Chất Lượng Rau Trồng Theo Phương Pháp Hữu Cơ
Trong khi nhiều vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn TP Hà Nội lo lắng về việc tiêu thụ sản phẩm, mô hình sản xuất rau hữu cơ tại huyện Sóc Sơn lại có đầu ra tương đối ổn định, thậm chí không có hàng để bán. Theo các hộ nông dân, bí quyết để rau trồng theo phương pháp hữu cơ (rau hữu cơ) có đầu ra ổn định là chất lượng sản phẩm phải đảm bảo.
Thu nhập ổn định
Chị Hoàng Thị Vì, thôn Bái Thượng, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn là hộ có thâm niên trong việc trồng rau an toàn tại địa phương. Tuy nhiên, một thời gian hàng ngày chị vẫn phải gánh rau ra chợ bán với giá khá bấp bênh, lên xuống tùy theo thị trường. Năm 2009, chị Vì quyết định tham gia nhóm sản xuất rau hữu cơ Ánh Dương, xã Thanh Xuân. Chị cho biết, từ khi chuyển sang trồng rau hữu cơ, giá bán rau ổn định hơn rất nhiều, vì được ký hợp đồng tiêu thụ cho cả năm. Với diện tích gần 3 sào rau hữu cơ, thu nhập bình quân của chị Vì đạt hơn 3 triệu đồng/tháng.
Cũng giống như chị Vì, nhiều thành viên trong nhóm sản xuất rau hữu cơ Bái Thượng rất phấn khởi tham gia mô hình này, bởi thu nhập ổn định. Nhóm hiện có 8 thành viên với diện tích 7.700m2, trồng tất cả các loại rau theo mùa vụ. Năng suất rau vụ xuân hè đạt 2,3 - 2,5 tấn/tháng, vụ thu đông khoảng 3 - 3,5 tấn/tháng. Chị Nguyễn Thị Nhung, trưởng nhóm rau hữu cơ Bái Thượng cho biết, trồng rau hữu cơ giảm được 1/3 chi phí vật tư đầu vào như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón so với sản xuất rau thông thường nên hiệu quả sản xuất cao. Thu nhập bình quân của các thành viên trong nhóm đạt 3 triệu đồng/người/tháng.
Mô hình trồng rau hữu cơ được đưa về ứng dụng tại xã Thanh Xuân từ năm 2008 dưới sự hỗ trợ của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam và Dự án phát triển nông nghiệp châu Á của Đan Mạch (ADDA). Đến nay, toàn xã Thanh Xuân có 9 nhóm sản xuất rau hữu cơ với diện tích 6ha. Ngoài xã Thanh Xuân, một số xã khác trên địa bàn huyện Sóc Sơn cũng đang phát triển mô hình trồng rau hữu cơ như Đông Xuân, Xuân Giang... với tổng diện tích đạt trên 20ha. Đây là hướng đi tạo việc làm hiệu quả và mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân.
Kiểm soát chặt chất lượng rau
Trong khi nhiều vùng rau an toàn của Hà Nội đang lay lắt tìm đầu ra cho sản phẩm thì tại các vùng rau hữu cơ của huyện Sóc Sơn, việc tiêu thụ sản phẩm khá dễ dàng. Đơn cử, tại nhóm rau hữu cơ Bái Thượng toàn bộ sản phẩm được Công ty CP Hà Nội Organic Roots ký hợp đồng tiêu thụ. Giá bán rau hữu cơ hiện nay bình quân đạt 14.000 đồng/kg, cao hơn 7.000 - 8.000 đồng so với rau thông thường. "Để có được đầu ra ổn định, chúng tôi phải tuân thủ tuyệt đối quy trình sản xuất rau hữu cơ, chất lượng sản phẩm luôn phải đảm bảo an toàn" - chị Nhung chia sẻ.
Theo ông Lê Minh Quyền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân, hiện sản lượng rau hữu cơ toàn xã đạt 20 tấn/tháng. Toàn bộ 100% sản phẩm được các công ty trên địa bàn Hà Nội thu mua như: Công ty CP Hà Nội Organic Roots, Công ty CP Nông sản ngon, Tâm Đạt, Ecomart… Ngoài ra, để đẩy mạnh đầu ra cho rau hữu cơ, hàng tháng, Hội Nông dân xã Thanh Xuân còn phối hợp với các nhóm sản xuất và doanh nghiệp tổ chức các tour du lịch tham quan và mua sản phẩm ngay tại ruộng sản xuất.
Hiện nay nhu cầu tiêu dùng sản phẩm rau hữu cơ của thị trường rất lớn. Chính vì vậy, xã Thanh Xuân đang mở rộng thêm 4 nhóm sản xuất rau hữu cơ với diện tích 6 ha tại thôn Chợ Nga, dự kiến sẽ cho sản phẩm vào tháng 9 tới. Tuy nhiên, theo ông Quyền, việc mở rộng không triển khai ồ ạt mà phải làm từng bước, trong đó điều quan trọng nhất là phải đảm bảo chất lượng rau. Chính vì vậy, Hội Nông dân xã, huyện cũng đang tích cực triển khai tập huấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật sản xuất rau hữu cơ và kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm
Trước đó, trung tuần tháng 9, rệp sáp bột hồng xuất hiện gây hại 15ha sắn ở xã An Hải rồi lây lan ra các xã An Hòa, An Xuân (huyện Tuy An) với diện tích 20ha, tỉ lệ gây hại từ 20 đến 50%. Trước tình hình rệp sáp bột hồng xuất hiện gây hại sắn, mới đây UBND tỉnh có chỉ thị yêu cầu ngành NN-PTNT, các địa phương cấp bách triển khai phòng trừ rệp sáp bột hồng hại sắn.
Tháng 6/2013, Hợp tác xã (HTX) Ðồng Tiến ở xã Ðắk Sin (Đắk R’lấp) đã huy động vốn của xã viên được trên 20 tỷ đồng để đầu tư nuôi heo sinh sản và heo thịt theo mô hình khép kín an toàn dịch bệnh và hiện nay đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Khi “nhiễm bệnh” từ tác động bên ngoài, cây dó bầu tiết ra chất nhựa chống lại và hình thành một loại sản phẩm đặc biệt gọi là trầm hương. Căn cứ vào sự hóa nhựa nhiều hay ít mà có sản phẩm như trầm tóc, trầm hương hay kỳ nam. Do bị khai thác gần như tận diệt nên các phu trầm đã đem loại cây rừng này về trồng tại vườn nhà với kỳ vọng sẽ tạo được trầm từ chính bàn tay con người.
Sự phát triển đáng nể của ngành nông nghiệp trong hơn 2 thập niên qua, với hàng loạt mặt hàng nông sản top đầu thế giới cả về sản lượng, năng suất như lúa gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, khoai mì (sắn) khiến nhiều nước vừa kinh ngạc, vừa khâm phục.
Nhóm nghiên cứu đề tài “Xây dựng quy trình và mô hình quản lý tổng hợp sâu đục củ khoai lang ở tỉnh Vĩnh Long” thuộc Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Vĩnh Long và Bộ môn BVTV- Khoa Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) vừa tổ chức hội thảo báo cáo công tác nghiên cứu và đưa ra nhiều giải pháp phòng trị sâu đục củ khoai lang, bước đầu cho nhiều kết quả khả quan.