Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng Bí Xanh Lãi 200 Triệu/ha

Trồng Bí Xanh Lãi 200 Triệu/ha
Ngày đăng: 05/04/2013

Ông Nguyễn Văn Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Sơn, Anh Sơn (Nghệ An) phấn khởi: Năm 2006, chính quyền xã vận động nhân dân thực hiện mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng thu nhập. Xã chọn 9 hộ tại thôn Hội Lâm chuyển đổi 2 ha đất trồng mía tại xứ Đồng Cạn sang trồng dưa hấu và bí xanh theo công thức 3 vụ/năm (2 vụ dưa hấu + 1 vụ bí xanh).

Để mô hình thành công, ngoài việc tổ chức cho các hộ tham gia mô hình đi tham quan cách làm của địa phương khác, xã còn phối hợp với Trạm Khuyến nông tổ chức tập huấn kỹ thuật, lập quy hoạch ô thửa, đường đi, lán trại và hỗ trợ giống, dây điện ra tận ruộng để phục vụ tưới tiêu. Nhờ đó SX thành công mỹ mãn.

Theo ông Vinh, trước đây trồng mía mỗi năm doanh thu chỉ 2,6 triệu đồng/500 m2/năm, thì mô hình chuyển đổi làm 3 vụ đã đạt 17,2 triệu đồng trên cùng diện tích. Từ đó mô hình này đã được nhân rộng ra toàn bộ diện tích đất màu của xã (15 ha) và tiếp tục nhân rộng ra 6/11 thôn.

Anh Nguyễn Văn Khánh, Bí thư Đoàn kiêm Trưởng ban Nông nghiệp xã cho biết: Đến năm 2010 tổng diện tích chuyển sang SX thâm canh theo công thức 2 dưa + 1 bí xanh đã lên tới 39 ha. Ngoài 15 ha đất màu, nông dân đã mở rộng diện tích sang đất bãi ven sông Lam, đất đồi vệ, đất màu đồng, đất trồng lúa cấy cưỡng. Riêng vụ bí xanh vụ xuân năm ngoái, năng suất bình quân đạt 30 tấn/ha. Giá bán bình quân từ 7.000 - 10.000 đồng/kg (tùy thời điểm) cho doanh thu tới 210 triệu đồng/ha/vụ. Sau khi trừ chi phí phân bón, giống, thuốc BVTV cho lãi ròng từ 140 - 150 triệu đồng/ha. Có nhiều hộ đầu tư làm diện tích lớn, từ 6 - 7 sào/vụ cho thu nhập từ 30 - 32 triệu đồng/ngày. Cá biệt, hộ anh Đậu Xuân Dũng ở xóm 3, thôn Cẩm Thắng, có ngày thu nhập 37 triệu đồng từ bí xanh.

Ông Nguyễn Văn Vinh cho biết thêm: Do thị trường dưa hấu không ổn định, hay bị rớt giá, khó bảo quản trong khi vòng quay của cây bí xanh lại cho thu nhập cao hơn, dễ bảo quản, không sợ tư thương ép giá nên từ năm 2010 đến nay, bà con đã chủ động chuyển đổi từ công thức "Dưa hấu + dưa hấu + bí xanh" sang "Bí xanh + bí xanh + cây rau màu" lên 49 ha nên hiệu quả kinh tế đã tăng lên rõ rệt.

Riêng bí xanh vụ xuân, sau khi thu hoạch xong thì cắt bỏ để trồng lại vào vụ thu. Một số hộ còn mạnh dạn trồng bí xanh vụ xuân ngay thời điểm cuối vụ đông nên sát Tết Nguyên đán đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên, các cơ sở SX mứt bí tấp nập về thu mua với giá mua tại ruộng 15.000 - 16.000 đồng/kg.

Anh Hoàng Xuân Thế, Bí thư chi đoàn thôn Hội Đông, ngoài nhận thầu 4 sào đất của tập thể, anh còn làm thêm 3 sào đất màu của gia đình bằng công thức "2 vụ bí xanh + 1 vụ rau màu" nên bình quân mỗi năm anh có tổng doanh thu trên dưới 70 triệu đồng. Chỉ 7 sào đất anh Thế thu lãi ròng trên 50 triệu đồng/năm.

Theo tính toán của anh Nguyễn Văn Khánh, từ khi bà con chuyển sang làm theo công thức "2 vụ bí xanh + 1 vụ rau màu", tổng thu nhập cả 3 vụ bình quân trong toàn xã đã đạt mức 344 triệu đồng. Trừ hết các chi phí bỏ ra và công lao động vẫn đạt lãi ròng 214 triệu đồng/ha/năm.

3 năm trở lại đây, tổng thu nhập từ 49 ha đất SX nông nghiệp chuyển đổi sang làm theo công thức "Bí xanh + bí xanh + rau màu", toàn xã có tổng doanh thu gần 17 tỷ đồng/năm. Lãi ròng trên dưới 10,5 tỷ đồng. Bí xanh có đầu ra rất ổn định, bà con thu hoạch chuyển ra tập kết tại 1 - 2 địa điểm chờ xe của các tỉnh về thu mua ngay. Có ngày xuất tới 4 - 5 xe, mỗi xe từ 20 - 25 tấn.


Có thể bạn quan tâm

Sẽ Truy Xuất Nước Xuất Khẩu Sẽ Truy Xuất Nước Xuất Khẩu

Tại Hội thảo “Tìm giải pháp quản lý chất lượng tôm giống” do Tổng cục Thuỷ sản phối hợp với Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận tổ chức mới đây, các đại biểu đều ủng hộ phương án phải kiểm tra chất lượng tôm giống bố mẹ từ nước ngoài.

15/11/2013
Chuẩn Bị Tốt Cho Vụ Tôm Nước Lợ 2014 Chuẩn Bị Tốt Cho Vụ Tôm Nước Lợ 2014

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, năm 2013, tình hình dịch bệnh trên tôm nước lợ được các địa phương kiểm soát khá tốt, giá tôm nguyên liệu tăng nên người nuôi yên tâm thả giống, mở rộng diện tích canh tác. Để chuẩn bị tốt cho vụ nuôi năm 2014, Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo các địa phương triển khai kế hoạch sản xuất và phổ biến lịch thời vụ nuôi, đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo hiệu quả kinh tế từ nuôi tôm nước lợ.

15/11/2013
Vụ Tôm Nước Lợ Năm 2013 Cơ Bản Được Mùa Vụ Tôm Nước Lợ Năm 2013 Cơ Bản Được Mùa

Theo Tổng Cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2013, mặc dù vẫn còn xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi, nhưng về cơ bản vụ nuôi tôm năm nay được mùa ở Việt Nam.

15/11/2013
Nuôi Cá Chẽm Nước Ngọt Tại 2 Huyện Đông Hòa, Sông Hinh (Phú Yên) Nuôi Cá Chẽm Nước Ngọt Tại 2 Huyện Đông Hòa, Sông Hinh (Phú Yên)

Chiều 12/11, Hội đồng KH-CN tỉnh Phú Yên xét duyệt Dự án Nông thôn miền núi: “Xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá chẽm (Lates calcarifer) trong thủy vực nước ngọt quy mô nông hộ tại 2 huyện Đông Hòa, Sông Hinh thuộc tỉnh Phú Yên” do kỹ sư Phạm Trường Giang, Nghiên cứu viên Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Trung (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III) làm chủ nhiệm.

15/11/2013
Được Mùa Cá Ruộng Được Mùa Cá Ruộng

Hiện nay, nông dân xã Trường Long A, huyện Châu Thành A (Hậu Giang), bắt đầu dọn đồng chuẩn bị bơm nước sạ lúa Đông xuân. Đây cũng là lúc bà con thu hoạch vụ cá nuôi trên ruộng với niềm phấn khởi được mùa, được giá.

15/11/2013