Anh Tâm Nuôi Lợn Giỏi
Được sự giới thiệu của bà con trong thôn, chúng tôi đến thăm gia đình nhà anh Nguyễn Huy Tâm ở thôn 3, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái, một nông dân làm kinh tế giỏi với nghề chính là chăn nuôi lợn.
Tiếp chuyện với chúng tôi anh Tâm cho biết: Trước kia anh là công nhân lái tàu của xí nghiệp đầu máy Hà Lào, đến năm 1983 anh xin nghỉ làm, về nhà cùng vợ làm ăn kinh tế. Quỹ đất ban đầu của của hai vợ chồng chỉ có khoảng 5 sào, nhưng nhờ chăm chỉ chịu khó khai phá, tận dụng bãi soi, bãi bồi và một phần mua thêm nên đến nay diện tích đất vườn và khu chăn nuôi đã lên đến 2 mẫu.
Bước đầu làm ăn, do thiếu vốn, anh chị phải vay mượn của bạn bè, họ hàng, cứ vay chỗ này đập chỗ kia. Ban đầu anh chị chỉ chăm nuôi vài con lợn nái, lợn thịt nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi lên lợn hay bị mắc bệnh, cứ nuôi là chết. Sau đó có người cháu học chăn nuôi thú y trên đại học Bắc Thái ra trường đi chữa bệnh cho gia súc, gia cầm trong vùng, anh liền đi theo học hỏi cộng thêm những lần tham quan học tập tại trại chăn nuôi lợn bên Tuần Quán, anh đã tích luỹ được kinh nghiệm về áp dụng cho chăn nuôi đàn lợn của gia đình mình. Để có tiền lấy ngắn nuôi dài và cho các con ăn học, anh chị còn tận dụng bãi vườn nhà mình trồng rau màu và cây ăn quả.
Trước kia, nhà anh có khoảng 100 gốc táo chua, một năm thu quả bán cũng thu về hơn 10 triệu đồng, cộng thêm trồng lạc cũng thu về hơn 5 triệu đồng/năm. Còn về rau thì mùa nào thức ấy, nào là rau cải, su hào, cải bắp... nhưng do đường xá thời ấy đi lại khó khăn, anh chị phải gánh bộ, qua đò để bán rau, nhưng sau này có xe máy nên việc đưa rau ra các chợ mối lái cũng thuận tiện hơn.
Tuy vậy, anh chị vẫn xác định chăn nuôi lợn mới là nghành chính của gia đình. Để có tiền đầu tư phát triển chăn nuôi, anh chị đã mạnh dạn làm đơn vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp với tổng số tiền là 70 triệu đồng. Năm 2007, qua sự giới thiệu của một số bạn bè anh chị đã mua một con lợn rừng đực giống với giá 5 triệu đồng tận trong Đà Nẵng, sau đó anh chị mua thêm 25 con lợn nái mán và tiến hành cho phối giống. Đến nay anh chị đã gây dựng được đàn lợn rừng lai mán khoảng gần 100 con, trung bình 20 kg/con.
Đàn lợn rừng lai này có đặc điểm là rất dễ nuôi, nhanh lớn, thịt thơm ngon, được người tiêu dùng rất ưa chuộng, chăm sóc đàn lợn này rất đơn giản, chỉ cần cắt cỏ và cho ăn thêm ngô, sắn...một đặc điểm nữa rất quan trọng là chúng rất thích đằm mình trong bùn, do vậy anh chị đã làm một “khuôn viên” ao bùn để có chỗ cho lợn đằm bùn và tận dụng những gốc táo kém hiệu quả lấy chỗ cho lợn tránh nắng. Anh chị còn có ý định xây dựng một cái ao để nuôi bèo tây làm thức ăn cho đàn lợn rừng. Hiện với giá bán 50.000 đồng/kg lợn rừng lai, mỗi năm anh chị cũng thu về một khoản tiền kha khá từ đàn lợn này.
Được sự hỗ trợ của tỉnh về chương trình nuôi 100 lợn thịt, anh chị được hỗ trợ 30 triệu đồng, cộng thêm khoản vay 200 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, anh chị phần nào yên tâm sản xuất và mở rộng quy mô chăn nuôi của gia đình. Hiện tại, ngoài đàn lợn rừng lai, anh chị còn có thêm 9 con lợn nái, 30 con lợn thịt, mỗi con khoảng 60 kg, và 30 lợn con. Để có đực giống tốt phục vụ đàn lợn nái nhà mình, anh chị đã lấy nguồn tinh lợn ở công ty TNHH Hoà Bình trên thành phố Yên Bái. Theo anh, chăn nuôi lợn phải có tâm huyết và kỹ thuật.
Anh chị đã tự tìm tòi, nghiên cứu các loại sách về chăn nuôi, cộng thêm tham gia các buổi tập hấn về kỹ thuật chăn nuôi trên tỉnh, thành phố mở mà đến nay anh chị đã tích luỹ và tự tìm ra một quy trình phòng và trị bệnh cho đàn lợn nhà mình từ khi sinh ra đến khi cai sữa, nuôi vỗ và xuất bán. Do vậy mà đàn lợn nhà anh luôn khoẻ mạnh, không bị dịch bệnh như các hộ khác ở cùng trong thôn.
Về thức ăn lúc đầu anh chị cho ăn hỗn hợp đậm đặc trộn ngô và cám, nhưng sau thấy không hiệu quả nên anh chị cho ăn đậm đặc bằng cám công nghiệp. Tuy vậy cũng trong năm 2009 này, gia đình anh chị cũng bị thiệt hại và mất khoảng 30 con lợn thịt do dính vào thời tiết mưa dầm, môi trường ẩm ướt, lợn bị mắc bệnh nhiễm khuẩn đường ruột và chết. Để tận dụng nguồn phân lợn thải ra và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, anh chị cũng xây hầm bioga phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình.
Cho đến nay khu chăn nuôi lợn của anh chị chia làm 3 khu: Khu nuôi lợn nái, khu nuôi lợn thịt và lợn con, khu chuồng và không gian vườn nuôi lợn thịt với tổng diện tích 3000 m2. Với đàn lợn nạc, mỗi năm anh chị xuất bán 3 lứa, mỗi lứa trung bình 50- 60 con, trọng lượng trung bình 80kg/con, với giá thị trường là 27000 đồng/kg hơi, anh chị thu về khoảng 40 triệu đồng/năm. Cộng với khoản thu về từ đàn lợn rừng lai, thu nhập của anh chị mỗi năm từ 60 – 70 triệu đồng/năm.
Với tinh thần ham học hỏi và có thành quả lao động chăn nuôi khả quan, gia đình anh chị đã được UBND thành phố Yên Bái tặng giấy khen cho nông dân sản xuất kinh doanh giỏi năm 2009. Chia tay anh chị, chúng tôi tin rằng, với niềm nhiệt huyết và tinh thần lao động hăng say trong chăn nuôi, anh chị sẽ luôn là điểm sáng để bà con trong vùng học tập và làm theo.
Có thể bạn quan tâm
Bằng quyết tâm và ham học hỏi, anh Văn Minh Thể, sinh năm 1980 ở thôn 6, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đã nuôi thành công loài chim trĩ đỏ trên vùng đất Tây Nguyên.
Trong những ngày này, nông dân tỉnh Tiền Giang đang tập trung chăm sóc lúa thu đông bước vào giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng, với tổng diện tích hơn 38.000 ha, tập trung nhiều ở các huyện Chợ Gạo, Tân Phú Đông, Gò Công Tây. Tuy nhiên, vào thời điểm này do thời tiết diễn biến phức tạp nên các đối tượng sâu bệnh, dịch hại đang có xu hướng tăng cao trên lúa thu đông.
Trong khi ở nhiều nơi, cây vụ đông mới bắt đầu lên xanh thì ở huyện Nam Sách (Hải Dương), những ruộng cà chua đã cho những trái quả đỏ, xanh.
Trong khi các “vựa rau” ở Tư Nghĩa hay TP.Quảng Ngãi tiêu điều vì bị mưa vùi gió dập thì nhiều ruộng la ghim của nông dân xã Đức Thạnh (Mộ Đức) lại bán được giá.
Bước vào niên vụ thu hoạch cà phê năm 2013, mặc dù giá nhân công đã “đội” lên, tăng cao so với những năm trước, song do thiếu nhân công tại chỗ nông dân vẫn phải “bấm bụng” thuê với giá cao…