Trở thành triệu phú từ mô hình nuôi bò khép kín
Anh Lượng thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình nuôi bò khép kín và trồng cây ăn trái.
Hằng ngày anh Lượng vẫn tự tay chăm sóc cho đàn bò của mình. Ảnh: Hoàng Giáp
Mạnh dạn đầu tư số tiền hàng trăm triệu đồng vào chăn nuôi bò, anh Phạm Văn Lượng (31 tuổi, ngụ thôn Phú Thịnh, xã Phú Riềng, H.Phú Riềng, Bình Phước) hiện là một trong những “triệu phú” trẻ tại địa phương khi đàn bò phát triển khỏe mạnh, vườn cây ăn trái xanh tốt cho thu nhập gần 300 triệu đồng/năm.
Mô hình nuôi bò khép kín
Tốt nghiệp Đại học Nông Lâm TP.HCM, Phạm Văn Lượng không ở lại thành phố tìm cơ hội mà quyết định trở về Bình Phước lập nghiệp. Sau nhiều năm không ngừng tìm tòi, học hỏi và suy nghĩ phải nuôi con gì, trồng cây gì để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với mô hình canh tác hiện tại của gia đình, năm 2015, anh Lượng quyết định vay mượn ngân hàng và bạn bè hàng trăm triệu đồng mua 10 con bò giống và đầu tư xây dựng chuồng trại, hầm biogas, trồng cây ăn trái, trồng cỏ cao sản, lắp đặt hệ thống tưới tự động… theo mô hình chăn nuôi khép kín.
Anh Lượng cho biết trên diện tích hơn 1,5 ha trồng cao su của gia đình trước đây, anh đã đầu tư trồng các loại cây ăn trái như mãng cầu, mít, sầu riêng… và xây dựng chuồng bò theo mô hình VietGAP. Trong vòng 3 năm vừa nuôi, vừa học hỏi kinh nghiệm qua sách, báo, internet… hiện đàn bò của anh đã phát triển lên đến gần 40 con. Mỗi năm đàn bò cho sinh sản gần 20 con bò giống, mang về thu nhập gần 300 triệu đồng.
Không chỉ bán bò giống, anh Lượng còn nuôi gần 100 con gà đẻ trứng. Tận dụng nguồn phân bò dồi dào làm hệ thống dẫn, xây hầm biogas để xử lý chất thải, giải quyết “bài toán” môi trường, tạo nguồn khí gas sử dụng trong gia đình, thu gom phân, nước phân để bón cho vườn cây ăn trái của gia đình. Đối với lượng phân dôi dư, anh cũng tự mua các chế phẩm sinh học về để ủ, sau đó bán lại cho người dân trong vùng. Không những thế, hơn 1,2 ha cây ăn trái hứa hẹn sẽ mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm khi đang phát triển tốt. Hiện mô hình của anh đang tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương, trong đó có cả những thanh niên hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng với mức thu nhập hơn 5 triệu đồng/người/tháng.
Truyền cảm hứng khởi nghiệp cho thanh niên
Từ mô hình phát triển kinh tế của anh Lượng, hiện nay trên địa bàn xã Phú Riềng nói riêng cũng như H.Phú Riềng nói chung đã có hàng chục thanh niên đến học hỏi kinh nghiệm, mạnh dạn đầu tư và bước đầu thu được những hiệu quả tích cực. Không chỉ nhận được sự chia sẻ tận tình, anh Lượng còn cung cấp giống bò với giá ưu đãi cũng như tặng miễn phí giống cỏ cao sản của mình đang trồng nhằm tạo động lực giúp các đoàn viên, thanh niên lập nghiệp, phát triển kinh tế.
Chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp, anh Lượng cho hay mình khá may mắn khi có sự động viên, hỗ trợ của các thành viên trong gia đình. “Tuy nhiên, ngoài yếu tố quan trọng là nguồn vốn thì các bạn trẻ cần dám nghĩ, dám làm, không ngại khó, ngại khổ, nỗ lực học hỏi và kiên trì mới có thể thành công”, anh Lượng chia sẻ.
Anh Lượng cho biết thêm, trong 1, 2 năm tới, khi vườn trái cây cho thu nhập anh sẽ tiếp tục tái đầu tư, mở rộng quy mô, liên kết với các hộ dân trong vùng thành lập tổ hợp tác nhằm đảm bảo đầu ra bền vững. Ngoài ra, anh sẽ xây dựng thương hiệu bò giống, bò thịt chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGap tại địa phương.
Không chỉ được biết đến là thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi, trên cương vị là Phó bí thư Đoàn xã Phú Riềng, anh Lượng cũng đã sôi nổi, đóng góp công sức, tâm huyết cho phong trào và hoạt động Đoàn tại địa phương, tạo thêm nhiều việc làm cho các thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2017, Phạm Văn Lượng vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của lần thứ XII do T.Ư Đoàn trao tặng.
Có thể bạn quan tâm
Chi cục Thủy sản vừa tổ chức hội nghị tham quan và nghiệm thu “dự án hỗ trợ sản xuất giống ngao” do HTX thủy sản Kim Trung, xã Kim Trung, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) thực hiện.
Liên tục trong nhiều tháng qua, giá cá ngừ đại dương thu mua tại cảng không vượt quá 100.000 đồng/kg. Điều đáng nói, từ đầu năm đến nay sản lượng cá ngừ ngư dân đánh bắt không bằng các năm trước, thậm chí là mất mùa; doanh nghiệp chế biến thiếu nguyên liệu sản xuất nhưng giá cá thu mua thì lại lên xuống thất thường.
Sau nhiều năm thua lỗ liên tục vì giá heo hơi thấp, nhiều người nuôi phải giảm hoặc bỏ đàn. Gần đây, giá heo hơi nhích lên dần và đang ở mức 53 - 54 ngàn đồng/kg, cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Các hộ chăn nuôi rất phấn khởi và đang dần tăng đàn trở lại.
Theo nhiều chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, thời điểm này, thị trường cây giống bắt đầu hút hàng, sức mua của người dân tăng đáng kể; giá của mặt hàng này đã tăng khoảng trên 5% so với những năm trước.
Để thực hiện điều này một cách hiệu quả nhất cần phải tin học hóa bài toán quản lý thông tin về tình hình sâu bệnh hại lúa có ứng dụng công nghệ thông tin địa lý (GIS).