Trồng Cây Có Múi Đạt Hiệu Quả Kinh Tế Cao
Với 11 công đất vườn trồng cây có múi, ông Trương Văn Hoa, ở ấp 3 - xã Bình Hòa (Giồng Trôm - Bến Tre) hàng năm thu hoạch vài trăm triệu đồng. Hiện, ông là Tổ trưởng Tổ liên kết bưởi da xanh của ấp.
Ông Lê Thanh Hải - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Xã có 7 ấp thì hết 6 ấp trồng cây có múi, với 108ha, đang cho trái 66ha. Các hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư vốn để thay đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng các loại giống mang lại giá trị kinh tế cao. Ông Hoa là một trong những điển hình tiêu biểu của xã.
Ông Hoa đi nghĩa vụ và xuất ngũ vào năm 1983. Ông được cha mẹ cho 4 công đất ra riêng. Ông trồng mía, tranh thủ thời gian rảnh thì đi làm mướn. Sau đó, ông Hoa bắt đầu trồng xen chanh, nhãn, sa bô. Ngoài ra, tận dụng mặt nước, ông nuôi thêm tôm càng xanh. Mấy năm liền nuôi tôm có hiệu quả cộng với trúng chanh, ông đã dành dụm tiền mua thêm 7 công đất.
Qua mấy năm, giá cả các mặt hàng nông sản không ổn định, chanh cũng có dấu hiệu lão hóa nên ông nảy sinh ý định phải trồng cây khác để cải thiện cuộc sống. Ông Hoa kể lại: Tình cờ tôi nghe “Chương trình nông thôn” phát sóng về cây bưởi da xanh, mang lại giá trị kinh tế cao của anh Hai Hoa ở huyện Chợ Lách. Tôi tìm đến tận nơi, học hỏi kinh nghiệm và mua cây giống về trồng. Sau đó, tôi mua 250 nhánh, về trồng thấy đạt kết quả cao.
Năm sau, tôi tiếp tục đầu tư mua thêm 150 nhánh trồng giáp hết vườn nhà. Khi mới bắt đầu trồng bưởi da xanh thì phải xây mô đất cao, đắp áo hông quanh mô, bỏ phân vô mô (phân chuồng). Qua tuần lễ, rải phân DP ngâm nước pha loãng tưới. Điều quan trọng khi trồng cây giống cho lá quay về hướng Tây, tránh nắng chiều để cây không bị mất sức. Mỗi tháng tưới phân một lần.
Nhờ cần cù, học hỏi kinh nghiệm, ông Hoa đã đạt được kết quả về lĩnh vực cây trồng, không bị hao hụt. Trong năm 2012, ông bán được hơn 7 tấn bưởi da xanh, giá bình quân 31 ngàn đồng/kg, thu về 229 triệu đồng. Đối với cam, quýt, tôm càng xanh ông cũng thu được 195 triệu. Sau khi trừ hết chi phí, ông thu nhập mỗi năm 300 triệu đồng. Nhờ phấn đấu và chí thú làm ăn, cuộc sống gia đình ông Hoa hiện nay đã vươn lên khá giàu, 3 người con của ông đều có công ăn việc làm ổn định, một người làm kỹ sư và hai người làm giáo viên.
Với mô hình trồng cây có múi đạt hiệu quả cao, ông Hoa đã được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương.
Có thể bạn quan tâm
Trong tháng 6 tới, những lứa bò Kobe đầu tiên “made in Việt Nam” xuất chuồng và bán tại thị trường Lâm Đồng.
Hiện nay trên địa bàn các xã Mỹ Thọ, Tân Hội Trung và Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp khi thu hoạch vụ lúa hè thu năm 2015, đã xuất hiện nhiều đàn vịt chạy đồng, làm số lượng đàn vịt ở đây tăng lên đột biến, trong đó có không ít đàn vịt đến từ địa phương khác.
Nuôi dế ít dịch bệnh, công chăm sóc và chi phí thức ăn thấp mà cho thu nhập khá cao so với nhiều nghề khác. Chỉ cần cho dế ăn sạch, ở sạch và uống sạch.
Theo lời giới thiệu của Trạm Khuyến nông huyện Định Hóa, chúng tôi đến gia đình anh Triệu Văn Hoan ở xóm Cốc Lùng, xã Bảo Cường, huyện Định Hóa - nơi đang triển khai mô hình nuôi gà đồi cho hiệu quả cao.
Ngày 7-5, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang tổ chức xét duyệt, thông qua dự án “Chăn nuôi heo, gà tập trung trên nền đệm lót sinh học gắn với xây dựng công trình khí sinh học đảm bảo vệ sinh môi trường”. Dự án do Phó Trưởng phòng Khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Nguyễn Hoàng Chiến làm chủ nhiệm.