất, đạt chuẩn cao nhất thuộc các huyện vùng nước ngọt, nhất là huyện Cầu Kè và huyện Càng Long. Đặc biệt, chuối được trồng ở các xã cù lao như Tân Quy, An Lộc (huyện Cầu Kè), vùng Nhị Long, Mỹ Cẩm (huyện Càng Long)… thì thu mua chuối giá sẽ cao hơn. Tuy những ngày qua giá có giảm nhưng sức thu mua không hề giảm vì người dân đốn chuối bán rất nhiều.
Anh Võ Văn Bưởi, Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Long, huyện Càng Long cho biết: Nhà vườn ở xã Nhị Long trồng chuối già xen với xoài, dừa cho trái cũng rất lớn. Nhiều nhà vườn thất mùa xoài nhưng bù lại thu nhập nhờ chuối. Nếu như 01ha xoài (hoặc dừa) nhà vườn trồng được từ 220-250 gốc, với diện tích đó, nếu nhà vườn trồng xen chuối, sẽ được khoảng 200 cây, giá như hiện tại, bình quân bán được 70.000 đồng/buồng, nhà vườn sẽ có thu nhập thêm khoảng 14 triệu đồng/ha/năm.
Theo một cán bộ ngành Nông nghiệp của tỉnh cho biết: Hiện nay, nguồn chuối già cung không đủ cầu là do khi nào thị trường nước ngoài có nhu cầu ''ăn hàng'' thì giá chuối không riêng của tỉnh Trà Vinh mà cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng tăng trong thời gian một vài tháng rồi giảm trở lại, nên các nhà vườn cũng cần thận trọng với loại cây trồng này.
Giá chuối tăng cao ngay lúc này chỉ là nhất thời do một số nước trong khu vực chưa đến thời điểm thu hoạch nên nhà vườn cần hết sức cảnh giác với việc đẩy giá để thu mua chuối của các thương lái nước ngoài.
Cụ thể như hiện nay, nguyên nhân giá chuối tăng do có thương lái Trung Quốc đến đặt mua chuối già với số lượng không giới hạn, giá chuối già tới 7.000-8.000 đồng/kg, chuối hơi non khoảng 5.000 đồng. Các mức giá này đều cao hơn trước kia từ 3.000-4.000 đồng/kg.
Năm nay, nhờ thời tiết khá thuận lợi, cây chuối trên địa bàn tỉnh phát triển tốt, đạt năng suất cao, nhất là ở các huyện được thiên nhiên ưu đãi có nước ngọt quanh năm. Mặt khác, nhà vườn “trúng giá”, tuy nhiên, quy luật của một số mặt hàng nông sản tăng-giảm và ngược lại là thường xuyên xảy ra.
Nhà vườn cũng cần cân nhắc khi quyết định trồng loại cây nào phù hợp khi quy hoạch vườn mới, hoặc đốn cây này, rồi trồng cây khác. Vì khi cung vừa với cầu thì giá mới cao; nhưng khi cung vượt cầu giá sẽ bị giảm mạnh.
Từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh một số mặt hàng nông sản luôn biến động bất thường: Giá lúa của vụ lúa đông-xuân 2013-2014 ở đầu vụ tăng cao, đến giữa vụ về sau giảm mạnh, sau đó tăng nhẹ; tôm thẻ chân trắng vào thời điểm cuối tháng 03/2014 giảm từ 15.000 - 20.000 đồng/kg tôm nguyên liệu; giá dưa hấu cũng giảm - tăng bất thường… làm cho nông dân thiếu an tâm trong tái đầu tư sản xuất, lợi nhuận không cao. Đặc biệt, hiện nay giá dừa khô và chuối (chủ yếu là chuối già) tăng rất mạnh…
Tuy nhiên, theo nông dân và các ngành hữu quan, giá tăng của một số mặt hàng nông sản như vừa qua vẫn thiếu tính bền vững…
Có thể bạn quan tâm
Cũng như nhiều người nuôi tôm khác ở đồng bằng sông Cửu Long, anh Huỳnh Chí Thanh ngụ tại xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau rất lo lắng trước tình hình dịch bệnh trên tôm bùng phát và gây thiệt hại. Tuy nhiên, kể từ khi tham gia mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến do ngành nông nghiệp tỉnh triển khai thì những lo lắng đó không còn nữa.
Với quyết định tìm hướng đi mới để làm giàu, anh Chu Đình Dục (38 tuổi), ở thôn Trung, xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên đã tìm đến nghề nuôi gà Đông Tảo.
Địa hình đồi núi, ruộng bậc thang, đường sá đi lại khó khăn, trình độ dân trí hạn chế... đang là những cản trở lớn khiến việc thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Cao Phong khó khăn.
Bắt đầu từ xã Thới Thạnh (Bến Tre), năm 2008, Dự án Heifer đầu tư cho địa phương 40 con bò (trị giá ban đầu mỗi con hơn 10 triệu đồng, trọng lượng khoảng 180 kg) dành cho những hộ nghèo, cận nghèo, hộ chí thú làm ăn và có đất chăn nuôi (đất làm chuồng, trồng cỏ, có người chăn).
Mặc dù Bắc Kạn chưa phải là vùng kinh tế trọng điểm như các tỉnh bạn nhưng so với những ngày đầu tái lập (năm 1997) với điểm xuất phát cực thấp thì thấy rằng sau 16 năm chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã khá rõ nét. Giờ đây Bắc Kạn đã có vùng trồng cây ăn quả, vùng trồng cây công nghiệp ngắn ngày, vùng trồng cây lương thực, cây lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc…