Trồng Cây Có Múi Đạt Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Với 11 công đất vườn trồng cây có múi, ông Trương Văn Hoa, ở ấp 3 - xã Bình Hòa (Giồng Trôm - Bến Tre) hàng năm thu hoạch vài trăm triệu đồng. Hiện, ông là Tổ trưởng Tổ liên kết bưởi da xanh của ấp.
Ông Lê Thanh Hải - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Xã có 7 ấp thì hết 6 ấp trồng cây có múi, với 108ha, đang cho trái 66ha. Các hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư vốn để thay đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng các loại giống mang lại giá trị kinh tế cao. Ông Hoa là một trong những điển hình tiêu biểu của xã.
Ông Hoa đi nghĩa vụ và xuất ngũ vào năm 1983. Ông được cha mẹ cho 4 công đất ra riêng. Ông trồng mía, tranh thủ thời gian rảnh thì đi làm mướn. Sau đó, ông Hoa bắt đầu trồng xen chanh, nhãn, sa bô. Ngoài ra, tận dụng mặt nước, ông nuôi thêm tôm càng xanh. Mấy năm liền nuôi tôm có hiệu quả cộng với trúng chanh, ông đã dành dụm tiền mua thêm 7 công đất.
Qua mấy năm, giá cả các mặt hàng nông sản không ổn định, chanh cũng có dấu hiệu lão hóa nên ông nảy sinh ý định phải trồng cây khác để cải thiện cuộc sống. Ông Hoa kể lại: Tình cờ tôi nghe “Chương trình nông thôn” phát sóng về cây bưởi da xanh, mang lại giá trị kinh tế cao của anh Hai Hoa ở huyện Chợ Lách. Tôi tìm đến tận nơi, học hỏi kinh nghiệm và mua cây giống về trồng. Sau đó, tôi mua 250 nhánh, về trồng thấy đạt kết quả cao.
Năm sau, tôi tiếp tục đầu tư mua thêm 150 nhánh trồng giáp hết vườn nhà. Khi mới bắt đầu trồng bưởi da xanh thì phải xây mô đất cao, đắp áo hông quanh mô, bỏ phân vô mô (phân chuồng). Qua tuần lễ, rải phân DP ngâm nước pha loãng tưới. Điều quan trọng khi trồng cây giống cho lá quay về hướng Tây, tránh nắng chiều để cây không bị mất sức. Mỗi tháng tưới phân một lần.
Nhờ cần cù, học hỏi kinh nghiệm, ông Hoa đã đạt được kết quả về lĩnh vực cây trồng, không bị hao hụt. Trong năm 2012, ông bán được hơn 7 tấn bưởi da xanh, giá bình quân 31 ngàn đồng/kg, thu về 229 triệu đồng. Đối với cam, quýt, tôm càng xanh ông cũng thu được 195 triệu. Sau khi trừ hết chi phí, ông thu nhập mỗi năm 300 triệu đồng. Nhờ phấn đấu và chí thú làm ăn, cuộc sống gia đình ông Hoa hiện nay đã vươn lên khá giàu, 3 người con của ông đều có công ăn việc làm ổn định, một người làm kỹ sư và hai người làm giáo viên.
Với mô hình trồng cây có múi đạt hiệu quả cao, ông Hoa đã được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương.
Related news

Tập trung nhiều nhất tại huyện Tân Phước (Tiền Giang) đã chuyển đổi gần 50 ha lúa năng suất thấp sang trồng sen. Bên cạnh đó, các huyện Cai Lậy, TX Cai Lậy, Châu Thành…cũng có nhiều hộ dân đã chuyển từ lúa kém hiệu quả sang độc canh cây sen.

Anh Nguyễn Hồng Phong, chủ trang trại Phong Thúy (Đức Trọng), hiện nay do trái mùa nên bông cải và cà rốt năng suất kém, nguồn cung ít khiến giá tăng. Từ tháng 8 trở đi thời tiết không khắc nghiệt, các loại rau, củ sẽ có giá ổn định hơn.

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT thì tính đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng được hơn 63.093 ha các loại cây trồng vụ hè thu, đạt gần 84,5% so với kế hoạch đề ra.

Tân Sơn là huyện vùng cao, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, vì vậy lựa chọn những cây trồng, vật nuôi có lợi thế để phát triển phù hợp với điều kiện địa phương, đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu của các cấp chính quyền.

Lúa tái sinh (hay còn gọi là lúa chét) là lúa mọc lên từ thân rạ sau khi đã thu hoạch. Vụ này, huyện Hạ Hòa có 60 ha lúa tái sinh tập trung chủ yếu ở các xã Vĩnh Chân (20 ha), Chính Công (10 ha), Lệnh Khanh (10 ha), Lang Sơn (5ha)...